Đầu tháng 7, Hiệp hội Chuyển đổi số Việt Nam - Nhật Bản (VADX Japan) chính thức thành lập tại Tokyo (Nhật Bản).
Ông Đỗ Văn Khắc, Tổng Giám đốc FPT Japan, Chủ tịch Hiệp hội Chuyển đổi số Việt Nam - Nhật Bản (VADX Japan) sẽ giúp độc giả VietNamNet hình dung rõ hơn về sứ mệnh cũng như những hoạt động cụ thể của hiệp hội này.
“Cầu nối chiến lược” cho doanh nghiệp
- Ý tưởng thành lập Hiệp hội VADX Japan xuất phát từ đâu, thưa ông?
Ông Đỗ Văn Khắc: Nhật Bản hiện là thị trường xuất khẩu phần mềm lớn nhất của nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin (IT) Việt Nam. Tuy nhiên, đây vẫn là thị trường có rất nhiều cơ hội để các doanh nghiệp IT Việt Nam phát triển lớn hơn nữa.
Theo các số liệu thống kê, nhu cầu ủy thác phát triển phần mềm của Nhật Bản ước tính hơn 30 tỷ USD/năm, trong khi các doanh nghiệp IT Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 6-7% thị phần (theo số liệu của IPA).
Để có thể cùng nhau nắm bắt cơ hội lớn này, chúng tôi - các doanh nghiệp IT Việt Nam tại Nhật Bản - đã nhen nhóm ý tưởng thành lập một hiệp hội về IT của người Việt Nam tại Nhật Bản.
Trong hai năm gần đây, cán bộ, lãnh đạo của các công ty phần mềm như FPT Japan, VTI, Rikkei, NTQ, CMC… cùng nhiều công ty khác thường xuyên giao lưu, học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau.
Được sự cổ vũ động viên của ông Phạm Quang Hiệu - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật - và ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hội đồng sáng lập Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) - ngày 7/7/2024, Hiệp hội Chuyển đổi số Việt Nam - Nhật Bản (VADX Japan) chính thức thành lập tại Nhật Bản. Đại sứ Phạm Quang Hiệu và ông Trương Gia Bình trở thành cố vấn đặc biệt của Hiệp hội.
- Vậy kế hoạch hoạt động của VADX Japan trong thời gian tới là gì, ông có thể chia sẻ?
VADX Japan kỳ vọng sẽ trở thành “cầu nối chiến lược”, thúc đẩy sự hợp tác và phát triển trong lĩnh vực công nghệ số, đồng thời tăng tốc và nâng cao hiệu quả của quá trình chuyển đổi số nhằm đóng góp vào sự phát triển bền vững của kinh tế - xã hội của hai đất nước Việt Nam và Nhật Bản.
Sắp tới, VADX Japan sẽ tổ chức các hoạt động thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ số tiên tiến cho các thành viên trong Hiệp hội. Bằng việc hợp lực, các thành viên trong VADX Japan nói riêng và các doanh nghiệp IT Việt Nam tại Nhật Bản nói chung sẽ có lợi thế trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, xúc tiến đầu tư, thiết lập hợp tác với các doanh nghiệp, chính quyền và tổ chức Nhật Bản.
Đối với việc phát triển nguồn nhân lực, VADX Japan đặt mục tiêu xây dựng đội ngũ hàng chục ngàn kỹ sư chất lượng cao tại Nhật và hàng trăm ngàn kỹ sư thành thạo tiếng Nhật tại Việt Nam.
Qua đó, VADX Japan sẽ góp phần bù đắp cho sự thiếu hụt nhân lực của Nhật Bản - ước tính khoảng 789.000 người vào năm 2030 (theo METI - Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản).
Đặc biệt, nhân sự trong các mảng công nghệ mới như Cloud (điện toán đám mây), Big Data (dữ liệu lớn), AI (trí tuệ nhân tạo), Blockchain (công nghệ chuỗi khối) và VR/XR (thực tế ảo/thực tế mở rộng) sẽ được ưu tiên chú trọng trong bối cảnh Nhật Bản đang tích cực phát triển các công nghệ tiên tiến để xây dựng mô hình “Xã hội 5.0”.
Mục tiêu tỷ USD
- Thị trường chuyển đổi số Nhật Bản đang có những thời cơ và thách thức lớn nào đối với doanh nghiệp Việt muốn tìm kiếm cơ hội kinh doanh?
Về thị trường, như trên tôi đã nói, thị trường ủy thác phát triển phần mềm của Nhật Bản ước tính hơn 30 tỷ USD/năm.
