Nhiều khó khăn ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh, nguồn tiền nhưng chủ doanh nghiệp muốn duy trì thưởng Tết Quý Mão 2023 cho người lao động, ít nhất là tháng lương thứ 13.
Ngay khi kết thúc quý III, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH May mặc Song Ngọc (TP.HCM) - ông Trần Thanh Sơn và ban lãnh đạo doanh nghiệp đã lên kế hoạch thưởng Tết cho người lao động.
Bối cảnh từ biến động kinh tế thế giới ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Nhiều công ty may khác đã phải cắt giảm nhân sự. Ông Sơn thừa nhận, thưởng năm nay "chắc chắn là câu chuyện đau đầu của nhiều doanh nghiệp", nhưng với Song Ngọc, lãnh đạo công ty cam kết lo thưởng cho 300 công nhân.
"Người lao động dự kiến được nhận tháng lương thứ 13, trung bình 9 triệu đồng/người. Thưởng Tết một tháng lương là sự nỗ lực lớn ở thời điểm này", ông Sơn nói và chia sẻ thêm rằng: Ở chiều ngược lại, người lao động cần nhìn nhận tình hình thực tế trong năm để có sự đồng cảm với ban giám đốc, không phải mọi năm thấy thưởng 2 tháng mà năm nay thưởng 1 tháng hoặc 1,5 tháng lại bất bình.
Trải qua giai đoạn dịch Covid-19 khó khăn (năm 2021), các doanh nghiệp chưa kịp phục hồi thì chịu ảnh hưởng từ lạm phát ở Mỹ, EU, biến động tỷ giá, tăng lãi suất trong nước. Do đó, ông Nguyễn Ngọc Luận - CEO Meet More Coffee (TP.HCM) - cũng mong muốn người lao động đồng hành cùng giới chủ. Doanh nghiệp có sống, có tồn tại thì mới đảm bảo thu nhập người lao động, góp phần đảm bảo kinh tế gia đình họ. Vì thế, Meet More Coffee vẫn chi thưởng tháng lương thứ 13, trung bình 10 triệu đồng/người.
Tương tự, ông Nguyễn Hoàng Đạt, Giám đốc Công ty Vinahe (Bình Phước) - chuyên sản xuất, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm từ hạt điều - cho hay, dự kiến mức thưởng Tết Quý Mão 2023 cho người lao động từ 7-30 triệu đồng/người tùy vị trí và thâm niên làm việc. Ngoài ra, lao động giỏi cũng được thưởng thêm, có các phần quà Tết đi kèm. Theo ông Đạt, tháng lương thứ 13 là sự ghi nhận đóng góp, tạo động lực để người lao động cống hiến cho công ty, cho người lao động một cái Tết sum vầy như cam kết đầu năm của doanh nghiệp.
"Vinahe vẫn giữ nguyên số lượng công nhân, nhưng nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm nhân sự. Bởi vậy, trong giai đoạn khó khăn, người lao động cần hiểu rõ bản chất, bối cảnh nền kinh tế đang tác động ra sao tới các hoạt động sản xuất, kinh doanh", ông Đạt bày tỏ.
Trong khi đó, bà Trần Thị Tuyết Trinh - Trưởng phòng nhân sự Aeon Việt Nam - thông tin, do đặc thù của ngành nên thời điểm Tết, các doanh nghiệp bán lẻ luôn có nhu cầu cao về nhân sự thời vụ và gặp khó khăn trong tuyển dụng. Nguồn ứng viên chủ yếu là sinh viên nên việc xếp ca làm việc phụ thuộc vào lịch học, nhiều sinh viên nghỉ Tết Nguyên đán sẽ về quê sớm. Vì thế, Aeon Việt Nam đang đưa ra chính sách thu hút gần 1.000 lao động, đảm bảo nhu cầu cho vận hành kinh doanh. Trong khoảng 20 ngày trước Tết, nhân viên thời vụ được hưởng 150% tiền lương và làm việc vào các ngày lễ, Tết, nhân viên sẽ hưởng 400% tiền lương.
Chỉ 6% người lao động bị giảm lương
Khảo sát “Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2022” do Anphabe công bố mới đây cũng nhận định, so với 2021, mặc dù tình hình kinh doanh năm nay vẫn còn nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp đã cải thiện thu nhập của nhân viên tốt hơn khá nhiều.
Cụ thể, tính tới 9/2022, có 56% người lao động được tăng lương, 38% giữ nguyên, chỉ có 6% bị giảm lương hoặc thu nhập không ổn định. Tuy các con số này chưa phải là cao so với những năm bình thường, nhưng đã thể hiện nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp Việt khi năm 2021 chỉ có 35% người lao động được tăng lương, số bị giảm lương/lương không ổn định lên tới 15%.