Nhiều học sinh nhập viện vì thuốc lá điện tử
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh hồi tháng 5 tiếp nhận 2 học sinh cấp 3 bị ngộ độc do hút thuốc lá điện tử. Bệnh nhân là V.B.N và N.T.Q (17 tuổi, trú tại TP. Hạ Long) nhập viện với biểu hiện kích thích, thở nhanh, vã mồ hôi, chóng mặt, buồn nôn.
Trước khi vào viện khoảng 1 giờ, hai em hút thuốc lá điện tử, sau đó thấy nôn nao, bủn rủn tay chân, hoa mắt chóng mặt và buồn nôn. Bác sĩ cho biết các học sinh này có tiền sử khỏe mạnh, sử dụng thuốc lá điện tử không thường xuyên.
Tại bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán cả hai bị ngộ độc thuốc lá điện tử, kíp trực nhanh chóng cấp cứu ban đầu và chuyển khoa Hồi sức tích cực theo dõi điều trị.
Cũng tại Quảng Ninh, hồi tháng 4, Bệnh viện Bãi Cháy tiếp nhận 4 học sinh 15 tuổi vào viện trong trạng thái choáng váng, khó thở, buồn nôn, nôn, bủn rủn chân tay sau khi hút loại thuốc lá thế hệ mới, chẩn đoán ngộ độc nicotine. Một trong 4 bệnh nhân cho hay "chỉ hút thử, không ngờ lại bị nhập viện".
Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Tiến Thắng, Phó khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, cho biết ngộ độc thuốc lá điện tử thường xảy ra ở lứa tuổi học sinh cấp hai, cấp ba, vị thành niên, bởi đây là độ tuổi bộ não còn đang phát triển, rất dễ bị tác động bởi các loại chất kích thích.
Hơn nữa, trẻ ở độ tuổi này còn có nhu cầu thể hiện bản thân, thử cảm giác mới lạ. Biểu hiện chung thường gặp khi ngộ độc thuốc lá điện tử là cảm thấy choáng váng, khó thở, bủn rủn chân tay, vã mồ hôi, buồn nôn, nôn, nặng hơn là rối loạn nhịp tim, hôn mê, mất ý thức.
Tăng cường các biện pháp xử lý
Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước có số người hút thuốc lá cao trên thế giới. Những năm gần đây xuất hiện các sản phẩm được gọi là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisa. Các sản phẩm này hiện nay chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành tại thị trường trong nước, tuy nhiên việc mua bán, quảng cáo đang diễn ra phổ biến.
Các sản phẩm này được thiết kế đa đạng với nhiều kiểu dáng và nhiều hương vị rất hấp dẫn với giới trẻ, điều này dẫn đến việc sử dụng thuốc lá điện tử đang có xu hướng gia tăng nhanh tại nước ta, đặc biệt trong lứa tuổi học sinh.
Công an huyện Đầm Hà (Quảng Ninh) cho biết việc mua bán, quảng cáo, giới thiệu các loại sản phẩm thuốc lá thế hệ mới như thuốc lá điện tử, shisa chủ yếu diễn ra trên các trang web, trang thương mại điện tử, cửa hàng bán lẻ. Đối tượng sử dụng nhiều nhất vẫn là thanh niên trong độ tuổi từ 16 đến 30.
Trước những hệ lụy mà thuốc lá điện tử để lại đối với người sử dụng, nhất là giới trẻ, và trước tình hình tội phạm ma túy "núp bóng" thực phẩm, đồ uống, thảo mộc, thuốc lá điện tử, các cơ quan chức năng tại Quảng Ninh đã tăng cường các biện pháp tuyên truyền, phát hiện, đấu tranh...
Hôm 14/8, thông tin từ Công an huyện Đầm Hà cho biết đơn vị đang củng cố hồ sơ xử lý vi phạm hành chính đối với N.T.A (20 tuổi, thường trú tại xã Tân Bình, huyện Đầm Hà) có hành vi bán thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc cho người khác.
Đơn vị đã kiểm tra, thu giữ tang vật gồm 5 điếu thuốc lá điện tử và 850.000 đồng. Mở rộng điều tra, Công an huyện Đầm Hà thu giữ 40 điếu thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc tại nhà ở của T.A, nhằm mục đích bán cho người khác.
Trước đó, ngày 10/5, tại phố Hoàng Văn Thụ, thị trấn Đầm Hà, Công an huyện này liên tiếp phát hiện 2 vụ, 2 đối tượng có hành vi buôn bán thuốc lá điện tử.
Cuối năm 2022, Công an TP.Hạ Long (Quảng Ninh) cho biết đã phát hiện, kiểm tra và thu giữ gần 1.000 bộ thuốc lá điện tử các loại. Còn tính từ ngày 20/4 đến 15/5, các đội nghiệp vụ, Công an phường, xã ở Hạ Long đã phát hiện, xử lý 13 vụ việc vi phạm liên quan đến khí cười, thuốc lá điện tử, shisha, thu giữ nhiều tang vật, trong đó có 1.336 điếu thuốc lá điện tử, 334 lọ tinh dầu, 83 phụ kiện chứa tinh dầu, 101 phụ kiện dùng cho thuốc lá điện tử, 4 dụng cụ Vape, cùng nhiều dụng cụ khác có liên quan.