Sự kiện Đối thoại trực tuyến về di sản chiến tranh và hòa bình ở Việt Nam - Lào - Campuchia do Viện Hòa bình Mỹ (USIP) tổ chức tại Washington ngày 14/9 (theo giờ Mỹ) có sự tham dự của nhiều diễn giả, trong đó có Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper; Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc màu da cam - dioxin Việt Nam; Thượng nghị sĩ Mỹ Jeff Merkley; Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao (Bộ Ngoại giao) Phạm Lan Dung...
Cuộc đối thoại được tổ chức ngay sau chuyến thăm cấp Nhà nước rất thành công của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam.
Trong phát biểu mở đầu của Thượng nghị sĩ Jeff Merkley, ông chia sẻ sự mất mát trước thông tin Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam từ trần. Thượng nghị sĩ nhấn mạnh vai trò của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh trong vun đắp, củng cố quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ, đặc biệt là trong các dự án tẩy độc dioxin mà hai nước đang triển khai.
Ông Jeff Merkley dẫn lại phát biểu của Thượng nghị sĩ Patrick Leahy, nguyên Chủ tịch thường trực Thượng viện Mỹ nhận định, kể từ khi ông Vịnh đảm nhiệm chức vụ Thứ trưởng Quốc phòng năm 2009 đã có nhiều đóng góp cho quan hệ hai nước.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh là một trong những đối tác quan trọng chính của Thượng nghị sĩ Patrick Leahy trong thúc đẩy xử lý hậu quả nhiễm, tẩy độc dioxin ở khu vực sân bay Đà Nẵng. Những đóng góp này đã góp phần củng cố hơn mối quan hệ song phương giữa hai nước khi "hàn gắn quá khứ, hướng tới tương lai".
Thượng nghĩ sĩ Patrick Leahy bày tỏ sự cảm ơn đối với Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh vì sự đón tiếp trong những lần ông sang Việt Nam làm việc.
"Mỗi cố gắng đều đóng vai trò quan trọng trong hợp tác giữa hai nước. Đặc biệt tướng Vịnh là một trong những người có vai trò hàng đầu. Chúng tôi sẽ vô cùng nhớ tới ông", Thượng nghị sĩ Jeff Merkley chia sẻ.
Ông Jeff Merkley cho biết, tháng 4 vừa qua ông có vinh dự được dẫn đầu đoàn nghị sĩ lưỡng viện Mỹ sang thăm Việt Nam, trong chuyến thăm đó thì đoàn cũng đã thúc đẩy hợp tác hai nước trong khắc phục hậu quả chiến tranh. Ông cho biết muốn tiếp nối những nỗ lực và những "di sản" của ông Patrick Leahy cùng Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh trong vấn đề khắc phục hậu quả chiến tranh, tẩy độc dioxin tại Việt Nam.
Chất độc dioxin gây tác động nguy hại đến người dân Việt Nam qua nhiều thế hệ, ở nhiều vùng miền của Việt Nam. Trong chiến tranh Việt Nam, Mỹ đã lưu trữ nhiều chất này tại các sân bay và bị rò rỉ tại một số sân bay như Đà Nẵng, Biên Hòa.
Ông Jeff Merkley ca ngợi những đóng góp của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh trong việc hoàn thành tẩy độc ở sân bay Đà Nẵng. Mỹ và Việt Nam đang tiếp tục dự án tẩy độc sân bay Biên Hòa, cần ít nhất 10 năm và nửa tỷ USD để khử độc, cải tạo lại xung quanh sân bay này.
Ông Merkley bày tỏ: "Chúng ta không thể thay đổi được lịch sử nhưng cùng nhau chúng ta sẽ xây dựng được tương lai tốt hơn. Đây là câu nói hay và có ý nghĩa với hai nước trong hàn gắn sau chiến tranh. Một mặt phải xoa dịu những nỗi đau do chiến tranh gây ra, một mặt thúc đẩy nhiều điều tích cực mà hai bên cùng làm".
Ông cho rằng phải kiên định vào con đường đã vạch ra trong việc tẩy độc ở sân bay Biên Hòa dù thời gian dài.
Bắt đầu triển khai từ tháng 8/2012, dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng do Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tài trợ, được coi là một cột mốc quan trọng trong quan hệ song phương giữa hai Chính phủ, giúp cải thiện môi trường sạch và an toàn hơn cho người dân Đà Nẵng.
Dự án đã hoàn thành năm 2018 khi xử lý thành công hơn 90.000m3 đất, trầm tích ô nhiễm bằng phương pháp khử hấp thụ nhiệt và cô lập an toàn 50.000m3 đất, trầm tích nhiễm dioxin nồng độ thấp.
Dự án xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa được khởi công từ tháng 4/2019, có quy mô gấp 4 lần so với dự án xử lý dioxin tại sân bay Đà Nẵng. Dự kiến, thời gian hoàn thành dự án 10 năm.
Tháng 3 vừa qua, USAID đã bàn giao 29.383m2 mặt bằng khu vực đã xử lý dioxin ở phía tây nam sân bay Biên Hòa cho Quân chủng Phòng không - Không quân (Bộ Quốc phòng Việt Nam).