Thường vụ Quốc hội sẽ chất vấn nhiều Bộ trưởng xoay quanh 2 nhóm lĩnh vực: Nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương; VHTT&DL; tư pháp, nội vụ, an ninh - trật tự - an toàn xã hội, thanh tra, tòa án, kiểm sát.
Chiều 6/8, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã chủ trì cuộc họp để rà soát công tác chuẩn bị cho phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chất vấn về 2 nhóm lĩnh vực
Chủ tịch Quốc hội cho hay, trước khi tiến hành phiên chất vấn chính thức, lãnh đạo Quốc hội và Chính phủ đều tổ chức rà soát các công việc chuẩn bị; việc chuẩn bị trước một bước, chuẩn bị kỹ, từ sớm, từ xa để phiên chất vấn và trả lời chất vấn đạt yêu cầu, kế hoạch đề ra.
Nhắc lại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp 7 vừa qua được nhận định là hết sức dân chủ trên tinh thần xây dựng, thẳng thắn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục phát huy điều này.
Theo đó, các đại biểu Quốc hội tập trung hỏi ngắn gọn trong 1 phút về 1 vấn đề, đúng nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề ra. Các bộ trưởng, trưởng ngành trả lời thẳng vào những vấn đề đại biểu Quốc hội hỏi, đúng trọng tâm, trọng điểm.
Báo cáo tại cuộc họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, đến nay, các công tác chuẩn bị cơ bản đã được triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch.
Theo chương trình, tại phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ dành 1,5 ngày để tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15 đến hết năm 2023.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn này dự kiến vào ngày 21 - 22/8 tới, nội dung chất vấn tập trung vào 2 nhóm lĩnh vực.
Nhóm lĩnh vực thứ nhất gồm: Nông nghiệp và phát triển nông thôn; công thương; văn hóa, thể thao và du lịch với thời lượng khoảng 190 phút.
Nhóm lĩnh vực thứ hai gồm: Tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thanh tra, tòa án, kiểm sát, với thời lượng khoảng 250 phút.
Tránh đi vào những vụ việc cụ thể
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, chất vấn và trả lời chất vấn luôn là hoạt động giám sát được cử tri, nhân dân, các đại biểu Quốc hội và báo chí quan tâm, theo dõi.
Chủ tịch Quốc hội đồng ý với việc điều hành phiên chất vấn theo hướng không chia thời gian trả lời cụ thể cho từng bộ trưởng, trưởng ngành để giảm áp lực cho người trả lời chất vấn cũng như bảo đảm bám sát thực tế từng nội dung vấn đề đại biểu đặt ra.
Việc cải tiến theo hướng này sẽ “vất vả” hơn cho công tác điều hành, nhưng bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với diễn biến thực tế của từng phiên chất vấn.
Các đại biểu Quốc hội tập trung chất vấn đúng phạm vi lĩnh vực được chọn, bảo đảm đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng thời gian hỏi không quá 1 phút và chỉ hỏi một vấn đề. Khi chất vấn các đại biểu Quốc hội cần tránh đi vào những vấn đề, vụ việc cụ thể.
Ông Trần Thanh Mẫn cho biết, qua các phiên chất vấn và trả lời chất vấn, cử tri và nhân dân sẽ đánh giá năng lực của các thành viên Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành.
Vì vậy, các bộ trưởng, trưởng ngành tiếp tục phát huy kinh nghiệm trả lời tại các phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước đó, có phương pháp, cách thức, nội dung trả lời đáp ứng được yêu cầu của các đại biểu Quốc hội và cử tri, nhân dân.
Sáng cùng ngày, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã chủ trì họp giao ban giữa lãnh đạo Văn phòng Quốc hội với lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội.
Cuộc họp được tổ chức nhằm đánh giá về một số công việc chủ yếu trong tháng 7 và dự kiến nhiệm vụ trọng tâm tháng 8 của Văn phòng Quốc hội.
Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh, khối lượng công việc trong tháng 8 rất lớn, yêu cầu cao về tiến độ, chất lượng, nên đề nghị các vụ, cục, đơn vị cần tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung cao độ, chủ động, tích cực, phối hợp chặt chẽ để bảo đảm hoàn thành việc được giao theo đúng kế hoạch đề ra.
Ông yêu cầu các vụ, cục, đơn vị trực thuộc chuẩn bị từ sớm nội dung, chương trình của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15 và các kỳ họp bất thường khác (nếu có) của Quốc hội.
Ngoài ra, cần chuẩn bị cho việc tổ chức phiên họp thứ 36 và phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, các cuộc họp của Đảng đoàn Quốc hội và các cuộc họp, hội nghị khác; chuẩn bị tổ chức Diễn đàn của Quốc hội về hoạt động giám sát.