Sau khi tiếp nhận đơn từ Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên chuyển đến, Ban Dân nguyện đã tham mưu đưa vụ việc này vào diện giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong chương trình giám sát tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo.
Kết quả từ nhiều đổi mới mạnh mẽ trong công tác dân nguyện
Trao đổi với VietNamNet, Bí thư Tỉnh ủy - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải quả quyết: “Qua nghiên cứu và tìm hiểu nội dung vụ việc, chúng tôi nhận thấy đề nghị của cụ Nguyễn Thị Mùi mong muốn các cơ quan chức năng có thẩm quyền tiếp tục xem xét để có thể công nhận Liệt sỹ và cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với quân nhân Trần Đình Thi là có cơ sở xem xét nên quyết tâm theo đuổi vụ việc đến khi có kết quả”.
Nội dung vụ việc cũng được các đại biểu trong đoàn nghiên cứu, thảo luận và thống nhất, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét tháo gỡ.
Và kết quả đạt được thật ngoài mong đợi, vụ việc đã được Ủy ban Thường vụ giao cho Ban Dân nguyện nghiên cứu, giám sát và báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 7/2022 vừa qua.
Qua quá trình theo đuổi việc giải quyết vụ việc, Bí thư Thái Nguyên đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò về những cải tiến đổi mới trong công tác Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian qua.
Sự quan tâm, chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với các kiến nghị của cử tri, việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri và đặc biệt là việc giám sát, tháo gỡ đối với một số vụ việc cụ thể phức tạp, kéo dài đã đạt được rất nhiều kết quả thiết thực. Trong đó, điển hình là vụ việc của quân nhân Trần Đình Thi.
Điều này đã được cử tri, các ĐBQH, các đoàn ĐBQH đồng tình ủng hộ, đánh giá rất cao và tiếp tục đặt nhiều kỳ vọng trong thời gian tới.
Thay vì trước đây, hai lần trong một năm thì nay hàng tháng Ban Dân nguyện đều có báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về những phản ánh, kiến nghị của cử tri, những vấn đề mà cử tri quan tâm trong tháng đó và đặc biệt là tình hình giải quyết cũng như kết quả giám sát việc giải quyết đối với một số vụ việc để các ĐBQH có thể nghe được tiếng nói của người dân thường xuyên hơn, biết được người dân mong muốn điều gì, còn điều gì đang tâm tư, bức xúc.
Nhờ cách điều hành đổi mới này mà nhiều vấn đề nhân dân quan tâm như việc học tập môn lịch sử, đổi mới sách giáo khoa phổ thông, giá xăng, dầu…..hay một số vụ việc cụ thể liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân nhưng chưa được các cơ quan chức năng xem xét đầy đủ, thấu đáo, đã được Thường vụ Quốc hội xem xét lại kịp thời.
Nếu chỉ một bộ, một ngành, hay một đoàn ĐBQH không thể làm được
“Vụ việc quân nhân Trần Đình Thi được làm sáng tỏ như hôm nay không chỉ là sự theo đuổi của Đoàn ĐBQH tỉnh mà còn chính là thể hiện sự quan tâm của Chủ tịch Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đến mong muốn chính đáng của cử tri để từ đó Thường vụ Quốc hội xem xét cụ thể, chi tiết từng vụ việc”, bà Hải nói.
Bí thư Thái Nguyên cũng thông tin thêm, không chỉ có vụ việc này mà có một số việc khó khác, Chủ tịch Quốc hội đã giao cho Ban Dân nguyện và các Ủy ban của Quốc hội rà soát, giám sát giải quyết đến cùng.
Các cơ quan của Quốc hội có vai trò rất quan trọng trong việc kết nối các bộ ngành để cùng nghiên cứu trao đổi, giám sát việc giải quyết một vấn đề hay một vụ việc khó, phức tạp cụ thể nào đó mà nếu chỉ một bộ, một ngành, hay một đoàn ĐBQH thì chắc không thể làm được.
Theo bà Hải, những vụ việc phức tạp như vụ của quân nhân Trần Đình Thi, nếu để từng bộ ngành, địa phương riêng lẻ tự giải quyết thì rất khó và kéo dài.
