Sáng 19/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, chủ trì phiên họp thứ 4 của Ban chỉ đạo.
Phiên họp tập trung vào chủ đề đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Cũng tại phiên họp, các cơ quan đã công bố kết quả Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2022 (SIPAS 2022), Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX 2022).
Một bộ phận cán bộ, công chức xử lý công việc chậm, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Cải cách hành chính, xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược, được Đảng xác định từ Đại hội XIII và Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai. Vì vậy Chính phủ xác định, đầu tư cho cải cách hành chính là đầu tư cho phát triển.
Người đứng đầu Chính phủ đánh giá, thời gian qua, công tác cải cách hành chính đã được triển khai quyết liệt, đồng bộ trên cả 6 nội dung: Công tác xây dựng pháp luật; cải cách thủ tục hành chính (TTHC); cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; chuyển đổi số, xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Công tác cải cách hành chính đã đạt được những bước tiến quan trọng, những kết quả tích cực, khơi dậy và huy động mọi nguồn lực cho phát triển đất nước; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp.
Đặc biệt gần đây, công tác cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số, xây dựng các cơ sở dữ liệu, nhất là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đẩy mạnh.
Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý, vẫn còn nhiều "điểm nghẽn", nhiều vướng mắc, tồn tại, hạn chế gây cản trở cho đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân.
Đáng chú ý, một số bộ, ngành phản ứng chính sách còn chậm, một bộ phận cán bộ, công chức xử lý văn bản, công việc chậm, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, ảnh hưởng đến việc giải quyết hồ sơ, công việc của người dân và doanh nghiệp, việc huy động các nguồn lực phát triển.
"Phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt; giải quyết thủ tục cho người dân và doanh nghiệp kịp thời, không phiền hà, sách nhiễu, không ảnh hưởng tới huy động nguồn lực và nhất là khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng đề nghị các thành viên Ban chỉ đạo cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với công cuộc cải cách hành chính của đất nước, của bộ, ngành mình.
Từ đó, chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính nói chung, cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp nói riêng với cách làm mới, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả theo phương châm hành động của Chính phủ "Đoàn kết kỷ cương; bản lĩnh linh hoạt; chủ động sáng tạo; kịp thời hiệu quả".
Những con số nổi bật
Tại phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn báo cáo chuyên đề “cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp”.
Bộ trưởng cho biết, với nguyên tắc “Lấy con người là trung tâm, cải cách dẫn dắt, công nghệ hỗ trợ thúc đẩy”, công tác cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp đã đạt được một số kết quả nổi bật.
Cụ thể, đến nay, các bộ dự kiến ban hành và phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.029 quy định trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh. Các bộ ngành, đại phương đã cắt giảm, đơn giản hóa 2.189 quy định kinh doanh.
Thủ tướng đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.099 quy định; trong đó, các bộ đã thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa 395 quy định kinh doanh.
Một số Bộ, cơ quan thực hiện tốt việc rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh như: Giao thông vận tải, Lao động - Thương binh và Xã hội, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Thông tin và Truyền thông,...
Một điểm nổi bật nữa là đã có 25,9% kết quả giải quyết TTHC được cấp bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng, tăng 5 lần so với tháng 9/2022; 62,7% hồ sơ TTHC được số hóa, trong đó có 25% được số hóa toàn trình từ khâu tiếp nhận đến trả kết quả theo đúng quy định, tăng 4 lần so với tháng 9/2022.
62/63 địa phương và 10/21 bộ, ngành thực hiện hợp nhất Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử thành Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh và kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Các bộ, ngành, địa phương đã tích cực tái cấu trúc quy trình, cung cấp 4.390 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, nhiều dịch vụ công phát sinh hồ sơ lớn trong 3 tháng đầu năm 2023 như thông báo khuyến mại (360.000), đăng ký xe (725.000), giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp (45.000)…
Bên cạnh đó, Văn phòng Chính phủ cũng lưu ý, thủ tục hành chính vẫn còn nhiều rào cản, quy định chồng chéo, đặc biệt liên quan tới đất đai, quản lý tài chính, đầu tư công, y tế, giáo dục, kiểm tra chuyên ngành, xuất nhập khẩu.
Đáng chý ý là trách nhiệm trong thực thi công vụ của một số bộ phận cán bộ, công chức chưa cao, chưa có ý thức thay đổi thói quen sử dụng văn bản điện tử thay cho văn bản giấy.
Ngoài ra, các hệ thống thông tin phục vụ giải quyết thủ tục hành chính chưa có sự chuẩn hóa, thống nhất về dữ liệu để các hệ thống có thể hiểu và trao đổi được thông tin, dữ liệu…