Nhật Bản cũng đang tích cực phát triển các công nghệ tiên tiến nhất để xây dựng mô hình “Xã hội 5.0”, trong đó, ngành IT có vai trò quan trọng, là nền tảng và được sử dụng, ứng dụng trong mọi lĩnh vực, từ sản xuất – chế tạo, giao thông – xây dựng, đến y tế, tài chính – ngân hàng… Do đó, họ đang có nhu cầu rất lớn về nguồn lực, cả về số lượng lẫn chất lượng, đẳng cấp. Đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp IT Việt Nam mà “nòng cốt” là các thành viên VADX Japan.
Mặt khác, cả thế giới đang nói về AI, bán dẫn, công nghệ ô tô, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Các thành viên VADX Japan đang có một vị trí vô cùng quan trọng tại thời điểm bước ngoặt này để cùng góp phần thay đổi năng lực cạnh tranh, tạo một vị thế đặc biệt trên thế giới cho Việt Nam và Nhật Bản.
Thuận lợi tiếp theo phải kể đến: Việt Nam đang là đối tác chiến lược toàn diện của Nhật Bản.
Tuy nhiên, cũng có những thách thức nhất định. Làm việc với đối tác Nhật Bản đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải có nhân sự nói tiếng Nhật, hiểu văn hóa làm việc của người Nhật.
Hầu hết nhân sự ngành IT Việt Nam đã ý thức được việc sử dụng tiếng Anh như một ngôn ngữ quốc tế. Tiếng Anh vẫn được sử dụng tại nhiều công ty Nhật Bản. Nhưng việc sử dụng tiếng Nhật sẽ giúp các nhân sự Việt Nam có lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ hơn.
Cụ thể, các nhân sự ngành IT người Việt Nam có trình độ N2 trở lên khi làm việc tại Nhật Bản luôn có cơ hội thăng tiến hơn so với những nhân sự không thành thạo tiếng Nhật. Sử dụng tiếng Nhật thành thạo giúp các nhân sự Việt dễ dàng và nhanh chóng hòa nhập với văn hóa tại quốc gia này.
Một thách thức khác đó là đảm bảo chất lượng và nâng cao đẳng cấp. Nhật Bản nổi tiếng là thị trường khó tính bậc nhất trên thế giới nên chất lượng là điều không thể thỏa hiệp. Các doanh nghiệp trong VADX Japan cần nâng cấp mình, giải được bài toán toàn trình (end-to-end services) cho khách hàng. Điều này đòi hỏi năng lực làm yêu cầu, phân tích nghiệp vụ, đảm nhiệm các công đoạn thiết kế trình độ cao…
Ngoài khả năng làm việc trên nhiều nền tảng công nghệ như Windows, Linux và sử dụng nhiều ngôn ngữ lập trình khác nhau, nhân sự IT Việt Nam khi tới Nhật Bản cũng cần trang bị kiến thức sâu về chuyên ngành. Một số chuyên ngành cụ thể có thể kể đến như ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, chăm sóc sức khỏe...
Cùng với đó, các doanh nghiệp Nhật Bản có yêu cầu về sự cam kết, tính kỷ luật, tính chính xác rất cao trong từng sản phẩm.
- Theo ông, các doanh nghiệp IT Việt đang có sự phát triển như thế nào tại Nhật?
Các doanh nghiệp IT Việt Nam tại Nhật Bản đang phát triển rất mạnh về cả chất và lượng. Chúng ta đã có hơn 10 doanh nghiệp có quy mô trên dưới 1.000 lao động, có thể kể đến: FPT Japan, Rikkeisoft, VTI, NTQ, CMC… Tổng số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ IT cho các doanh nghiệp Nhật Bản lên tới gần 500 doanh nghiệp.
Doanh nghiệp IT Việt Nam đang chiếm được ngày càng nhiều sự tin tưởng của các doanh nghiệp Nhật Bản. Giai đoạn đầu, các doanh nghiệp IT Việt Nam chỉ được khách hàng Nhật thuê làm những công đoạn đơn giản như coding (lập trình), testing (kiểm thử), nhưng tới nay, doanh nghiệp IT Việt Nam đã có thể tham gia vào nhiều công đoạn từ nghiên cứu, thiết kế tới triển khai các dự án chuyển đổi số, ứng dụng những công nghệ mới như Cloud, Big Data, AI, Blockchain, VR/XR…
- Nhiều năm gắn bó với thị trường Nhật, ông có thể chia sẻ một vài kỷ niệm đáng nhớ để qua đó gửi gắm kinh nghiệm tới các doanh nghiệp Việt muốn tiến sang “xứ sở hoa anh đào”?