Bà Hải đúc kết, vai trò của Đoàn ĐBQH là nắm bắt được thông tin, kiểm chứng thực tiễn, có những việc đòi hỏi phải quyết liệt, bản lĩnh cùng các cơ quan chức năng địa phương bảo vệ nguyện vọng chính đáng của người dân. Tuy nhiên có những vụ việc nằm ngoài thẩm quyền thì đoàn chỉ có thể kiến nghị lên cấp cao hơn mới có thể giải quyết dứt điểm, đáp ứng được mong mỏi, nguyện vọng chính đáng của người dân.
“Với cách làm này, với phương thức đổi mới mạnh mẽ trong công tác dân nguyện, đồng thời thường xuyên, liên tục lắng nghe những nguyện vọng chính đáng của người dân, Quốc hội ngày càng khẳng định vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của dân, xứng đáng với lòng tin của người dân, không chỉ trong công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước mà cả vai trò đại diện cho nguyện vọng và mong muốn chính đáng của người dân”, Bí thư Thái Nguyên nhấn mạnh.
Ngày 4/7 vừa qua, Bộ Tư lệnh Quân khu I tiếp tục tổ chức hội nghị đối thoại xác minh trường hợp từ trần của quân nhân Trần Đình Thi tại Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Cao Bằng (nơi quân nhân Trần Đình Thi đã chiến đấu và hy sinh). Cuộc đối thoại này đặc biệt có mặt của ông Nguyễn Văn Cương, nguyên Chính trị viên đại đội 4, là đơn vị trực tiếp quản lý, chỉ huy quân nhân Trần Đình Thi, là nhân chứng trực tiếp trong vụ việc. Theo lời của ông Cương, tháng 2/1979 đơn vị cử quân nhân Trần Đình Thi đi bồi dưỡng nghiệp vụ thông tin tại tiểu đoàn, khi có chiến sự xảy ra quân nhân Trần Đình Thi cơ động di chuyển từ Tiểu đoàn 2 (đóng quân tại xóm Hòa Mục xã Nà Sác, nay là xã Trường Hà, huyện Hà Quảng) về đơn vị (đóng quân tại xã Trường Hà, Hà Quảng, Cao Bằng), khoảng cách từ xóm Hòa Mục về đến xã Trường Hà khoảng 7km, đi đến Ngã ba Đôn Chương thì bị địch bắn và hy sinh sáng ngày 17/2/1979. Từ đó, hội nghị đã thống nhất đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền phối hợp, xem xét, sớm hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận Liệt sĩ đối với quân nhân Trần Đình Thi. Từ kết quả cuộc đối thoại và các chứng cứ có được từ trước đến nay, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình đã báo cáo kết quả giải quyết vụ việc với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp vào ngày 11/7. “Đây là vụ việc đã được Ban Dân nguyện, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên nhiều lần đề nghị các cơ quan có thẩm quyền công nhận liệt sỹ đối với quân nhân Trần Đình Thi bị địch bắn chết trên đường cơ động về đơn vị vào ngày 17/2/1979 tại ngã ba Đôn Chương, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Nhưng do tại thời điểm hy sinh, việc lập hồ sơ chưa chính xác nên dẫn đến không được công nhận Liệt sỹ”, ông Bình khẳng định. Ban Dân nguyện đề nghị Chính phủ, Thủ tướng quan tâm chỉ đạo Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng và các cơ quan hữu quan khẩn trương xem xét, công nhận Liệt sỹ, cấp Bằng Tổ quốc ghi công và thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách cho gia đình quân nhân Trần Đình Thi. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng kết luận, vụ việc này đã tương đối rõ và đề nghị Ban Dân nguyện đôn đốc Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Bộ Quốc phòng và Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên khẩn trương xử lý. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý các cơ quan cố gắng công nhận liệt sỹ cho quân nhân Trần Đình Thi trước ngày Thương binh, liệt sĩ 27/7 thì càng có ý nghĩa. Do thời gian gấp gáp nên vụ việc vẫn chưa được giải quyết đúng dịp 27/7. Nhưng đến nay, mọi khúc mắc đã được tháo gỡ, chỉ chờ các cơ quan chức năng hoàn thành thủ tục để công nhận Liệt sỹ, cấp Bằng Tổ quốc ghi công với quân nhân Trần Đình Thi. |