Nền kinh tế Lâm Đồng đi qua năm 2022 với những khó khăn nghiêm trọng và những khó khăn này được dự báo vẫn có thể kéo dài đến hết năm 2023. Mặc dù vậy, theo khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cũng như của các chuyên gia, các nhà quản lý trong lĩnh vực thương mại cho thấy lĩnh vực thương mại điện tử của Lâm Đồng tiếp tục được phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng cao.
Tốc độ tăng trưởng này có thể được duy trì trong giai đoạn ba năm, từ 2023 đến 2025. Thành tựu trên mang lại sự khích lệ to lớn đối với cộng đồng kinh doanh trực tuyến của địa phương này.
Tính đến thời điểm hiện tại, theo xếp hạng của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, Lâm Đồng xếp hạng 13/58 tỉnh về chỉ số phát triển thương mại điện tử, tăng 7 bậc so với năm 2022. Trong các chỉ số thành phần, thì chỉ số về nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin tuy có tăng điểm so với năm 2022 nhưng thứ hạng không thay đổi.
Chỉ số về giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng giảm điểm đáng kể, chỉ còn 10,3 điểm và tụt 25 bậc so với năm 2022 ( năm 2022 - 19/56 và năm 2023 - 44/58).
Chỉ số về giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp tăng 10,94 điểm, tăng 11 bậc và đứng thứ 12/58 tỉnh, thành phố được xếp hạng. Với chỉ số này, Lâm Đồng vẫn thuộc nhóm phát triển thương mại điện tử ở mức trung bình của cả nước và đứng đầu trong 5 tỉnh Tây Nguyên.
Dù chưa có sự phát triển vượt bậc như kỳ vọng, tuy nhiên, việc hàng hóa của Lâm Đồng, đặc biệt là các sản phẩm nông sản đặc hữu được đưa lên sàn thương mại điện tử đã giúp cho người tiêu dùng trong cả nước có nhiều cơ hội tiếp cận với nông sản của Lâm Đồng, nhất là ở các thị trường xa về khoảng cách địa lý vốn không phải là khách hàng truyền thống.
Cũng giống như nhiều địa phương khác trong cả nước, hoạt động kinh doanh sôi động trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội là nét nổi bật của thương mại điện tử Lâm Đồng trong năm 2022 và hai quý đầu năm 2023.
Theo số liệu của Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số Lâm Đồng, chỉ tính riêng trong năm 2022, đã có 74.000 hộ với hơn 800 sản phẩm được các cơ quan hữu quan hỗ trợ đưa lên các sàn thương mại điện tử. Số lao động tại các doanh nghiệp thường xuyên sử dụng các công cụ như zalo, whatsapp, viber, facebook messenger liên tục tăng qua từng năm.
Nông sản của Lâm Đồng chủ yếu được phân phối qua hai ông lớn của sàn thương mại điện tử là shoppe và lazada. Tiktok shop dù mới hoạt động từ giữa năm 2022 nhưng cũng đã vươn lên vị trí thứ ba trong các kênh phân phối của các doanh nghiệp, hộ sản xuất tại Lâm Đồng.
Bên cạnh các nền tảng thương mại điện tử bán lẻ đã xuất hiện những nền tảng công nghệ dữ liệu B2B kết nối các nhà bán lẻ truyền thống quy mô nhỏ với các nhà sản xuất hoặc bán buôn trên nền tảng tập trung, bằng cách tổng hợp nhu cầu, do đó có thể cung cấp cho các nhà bán lẻ nhiều lựa chọn hơn, giá tốt hơn và hậu cần hiệu quả hơn thông qua tính kinh tế theo quy mô.
Theo thống kê của ngành Nông nghiệp Lâm Đồng, toàn tỉnh hiện có 214 sản phẩm OCOP của 123 chủ thể. Trong đó, có 9 sản phẩm 5 sao (2 sản phẩm đã được công nhận, 7 sản phẩm đã trình Trung ương xét duyệt); 94 sản phẩm 4 sao; 111 sản phẩm 3 sao. Phần lớn các sản phẩm được công nhận đều là những mặt hàng nông sản qua chế biến và đã có thương hiệu, chỗ đứng thị trường nhất định.