Vài năm trước, khi nhận được thư mời nghiệm thu dự án của Zenrin - tập đoàn bản đồ lớn nhất Nhật Bản - tôi nghĩ lần này cũng sẽ giống như bao lần nghiệm thu dự án khác mà tôi và cộng sự đã làm trong suốt hơn hai thập niên qua.
Nhưng tôi đã nhầm. Vừa bước vào cửa, tôi và cộng sự đã thấy hơn 500 nhân sự của Zenrin đứng xếp vòng quanh từ sảnh cho tới hành lang vòng trên tận lầu 3 tòa nhà trụ sở của Zenrin. Họ cùng vỗ tay và mỉm cười chào đón chúng tôi. Đây là màn cảm ơn đầy bất ngờ ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi.
Thị trường nào cũng cần niềm tin, đặc biệt là Nhật Bản. Hãy nỗ lực mang lại giá trị cho khách hàng, tạo dựng niềm tin bằng sự nhiệt thành và kết quả trong công việc. Đồng thời, cần có tương tác, làm việc trực tiếp để họ hiểu được tiềm năng, năng lực của mình có thể đáp ứng được quy mô lớn hơn, việc khó hơn, và đi được con đường dài cùng họ. Tôi cho rằng đây là những điểm quan trọng cho sự phát triển quan hệ giữa hai bên.
- Thị trường Nhật đang được nhiều doanh nghiệp Việt lựa chọn làm “điểm tựa”, “bàn đạp” để tiến sang nhiều thị trường khác nữa. Ông đánh giá thế nào về xu hướng này?
Tôi đánh giá cao cách nghĩ này. Khách hàng Nhật khá khó tính, đòi hỏi chất lượng và chi tiết. Nếu làm tốt với Nhật thì khả năng cao được các thị trường khác coi là “điểm cộng” và nguồn tham khảo quan trọng để họ mở rộng hợp tác với mình.
FPT đã thành công như vậy. Và tôi tin các công ty khác trong VADX Japan cũng có thể thành công như FPT ở các thị trường khác.
- Gần đây, nhiều “ông lớn” châu Âu, Mỹ cũng nhắm tới thị trường Nhật, đồng nghĩa gia tăng áp lực cạnh tranh đối với doanh nghiệp Việt muốn hoạt động tại Nhật. VADX Japan sẽ làm gì để giúp doanh nghiệp Việt giảm bớt áp lực?
Nhật Bản đang tạo ra xu hướng đầu tư ngược. Theo xu hướng đầu tư truyền thống trước đây, các nước phát triển sẽ đầu tư sang những nước kém phát triển hơn để bán lại công nghệ, tận dụng chi phí nhân công giá rẻ...
Tuy nhiên, trước bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ diễn ra mạnh mẽ và với định hướng tiến tới “Xã hội 5.0”, Chính phủ Nhật Bản nói chung và các doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng đã có nhiều chính sách hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, xoay chuyển dòng vốn đến với Nhật Bản, đặc biệt trong lĩnh vực “mũi nhọn” như IT.
Khi doanh nghiệp Việt bước ra thị trường quốc tế, chúng ta phải chấp nhận cạnh tranh sòng phẳng. Mỗi doanh nghiệp đơn lẻ từ mỗi quốc gia đều có những lợi thế riêng nhưng khi cùng hợp lực lại, chắc chắn lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp sẽ được cải thiện.
VADX Japan được ra đời để làm điều đó. Chúng tôi không thể thay đổi những đối thủ cạnh tranh từ các nước khác. Nhưng chúng tôi - những doanh nghiệp IT Việt Nam có thể trở nên một khối sức mạnh khi hợp tác cùng nhau để cạnh tranh với những doanh nghiệp IT đến từ những nước khác.
- Ông kỳ vọng tới năm 2025 và 2030, dấu ấn của doanh nghiệp Việt trên “bức tranh” chuyển đổi số Nhật Bản sẽ có những “điểm sáng” nổi bật như thế nào?
Các doanh nghiệp thành viên của VADX Japan phấn đấu sẽ đạt mục tiêu tổng doanh thu của các doanh nghiệp IT Việt Nam tại Nhật đạt 150 tỷ yên (1 tỷ USD) vào năm 2025 và 1.000 tỷ yên (7 tỷ USD) năm 2033.
Xin cảm ơn ông!