Dưới áp lực trừng phạt của Mỹ, các nhà phát triển chip hàng đầu của Trung Quốc đang gặp phải các vấn đề nghiêm trọng về hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Thành quả nghiên cứu không trở thành sản phẩm có tính cạnh tranh
Vừa qua, Xu Lingjie - CEO kiêm đồng sáng lập của công ty phát triển chip Biren - nhà phát triển card đồ họa (GPU - Graphic Processing Unit) lớn nhất Trung Quốc cho máy tính và máy học hiệu năng cao, đã tuyên bố từ chức.
Biren là công ty đã đưa ra thị trường một dòng GPU có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm tiên tiến nhất của Nvidia.
Xu Lingjie là người có kinh nghiệm làm việc trong rất nhiều các công ty công nghệ lớn trên thế giới, từng trải qua nhiều cương vị tại Nvidia, AMD và bộ phận nghiên cứu Bắc Mỹ của Samsung. Chuyên môn và kinh nghiệm của Xu Lingjie cực kỳ hữu ích trong quá trình phát triển thế hệ chip GPU đầu tiên của Biren.
Năm 2022, Mỹ đã đưa Biren vào ‘danh sách đen’, bắt buộc họ phải có giấy phép đặc biệt khi sử dụng công nghệ của Mỹ. Vì điều này, nhà sản xuất mạch tích hợp theo hợp đồng lớn nhất thế giới TSMC đã buộc phải từ bỏ hợp tác với Biren.
Vì không có cơ sở sản xuất riêng, Biren không có lựa chọn nào khác ngoài việc hợp tác với các công ty nội địa, chẳng hạn như SMIC, để sản xuất chip theo thiết kế của riêng mình. Dù đã đạt được một số thành công nhưng SMIC vẫn chưa có được các quy trình công nghệ tiên tiến tương tự như TSMC.
Việc sử dụng những công nghệ sản xuất lạc hậu hơn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đặc tính của sản phẩm, khiến chúng kém cạnh tranh hơn, đặc biệt là trên thị trường toàn cầu.
Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh chính của Biren trên thị trường GPU AI - AMD , Intel và Nvidia - lại có quyền tiếp cận không hạn chế các công nghệ mới nhất và kiếm được hàng tỷ USD của chính các khách hàng Trung Quốc.
Kết quả kinh doanh ngày càng bi đát
Sau khi Mỹ một lần nữa thắt chặt các hạn chế xuất khẩu công nghệ Mỹ sang Trung Quốc, các công ty Trung Quốc mất cơ hội mua ngay cả những phiên bản “cắt giảm” các dòng GPU phổ biến của Nvidia – H800 và A800. Điều đó khiến Biren có lý do để kỳ vọng thành công, do nhu cầu về GPU tại thị trường nội địa ngày càng tăng.
Biren là một trong những nhà phát triển GPU có khả năng cạnh tranh nhất của Trung Quốc trên thị trường quốc tế. Các mẫu GPU hiện tại của Biren là HPC BR100 và BR104 có thể cạnh tranh trực tiếp với các dòng sản phẩm A100 và H100 của Nvidia trong một số tác vụ nhất định.
Tháng 12/2023, Biren đã huy động được 2 tỷ nhân dân tệ (280 triệu USD) từ một nhà đầu tư giấu tên để tiếp tục triển khai các kế hoạch kinh doanh tiếp theo. Công ty cũng có kế hoạch huy động thêm vốn thông qua đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trên Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông.
Tuy nhiên, việc Xu Lingjie từ chức mới đây là dấu hiệu cho thấy hy vọng của ban lãnh đạo công ty hoặc các nhà đầu tư đã không thành hiện thực và ngay cả “cha đẻ” của Biren cũng không còn tin vào thành công.
Trong khi đó, Nvidia đang mở rộng hoạt động sang thị trường Ấn Độ. Khách hàng của Nvidia bao gồm Tata Group, Reliance Industries và gã khổng lồ đám mây Yotta.
Một nhà phát triển chip nổi tiếng khác của Trung Quốc, Cambricon, cũng đang đối mặt với kết quả kinh doanh bi đát. Công ty đã thua lỗ suốt 7 năm qua và vốn hóa thị trường đã giảm gần 50% kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán Thượng Hải vào năm 2020.
Giống như Biren, các biện pháp trừng phạt của Mỹ cũng mang tính hủy diệt đối với Cambricon. Vào tháng 8/2023, Singgo, một công ty con của Cambricon, phát đi tín hiệu xấu liên quan đến quá trình phát triển dòng chip SD5223 được thiết kế cho xe tự lái cấp 4.
Những khó khăn nghiêm trọng của Cambricon bắt đầu sau khi một trong những đối tác quan trọng nhất, gã khổng lồ công nghệ Huawei, từ chối các dịch vụ của công ty do chuyển sang phát triển chip nội bộ.
Việc sa thải hàng loạt nhân viên mà Cambricon thực hiện vào năm 2023, liên quan trực tiếp đến các vấn đề tài chính, không phải là một tín hiệu tích cực đối với các nhà đầu tư của công ty.
Trường hợp Biren và Cambricon là minh chứng cho những thách thức mà các công ty trong ngành chip của Trung Quốc đang phải đối mặt. Thành công ban đầu và việc sở hữu những kết quả nghiên cứu đột phá không đảm bảo cho thành công lâu dài.
Trong môi trường cạnh tranh khốc liệt, với khả năng tiếp cận công nghệ hạn chế, việc duy trì tăng trưởng kinh doanh là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn.
Biren và Cambricon chắc chắn không phải là những đại diện duy nhất của ngành chip ở Trung Quốc. Mặc dù Huawei đã đạt được một số thành công trong việc phát triển chip nhờ các khoản tài chính hào phóng của nhà nước, nhưng nhiều công ty tham gia phát triển và sản xuất chip khác đang rơi vào tình trạng khó khăn.
Theo số liệu thống kê chính thức, trong năm 2023, gần 11.000 công ty tham gia phát triển hoặc sản xuất mạch tích hợp ở Trung Quốc đã đóng cửa.
(theo CNews)