Từ tháng 12/2022 đến nay, trang thương mại điện tử www.nongsandalatlamdong.vn đã được vận hành, nhằm quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ các sản phẩm OCOP đã được chứng nhận trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; đưa các nông sản an toàn, sản xuất theo chuỗi liên kết lên sàn thương mại điện tử để giới thiệu, quảng bá, kết nối, xúc tiến tiêu thụ cho nông dân và các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở chế biến nông sản tại địa phương, từng bước thiết lập, kết nối xã hội hóa mạng lưới dịch vụ vận chuyển, giao nhận và hoàn tất các đơn hàng cho chợ thương mại điện tử.
Hiện nay, trang thương mại điện tử đã cập nhật toàn bộ thông tin 214 sản phẩm của 123 chủ thể OCOP và 1.149 mặt hàng nông sản của 350 doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời, trang www.nongsandalatlamdong.vn cũng cung cấp các thông tin chỉ dẫn địa lý, mã số vùng trồng, thương hiệu, nhãn hiệu, tiêu chuẩn chất lượng, truy suất nguồn gốc...
Bước đầu kết nối, quảng bá, giới thiệu nông sản của Lâm Đồng đến thị trường trong nước và quốc tế như EU, Trung Đông, Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Cùng với đó, trang thương mại điện tử www.posmart.vn cũng đã đưa 65 nông sản xếp hạng OCOP 3 sao trở lên của Lâm Đồng lên sàn, tạo tài khoản cho hơn 50.750 hộ sản xuất nông nghiệp, trong đó có gần 6.000 tài khoản thanh toán điện tử. Các trang thương mại điện tử lớn của cả nước như tiktok shop, shopee, lazada, tiki, sendo... cũng đã và đang mở rộng không gian cho nhiều gian hàng kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông sản Lâm Đồng.
Theo Trung tâm Phát triển thương mại điện tử thuộc Bộ Công thương, từ tháng 8/2021 đến hết tháng 7/2022, doanh số bán lẻ trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử và website bán hàng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt hơn 258 tỷ đồng.
Tại Hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP tỉnh Lâm Đồng diễn ra tại TP Đà Lạt đầu tháng 8/2023; ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã khẳng định: “Thương mại điện tử được xem là giải pháp trọng tâm để hình thành một nền nông nghiệp bền vững, có sức cạnh tranh cao và bắt kịp xu thế chuyển đổi số trong nông nghiệp”.
Cũng theo ông Phạm S, trong thời gian vừa qua, chính thương mại điện tử đã góp phần đa dạng hóa phương thức tiêu thụ nông sản, giúp các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm và tăng tính kết nối một cách nhanh nhất.
Theo kế hoạch, Lâm Đồng đặt mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu toàn tỉnh có 250 sản phẩm OCOP (230 sản phẩm cấp tỉnh và 20 sản phẩm cấp quốc gia). Củng cố và nâng cấp ít nhất 50 sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển du lịch nông thôn.
Hỗ trợ 100% sản phẩm OCOP Lâm Đồng đạt hạng 3 sao trở lên được đưa lên sàn thương mại điện tử postmart.vn; voso.vn và trang thương mại điện tử nông sản tỉnh Lâm Đồng; phấn đấu mỗi huyện, thành phố có ít nhất 1 điểm giới thiệu trưng bày và bán sản phẩm OCOP.
Để có thể hoàn thành mục tiêu này, sớm đưa nông sản Lâm Đồng “phủ sóng” các sàn thương mại điện tử. Các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương như Sở Công thương, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch Lâm Đồng có thể đề xuất các hoạt động cụ thể thuộc phạm vi quản lý của mình để thúc đẩy từng chỉ tiêu thành phần trong chỉ số chung để góp phần thúc đẩy, phát triển thương mại điện tử tại địa phương.
Đặc biệt, hướng tới sự phát triển bền vững cho thương mại điện tử, các cơ sở đào tạo, bao gồm các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề trên địa bàn tỉnh cần nắm bắt kịp thời sự phát triển thương mại điện tử của thế giới, trong nước cũng như ở địa phương để đưa ra những dự báo xác đáng về nguồn nhân lực, phục vụ tốt hơn cho hoạt động đào tạo, để có thể kịp thời cung cấp cho tỉnh một lực lượng năng động, trẻ, nhiệt huyết và đầy đủ tri thức trong tương lai.
Theo Linh Đan (Báo Lâm Đồng)