Phản hồi của các doanh nghiệp nước ngoài trong 5 năm gần đây với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho thấy nhìn chung, năng lực tiếng Anh của sinh viên tốt nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Thông tin này được đưa ra tại Hội thảo Khoa học Quốc tế Giảng dạy tiếng Anh theo định hướng nghề nghiệp 2023, do Trường Ngoại ngữ-Du lịch, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, phối hợp với Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 và Phân hội Nghiên cứu và Giảng dạy tiếng Anh (VietTESOL) tổ chức trong hai ngày 15, 16/4.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Phạm Văn Bổng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp, cho biết trường thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, cho hơn 32.000 sinh viên nhằm đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.
Trên thực tế, mặc dù trình độ và năng lực tiếng Anh đã được cải thiện trong thời gian gần đây song không ít sinh viên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp.
Theo ông Đỗ Văn Giang - Phó Vụ trưởng Vụ đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội), dù ngoại ngữ chuyên ngành là một trong 6 môn học bắt buộc trong chương trình đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhưng các chương trình chưa thực sự đảm bảo chất lượng.
Ông Giang khẳng định vẫn tồn tại nhiều hạn chế trong giảng dạy và học tập ngoại ngữ như kỹ năng nghe-nói của sinh viên còn yếu hay mức độ tự tin giao tiếp chưa cao. Vì vậy, đổi mới công tác dạy và học Tiếng Anh chuyên ngành áp dụng vào thực tiễn nghề nghiệp là vô cùng cần thiết.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Mai Hữu- Trưởng Ban Đề án Ngoại ngữ Quốc gia (Bộ GD-ĐT) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thông thạo ngoại ngữ chuyên ngành, đặc biệt là tiếng Anh, để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong bối cảnh khu vực hóa, quốc tế hóa của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hướng đến 5.0.
Việc nghiên cứu lộ trình và không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy-học tập tiếng Anh định hướng chuyên ngành là nhiệm vụ cấp thiết của ngành giáo dục.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nghiên cứu viên và giảng viên từ các cơ sở đào tạo đã tích cực thảo luận, trao đổi và chia sẻ kết quả nghiên cứu từ thực tiễn giảng dạy trong các ngành như du lịch, khách sạn, kinh tế, văn hóa...
Nhiều giải pháp mới và góc nhìn chuyên sâu, đa dạng đã được đề xuất nhằm đảm bảo nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động.
Hội thảo Hội thảo Khoa học Quốc tế Giảng dạy tiếng Anh theo định hướng nghề nghiệp 2023 là diễn đàn chuyên môn kết nối và chia sẻ kết quả nghiên cứu cũng như góc nhìn đa dạng trong đào tạo tiếng Anh theo hướng tiếp cận chuẩn ngoại ngữ đầu ra và ngành nghề đào tạo, từ đó chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, quy tụ hơn 100 bài báo cáo tóm tắt của 158 tác giả đến từ 8 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. |
Tử Huy