Chẳng có cơn thèm nào lạ bằng thèm… sách! Những cuốn sách cũ sờn bìa, long gáy cứ gieo vương vấn nơi tâm hồn mấy đứa trẻ suốt ngày dài thơ bé đến tận lúc lớn khôn. Để rồi thỉnh thoảng cơn thèm sách lại sóng sánh cuộn về, choáng ngợp và rưng rức nhớ…
Bọn trẻ thế hệ 8x chúng tôi hồi ấy tập tành làm bạn với con chữ giữa bối cảnh nhà nhà khốn khó chạy vạy miếng cơm manh áo cho con trẻ no dạ ấm thân. Giấc mơ đến trường đeo mang khát vọng thoát cảnh nghèo tự nhiên nhen nhóm lên ngọn lửa âm ỉ mà bừng bừng động lực học tập và phấn đấu.
Những cuốn sách giáo khoa cũ kỹ chuyền tay nhau học quý lắm thay! Dòng chữ đậm màu trên trang giấy ố vàng được chúng tôi nâng niu gìn giữ, bởi đàn em nhỏ còn đang ngóng đợi sách của anh chị, bởi đôi vai cha và bàn tay mẹ sẽ đỡ nhọc nhằn hơn khi gói ghém lại bớt dăm ba khoản chi tiêu.
Đôi khi sách đến được tay đứa em út trong nhà đã chẳng còn nguyên vẹn dáng hình, thế là nhóc tỳ thút thít khóc nhưng vẫn lắc đầu nguầy nguậy lúc mẹ cha bảo mua sách mới. Vì thương những giọt mồ hôi ướt lưng áo ai kia…
Sách truyện hồi ấy khan hiếm lắm lắm. Trong xóm có nhà nào kha khá chưng được tủ sách là bọn trẻ chúng tôi cứ tìm cớ mon men đến, lân la mượn và hì hụi đọc từ trang này sang trang kia đến tối mịt. Thế giới kỳ diệu trong trang sách mở ra muôn ngàn bức tranh tươi đẹp tưới tắm tâm hồn trẻ thơ thêm thắm xanh mướt mát. Để rồi khi giá sách vơi dần, lòng lại tiếc ngẩn tiếc ngơ như bất chợt đánh rơi một mảnh ghép trong bức tranh cuộc sống muôn màu ở đâu đó.
Rồi tâm hồn lại hoang hoải rơi tõm vào cơn thèm… sách. Vớ được mẩu giấy báo chữ in bọc ngoài ổ bánh mì, ngấu nghiến đọc. Lục được quyển sách cũ mèm nào đó trong đống đồ cũ của ông bà, mê mẩn đọc. Rồi nhỏ nào trong lớp được tặng sách mới đem đến lớp để khoe là y như rằng cả đám bạn vờn quanh để mượn và đặt “lịch mượn”: hôm nay nhỏ này mượn, ngày mai nhớ để phần tớ...
Cơn thèm sách cứ sóng sánh suốt thời ấu thơ đến tận những năm cấp ba học trường làng. Tôi nhớ mình đã được tặng cuốn từ điển song ngữ dày cộm đến mấy trăm trang nhưng long gáy đến tả tơi. Vậy mà quý lắm, xếp từng trang, cầm chỉ khâu và cặm cụi vá lại nguyên cuốn sách để tra cứu từ vựng tiếng Anh.
Rồi năm đầu tiên của đời sinh viên, nhóm bạn thân giao kèo mừng sinh nhật bằng sách, tôi được tặng cuốn Những đêm trắng của nhà văn Fyodor Dostoyevsky mà mừng vui hớn hở như bắt được vàng. Món quà của tình bạn đưa tôi đến với xứ sở Bạch dương, với hiện tượng thiên nhiên kỳ thú - “bạch dạ”, rồi chiêm ngưỡng một tình yêu lung linh, bao dung, trong sáng vô ngần mà lại ngắn ngủi và tiếc nuối đến lạ lùng…
Những năm tháng sinh viên nối dài giúp chúng tôi được thỏa thuê trong cơn khát sách. Thư viện trường luôn rộng cửa đón bước chân của mấy đứa “mọt sách”. Chúng tôi cứ “ở ẩn” và “tạm trú” suốt trong thư viện nên quen thân lắm với các cô thủ thư. Sinh viên khác chỉ được ký thẻ mượn 2 quyển, còn tôi và hai nhỏ bạn luôn được cô nháy mắt ưu tiên cho mượn đến 3, 4 quyển mỗi lượt.
Ra trường, chúng tôi hẹn với nhau mỗi tháng lương sẽ trích khoản tiền nho nhỏ mua 1 quyển sách hay và bổ ích để tích trữ và làm đầy vun dần cái giá sách chỉ toàn sách giáo khoa lâu nay của mình. Nhưng cuộc sống đẩy đưa khiến mục tiêu cỏn con ấy đến giờ vẫn chẳng thể thành hiện thực.
Mỗi khi gặp nhau, nhắc về ước mơ xây dựng tủ sách là chúng tôi lại trêu nhau vì không nhỏ nào trong nhóm theo đến cùng mơ ước. Rồi bần thần nhớ về những ngày xưa cũ, lúc cơn thèm sách cứ chếnh choáng tâm hồn, thấy thương đám trẻ nghèo mê sách đến ú ớ trong cả giấc mơ…
May mắn là những mầm xanh của chúng tôi lớn lên trong vòng tay chăm sóc của mấy bà mẹ mê sách nên cũng mê mẩn mấy trang giấy chi chít chữ và lung linh hình ảnh từ tấm bé. Giấc mơ lớn của đời mẹ đứt gãy từ hồi nảo hồi nao, giờ nhắn nhủ nhau vun đắp giấc mơ bé cho đàn con: Mỗi tháng tặng con trẻ một cuốn sách. Và cuộc đời này dành tặng con cả bầu trời sách vun bồi tri thức, chăm bón tâm hồn…