Sông Lô trong xanh, hiền hòa trong ký ức tuổi thơ tôi giờ nơi đâu? Tôi xót xa cho một dòng sông lịch sử và thơ mộng đang bị tàn sát.
Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.
Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.
Xin trân trọng giới thiệu bài viết Thức với dòng Lô của tác giả Phùng Phương Quý.
Nhà tôi cách sông Lô khoảng 1 km đường chim bay. Tuổi thơ tôi chỉ biết dòng sông qua lời hát của bố, một chiến sĩ Điện Biên Phủ trở về làng, hay nhớ tới những kỷ niệm thời trai trẻ trận mạc.
“Sông Lô… sóng ngàn Việt Bắc. Bãi dài ngô lau. Núi rừng âm u
Thu ru bến sóng vàng, từng nhà mờ biếc, chìm một màu khói thu”
(Văn Cao)
Mãi tới năm 16 tuổi, tôi mới gặp được dòng sông trong xanh, oai hùng này khi về chơi nhà bạn học cùng lớp quê ở xã Hùng Lô. Nước dòng Lô thường ngày trong xanh, chảy êm đềm về ngã ba sông Hạc Trì. Nhưng vào mùa lũ, nước dâng cao mấp mé bờ, cuồn cuộn chảy, mang theo những cây gỗ lớn, nhỏ từ trên núi trôi về. Thằng bạn về tới nhà là vớ ngay mái chèo, lên chiếc thuyền nhỏ bơi ra giữa sông vớt gỗ. Tôi không dám theo vì sợ chết đuối.
Nhìn sang bờ sông phía huyện Lập Thạch, nơi mờ xanh bóng tre làng kia là bến Đông Hồ thuộc xã Sơn Đông, nơi Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn, đã trầm mình tự vẫn để phản đối lệnh truy bức của nhà Lê. Ngài tả tướng ấy vốn là một “công thần lập quốc” của nhà Lê, đã một thời sát cánh bên Lê Lợi đánh giặc ngoại xâm. Sau vì bất mãn mà xin về ẩn cư bên dòng sông Lô. Lịch sử vẫn nhắc lại, nếu ngài không xây phủ lớn, đóng thuyền to ở quê nhà, thì vua Lê đã không nghi ngờ mà cho lính về bắt đi.
Bên ấy có xã Hải Lựu, với lễ hội chọi trâu nổi tiếng, mà tương truyền thời nhà Hán xâm lược nước ta, có tướng quân nước Nam Việt là Lữ Gia thu quân về vùng rừng núi Hải Lựu đóng trại, tổ chức các đợt đánh giặc. Sau mỗi trận thắng, tướng quân lại tổ chức chọi trâu để truyền cho quân sĩ tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường. Những ông Trâu sau khi chọi đều được mổ thịt để khao quân. Sau khi Lữ Gia mất, dân làng Hải Lựu thờ làm thành hoàng và lễ hội chọi trâu cũng bắt đầu từ đó.
Dòng sông trong xanh, hiền hòa từ bao đời gắn liền với lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Trận đánh tàu chiến Pháp nổi tiếng Thu - Đông năm 1947 thường được bố tôi và mấy bác cùng đơn vị kể lại, mỗi khi họ ngồi với nhau trong bữa tiệc rượu nhà quê, hay bên bàn trà ấm nồng khói thuốc lào. Các cụ nhớ chuyện các chiến sĩ pháo binh ta dũng cảm, sáng tạo, áp dụng chiến thuật “đánh gần, ngắm thẳng”, đợi tàu chiến giặc đến gần, rồi ngắm bắn trực tiếp qua nòng pháo. Dân quân Đoan Hùng còn hái hết bưởi trong vườn, sơn đen thả xuống sông giả làm địa lôi đánh lừa giặc. Trận ấy tiêu diệt nhiều lính Pháp, bắn chìm mấy chiếc tàu chiến.
