Lần đầu tiên Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức diễn đàn Doanh nghiệp (DN) Bưu chính năm 2023 với chủ đề "Cạnh tranh lành mạnh, phát triển bền vững thị trường bưu chính".
Diễn đàn được tổ chức ngày 27/11/2023, tại TP. HCM, có sự tham dự của hai Bộ là Bộ TT&TT và Bộ Công Thương, một số Sở TT&TT và 40 DN bưu chính lớn nhất trên thị trường bưu chính.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Lã Hoàng Trung, Vụ trưởng Vụ Bưu chính, Bộ TT&TT nhấn mạnh: "Một trong các nhiệm vụ để nâng cao năng lực quản lý nhà nước (QLNN) về bưu chính là: Định kỳ tổ chức Diễn đàn quốc gia về bưu chính để chia sẻ, hợp tác giữa các nhà xây dựng chính sách, nhà quản lý, chuyên gia và DN trong và ngoài lĩnh vực bưu chính".
"Thực hiện quan điểm, nhiệm vụ nêu trong Chiến lược phát triển bưu chính, trong năm 2023, Bộ TT&TT đang triển khai Kế hoạch đảm bảo cạnh tranh lành mạnh thị trường bưu chính nhằm mục tiêu hình thành thị trường bưu chính công bằng, bình đẳng, lành mạnh cho các DN bưu chính, từ đó góp phần thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển bưu chính", ông Lã Hoàng Trung cho biết thêm.
Thị trường bưu chính Việt Nam năm 2023
Tại Diễn đàn, đại diện Vụ Bưu chính cho biết, doanh thu dịch vụ bưu chính tăng trưởng nhanh trong giai đoạn 2019 - 2023, trung bình trên 20%/năm, nhưng tốc độ tăng trưởng có xu hướng chậm lại.
Trong khi đó, doanh thu dịch vụ gói, kiện tăng trưởng nhanh hơn, tốc độ tăng trưởng dịch vụ bưu chính (khoảng 1,5 lần), chiếm tỷ trọng chủ yếu trong dịch vụ bưu chính (~76%) và đang có xu hướng tiếp tục tăng (năm 2023 ước khoảng trên 90%).
Thương mại điện tử (TMĐT) đóng vai trò quan trọng, chủ yếu trong sự tăng trưởng của doanh thu dịch vụ bưu chính, doanh thu gói, kiện cho TMĐT chiếm tỷ trọng quan trọng (~60%) trong doanh thu dịch vụ bưu chính (DVBC).
Sản lượng DVBC tăng trưởng nhanh trong giai đoạn 2019- 2023 (trung bình trên 36%/năm), xu hướng khá ổn định. Sản lượng dịch vụ gói, kiện tăng trưởng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng sản lượng bưu chính, chiếm tỷ trọng chủ yếu trong DVBC (~82%) và đang có xu hướng tiếp tục tăng (năm 2023 ước khoảng 88%). Sản lượng gói, kiện TMĐT chiếm tỷ trọng quan trọng (~74%) trong sản lượng DVBC.
Nổi lên vấn đề cạnh tranh giữa các DN bưu chính
Một trong những chủ đề nóng được thảo luận nhiều tại Diễn đàn chính là vấn đề cạnh tranh giữa các DN bưu chính.
Theo bà Hà Thị Hoà, Trưởng ban Dịch vụ Bưu chính, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (BĐVN) (Vietnam Post): "Sức ép cạnh tranh trong lĩnh vực bưu chính đến từ các DN mới".
Theo thống kê của Bộ TT&TT, trong năm 2022, số DN bưu chính được thành lập mới đạt 730 DN gấp hơn 2 lần so với năm 2017. "Các DN bưu chính nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh, công nghệ hiện đại, kinh nghiệm quản lý, nên có lợi thế cạnh tranh hơn các DN bưu chính trong nước. Các tiêu chuẩn cấp phép chưa theo kịp với mức độ phức tạp và tăng trưởng của thị trường. Các DN thành lập nhưng không đảm bảo chất lượng, không có mạng lưới, rủi ro tài chính cao đối với các cá nhân DN", bà Hoà nói thêm
Các vấn đề liên quan đến cạnh tranh không lành mạnh được các đại biểu chỉ ra bao gồm: Cạnh tranh giá cước. Chính sách giá bán trên thị trường của một số DN bưu chính có yếu tố nước ngoài thấp hơn giá thành của các DN bưu chính có mạng lưới lớn; Hiện tượng các cá nhân, tổ chức tiến hành quảng cáo truyền thông việc chấp nhận vận chuyển các mặt hàng cấm gửi, vi phạm pháp luật ngang nhiên, đặc biệt tập trung vào hình thức truyền thông và quảng cáo trên các nền tảng số.
Hoạt động vận tải hàng hóa qua các nhà xe, chành xe, hoặc nhận gửi hàng hóa xách tay theo hình thức qua các cửa khẩu nhằm miễn thuế, nhận gửi hàng hóa xách tay trên các chuyến bay thương mại là gây thất thoát thuế; Tác động của các sàn TMĐT.
Một số sàn TMĐT: Shopee, Lazada… không cho phép người bán, và người mua lựa chọn đơn vị vận chuyển mà tự chủ động phân phối hoạt động vận chuyển cho các đơn hàng trên sàn mình. Đồng thời thành lập các đơn vị chuyển phát riêng trực thuộc sàn, qua đó đẩy hầu hết sản lượng qua các đơn vị chuyển phát này.
Bên cạnh đó, là tình trạng sử dụng các hình thức chuyển phát để lừa đảo người tiêu dùng hoặc tiêu thụ các mặt hàng kém chất lượng, hàng giả - hàng nhái - vi phạm pháp luật.
Từ những thách thức nói trên, nhiều DN bưu chính đã có các giải pháp riêng cho mình Ví dụ, BĐVN xác định cạnh tranh bằng chất lượng thay vì cạnh tranh về giá, nên liên tục triển khai các chiến dịch rà soát, tổ chức sản xuất nâng cao chất lượng. Đồng thời, DN cũng thường xuyên rà soát, tổ chức sản xuất, tối ưu nguồn lực, cắt giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm mang lại giá trị tốt nhất cho các khách hàng.
Bà Hà Thị Hoà cho biết: "BĐVN thường xuyên phối hợp với các cơ quan QLNN đề xuất các giải pháp để giữ thị trường lành mạnh. Vận động thành lập Hiệp hội DN bưu chính để hội nhập, xây dựng tiếng nói chung góp phần bảo vệ quyền lợi các DN. BĐVN cũng hợp tác với các DN trong ngành để cùng phát triển như: DHL, UPS, SPX… Nền tảng phần mềm quản lý bán hàng: Tpos, Pancake, Haravan".
Trong khi đó, dựa trên các bài học thực tế từ các nước khác nhau, đại diện của Ninja Van cho rằng, ngành bưu chính có thể áp dụng các chính sách như: Xác lập cơ chế giá sàn giúp ngăn chặn các “cuộc chiến về giá” để giành thị phần; Công khai các cơ chế và tiêu chí cho quá trình lựa chọn nhà vận chuyển bưu chính của các sàn, nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị vận chuyển linh hoạt trong việc tối ưu hóa vận hành.
Và cùng với đó, kiểm soát thị phần tối đa, đảm bảo không có đơn vị vận chuyển nào được ưu tiên quá mức, dẫn tới nguy cơ gián đoạn thị trường.