Đó là một nội dung trong Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại Hội nghị toàn quốc về công tác Phòng chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) năm 2024 do Văn phòng Chính phủ vừa ban hành, ngày 22/5.

Trước đó, ngày 10/5, tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị, được kết nối trực tuyến tới điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 

Theo nhận định của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thiên tai sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, bất thường, những tháng cuối năm có thể xảy ra bão, lũ dồn dập do tác động của hiện tượng La Nina (đã diễn ra năm 2020).

Ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, hiện tượng ENSO - chỉ thay đổi nhiệt độ mặt nước biển tại khu vực xích đạo phía đông và trung tâm Thái Bình Dương - đang duy trì trạng thái trung tính đến tháng 6 với xác suất 80-85%. Từ tháng 7-9, dự báo ENSO chuyển sang La Nina với xác suất 60-65% và có khả năng duy trì trạng thái này trong cuối năm. 

W-mua-lon-da-nang-ho-giap-1.jpg
Các lực lượng hỗ trợ người dân trong đợt ngập lụt ở TP Đà Nẵng hồi tháng 10/2023

"Chúng tôi đánh giá việc chuyển đổi trạng thái từ El Nino sang La Nina sẽ khiến hạn hán, mưa lũ, giông lốc, mưa đá ở nước ta năm nay có thể tương tự năm 2020 với các đặc điểm như: Mùa mưa bão đến muộn, bão, áp thấp nhiệt đới xuất hiện dồn dập trong thời gian ngắn. Năm 2024, dự báo có 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, trong đó 5-7 cơn ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam. Từ nay đến nửa đầu tháng 6, ít có khả năng xuất hiện bão và áp thấp nhiệt đới mà tập trung vào nửa cuối mùa bão, từ tháng 9-11/2024” ông Cường nhận định. 

Ngoài ra, theo ông Cường, các lưu vực sông Trung Bộ, Tây Nguyên mùa lũ dự báo xuất hiện tương đương trung bình nhiều năm. Đỉnh lũ năm 2024 ở hạ lưu sông Mã (Thanh Hóa), sông Cả (Nghệ An, Hà Tĩnh) ở báo động 1-2; hạ lưu các sông chính từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa ở báo động 2-3, các sông ở Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận ở trên báo động 2 (cao nhất là báo động 3).

Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT cũng cho biết, những năm qua công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó với các tình huống thiên tai ngày càng chặt chẽ, quyết liệt, bám sát thực tiễn. Công tác phòng ngừa thiên tai được triển khai đồng bộ cả chiều sâu và diện rộng. 

Cụ thể, hoàn thành xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy hoạch PCTT và thủy lợi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, điều chỉnh Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, Chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo; đẩy mạnh công tác dự báo, cảnh báo thiên tai; tăng cường thông tin, truyền thông và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong PCTT… Tuy nhiên, diễn biến thiên tai và biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, khó lường. 

Chủ động rà soát lại kịch bản ứng phó thiên tai, sự cố

Trước dự báo trên, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát kế hoạch, phương án và chủ động bố trí nguồn lực để triển khai có hiệu quả công tác PCTT, sự cố và TKCN, trong đó quan điểm chỉ đạo chung là phải chủ động phòng ngừa, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” (Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ-PV), lấy sự an toàn của người dân là điều kiện tiên quyết trong các hoạt động của PCTT.

Phó Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN, các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm. 

pho thu tuong.jpg
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chủ trì Hội nghị ngày 10/4

Cụ thể, khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng thủ dân sự (PTDS), trong đó đối với quy định về tổ chức phối hợp liên ngành về PTDS chỉ quy định các nội dung đã rõ, được luật giao, thuộc thẩm quyền của Chính phủ, phù hợp với Luật PTDS, Luật PCTT và các quy định pháp luật khác có liên quan, không đưa vào dự thảo Nghị định những nội dung thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại Quyết định số 23/2023/QĐ-TTg ngày 18/9/2023 về thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành.

Kiện toàn tổ chức, hoạt động của Ban chỉ đạo PTDS quốc gia, Ban chỉ huy PTDS các cấp và cơ quan tham mưu, hỗ trợ ra quyết định cho Ban chỉ đạo, Ban chỉ huy PTDS theo quy định của Luật PTDS, Luật PCTT và các quy định pháp luật khác có liên quan để hoạt động từ ngày 1/7/2024. Trong đó, lưu ý phải đảm bảo nguyên tắc tổ chức mới hoạt động hiệu lực, hiệu quả, kịp thời hơn, tránh chồng chéo, lúng túng trong thực hiện. Đồng thời, kế thừa, phát huy những điểm mạnh của tổ chức hiện có, không để gián đoạn trong tham mưu chỉ đạo, điều hành ứng phó sự cố, thiên tai, dịch bệnh, nhất là những tháng tới là thời kỳ cao điểm về bão, mưa lũ.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, tạo hành lang pháp lý liên quan đến công tác PCTT, sự cố và TKCN để công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố, cứu hộ, cứu nạn được kịp thời, hiệu lực, hiệu quả.

Đồng thời, nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo và theo dõi, giám sát thiên tai, dự báo sớm, kịp thời, chính xác nhất diễn biến thiên tai, nhất là mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất.

Đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người làm công tác PCTT, TKCN và của cả cộng đồng; đa dạng các hình thức thông tin, tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, điều kiện cụ thể của địa phương.

Chủ động rà soát lại kịch bản ứng phó thiên tai, sự cố, TKCN; tổ chức giám sát, kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị PCTT, cứu hộ, cứu nạn trước mùa mưa lũ và trước khi xảy ra bão, lũ; xác định trọng điểm xung yếu, kịp thời khắc phục tồn tại, hạn chế, giảm thiểu nguy cơ rủi ro trước mùa mưa lũ; chủ động phòng ngừa từ sớm, từ xa và kiểm soát rủi ro thiên tai với phương châm “phòng là chính”.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng lưu ý, nâng cao năng lực chỉ đạo, chỉ huy điều hành, ứng phó thiên tai, sự cố của từng bộ, ngành, địa phương; chỉ đạo vận hành an toàn, hiệu quả hồ chứa, liên hồ chứa đảm bảo an toàn công trình và hạ du; tổ chức huấn luyện, tập huấn, diễn tập, ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN, theo các tình huống, phương án, kế hoạch đã xây dựng.

Ngoài ra, tăng cường hợp tác quốc tế trong PCTT nhằm trao đổi kinh nghiệm, tranh thủ sự hỗ trợ về thông tin, kỹ thuật, tài chính nhằm nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, ứng phó, khắc phục thiên tai, sự cố và TKCN.