Hồi thanh niên, mỗi năm tôi được gặp sông Lô vài lần, trong những dịp đi dân công đắp đê phòng lũ. Ngày ấy thật vui, khi đội dân công đa số là thanh niên nam nữ, kéo xe cải tiến, mang gạo muối đi đắp đê, trọ ở nhà dân trong xóm. Người quang gánh, nhóm xúm vào đẩy xe, chuyện trò râm ran, nói cười rộn rã. Những chuyến đò từ bến An Đạo sang bến Phan Lương lúc nào cũng đầy người và hàng hóa. Tôi cũng vài lần ngồi đò sang Phan Lương, cảm nhận sự dập dềnh của sóng, róc rách của dòng nước trong xanh vỗ vào mạn thuyền. Cô bạn vong niên của tôi hồi đó mới 18 tuổi, đạp xe từ Đạo Trù ra bến đò đón khách sang chơi. Chúng tôi đứng bên nhau cạnh bãi ngô ven bờ sông, lá ngô xanh mơn mởn, hoa ngô trổ cờ phất phơ trước gió. Sau này, bạn về Hà Nội học đại học, rồi đi dạy, ở lại thủ đô. Muốn đi thăm nhau, phải đi xe khách, ngồi taxi, chứ không còn qua bên An Đạo. Mấy năm trước, một anh bạn rủ tôi sang sông xem lễ hội chọi trâu ở xã Hải Lựu. Thú thực, tôi nhớ sông Lô mà qua đò, chứ không thích xem chọi trâu. Tôi không chịu nổi cảnh bạo lực, máu me, không bằng lòng cách người ta hành xử với những “ông cầu”, khi mà thắng thua gì cũng bị đập đầu làm thịt, bán cho người xem lấy khước, với giá trên trời.
Một buổi sáng, tôi đi qua đoạn đường gần bến phà Then, sà vào một quán trà bên bờ sông. Gọi là quán cho sang, chứ bà chủ chỉ chôn cột, che một tấm phên lá cọ che nắng, bên dưới đặt chiếc bàn thấp, bày biện bánh kẹo, hoa quả và ấm trà mạn. Một nghìn đồng một cốc trà nhỏ, hai nghìn đồng một thanh kẹo lạc, thuốc lào hút miễn phí. Chiếc phà ngày trước cần mẫn qua sông, mỗi lần cập bến thì tiếng kêu loảng xoảng, khói phun mù mịt, nay đã trở thành dĩ vãng. Mấy năm nay, đã có chiếc cầu Vĩnh Phú vượt sông Lô, nối hai huyện Phù Ninh tỉnh Phú Thọ với huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Phúc.
Phía dưới bến phà Then cũ, dòng sông chuyển từ trong xanh sang đục ngầu. Nước sông ven bờ nổi bọt sùng sục như nồi nước sôi. Một doanh nghiệp nào đó đang khai thác cát. Từ khi có vấn nạn khai thác cát, dòng sông Lô oằn mình chịu trận, để những quãng bờ bị xói mòn, sạt lở. Những bãi ngô, khoai lang bị cuốn xuống dòng sông. Suốt chiều dài 264 km từ biên giới Hà Giang, qua tỉnh Tuyên Quang; Phú Thọ; Vĩnh Phúc để nhập vào ngã ba Hạc Trì, không biết có đoạn nào sông Lô được yên bình?
Chỉ riêng đoạn chảy từ Tuyên Quang qua Phú Thọ, đã có biết bao lời kêu cứu vì sông Lô bị khai thác cát, sỏi triệt để. Lòng sông đang sâu thêm, ven bờ bị xói lở nghiêm trọng. Dù đã có nhiều công văn, chỉ thị yêu cầu xem xét lại việc cấp giấy phép khai thác cát trên sông Lô, nhất là đoạn chảy qua huyện Phù Ninh. Nhưng cho đến nay, vẫn như “nước đổ lá khoai”, suốt từ địa phận xã Trị Quận huyện Phù Ninh, Phú Thọ đến địa phận xã Bạch Lưu, huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc, đêm đêm vẫn ì ầm tiếng máy khai thác trộm cát sỏi. Khi người dân và chính quyền chưa một lòng, thì khó lắm. Còn đủ loại cát tặc, bảo kê, quan chức vô trách nhiệm tồn tại thì sông Lô còn chảy máu.
Ngay phía dưới bến đò là cảng An Đạo, một bến chuyên nhập nguyên liệu cho nhà mấy giấy Bãi Bằng. Hàng trăm cánh bè, hàng triệu cây tre nứa, gỗ mỡ, bồ đề nằm sắp lớp chờ chuyển lên bờ. Cả khúc sông ấy, rác thải rải từ trên bờ xuống mặt nước. Dòng sông thêm một lần mắc nghẹn vì ô nhiễm.
Vẫn biết phát triển kinh tế theo cơ chế thị trường là điều tất yếu của xã hội, nhưng tôi xót xa cho một dòng sông lịch sử và thơ mộng đang bị tàn sát. Chợt thèm được nhìn dòng Lô của thơ ca thủa nào:
“Nắng chói sông Lô hò ô tiếng hát
Bến phà dào dạt, sóng nước Bình Ca”
(Thơ Tố Hữu)
Phùng Phương Quý
Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng
Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do Báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.
Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.
Cơ cấu giải thưởng: 01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng.
Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TP. HCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TP.HCM nhận giải.