Nền tảng số là hệ thống thông tin phục vụ các giao dịch điện tử trực tuyến, cho phép nhiều bên cùng tham gia nhằm cung cấp dịch vụ cho các tổ chức, cá nhân, có thể sử dụng ngay một cách đơn giản, thuận tiện, linh hoạt theo yêu cầu, không cần tự đầu tư cơ sở hạ tầng ban đầu hay tốn kém chi phí trong quản lý, vận hành và duy trì hệ thống.
Việt Nam coi nền tảng số là “hạ tầng mềm” của không gian số, giải quyết các bài toán cụ thể của chuyển đổi số; việc phát triển nền tảng số, càng nhiều người sử dụng thì giá trị tạo ra trên chi phí càng lớn; là giải pháp hữu hiệu cho phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Có nhiều loại mô hình nền tảng số như nền tảng chợ sản phẩm, nền tảng chợ dịch vụ, nền tảng thanh toán, nền tảng đầu tư, nền tảng mạng xã hội, nền tảng truyền thông, nền tảng nội dung, nền tảng trò chơi…
Tại Hội nghị “Đào tạo, tập huấn về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đánh giá sự phù hợp và áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hoá lĩnh vực thông tin, truyền thông”, Bộ TT&TT cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục tập trung xây dựng các bộ tiêu chí đánh giá cụ thể với các nền tảng số, xu hướng công nghệ cốt lõi.
Đối với mạng thông tin di động 5G, Bộ TT&TT đã ban hành các bộ quy chuẩn cho các thiết bị 5G độc lập, thiết bị đầu cuối lai ghép, thiết bị trạm gốc. Thời gian tới sẽ tiếp tục cập nhật phiên bản mới nhất với tiêu chuẩn 5G và 3GPP.
Đối với tiêu chuẩn Internet vạn vật (IoT), các tiêu chuẩn về thuật ngữ, kiến trúc tham chiếu, kết nối/tích hợp và mạng cảm biến cũng đã được xây dựng. Dự kiến, từ giờ đến hết năm 2023, thêm 04 TCVN về IoT dựa trên ITU-T, ISO/IEC về khả năng hỗ trợ trên các thiết bị đeo tay, khả năng của IoT trong dữ liệu lớn cũng như các vấn đề quản lý bảo mật, riêng tư với các thiết bị IoT, các phương pháp tính toán đảm bảo tin cậy, cũng sẽ được nghiên cứu xây dựng.
Kế hoạch 2023-2024 xây dựng 02 TCVN về IoT trên cơ sở ISO/IEC về yêu cầu của nền tảng trao đổi dữ liệu IoT, phương pháp luận về độ tin cậy của hệ thống/dịch vụ IoT.
Về đối tượng dữ liệu lớn (big data), hiện có tiêu chuẩn ISO/IEC cho big data là các tiêu chuẩn cơ bản về kiến trúc tham chiếu, từ vựng. Trong giai đoạn 2023-2024 sẽ xây dựng 03 TCVN về dữ liệu lớn dựa trên kiến trúc tham chiếu.
Về tiêu chuẩn trí tuệ nhân tạo (AI), Tập trung vào thuật ngữ AI, khung tương tác cho các hệ thống AI, vòng đời AI, dữ liệu lớn, độ tin cậy của AI; Kế hoach 2023-2024 xây dựng 07 TCVN về trí tuệ nhân tạo (khái niệm, thuật ngữ, tổng quan về tính đáng tin cậy trong AI, các trường hợp sử dụng điển hình, các phương pháp tính toán cho hệ thống AI, quy trình vòng đời và yêu cầu chất lượng).
Đối với tiêu chuẩn về điện toán đám mây, một số tiêu chuẩn về khái niệm nền tảng, tương tác trong hệ thống đám mây, đang tiếp tục bổ sung hoàn thiện.
Trên cơ sở bối cảnh hiện nay, ông Đinh Hải Đăng (Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ TT&TT) nhận định xu hướng công nghệ phát triển nhanh (cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số), vai trò của các doanh nghiệp công nghệ số ngày càng chú trọng, cũng như các sản phẩm nội địa hoá, các vấn đề về an ninh thông tin trên mạng xã hội ngày càng phức tạp, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục rà soát hệ thống pháp lý, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường hậu kiểm, thực hiện nguyên tắc quản lý rủi ro với các công nghệ quốc tế.
“Xác định tiêu chuẩn đo lường chất lượng gắn chặt với định hướng của chính phủ trong các vấn đề phát triển hạ tầng viễn thông số dịch chuyển thành hạ tầng số cũng như thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số, sáng tạo đổi mới công nghệ cho các sản phẩm Việt Nam và đảm bảo vấn đề an ninh mạng”, ông Đăng nói.
Cần tập trung hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đảm bảo vấn đề an toàn sản phẩm, hàng hoá, kết nối lưu thông, đảm bảo an toàn mạng.
Bộ TT&TT khuyến khích và thúc đẩy tiêu chuẩn cơ sở. để các doanh nghiệp tăng cường triển khai các tiêu chuẩn cơ sở này để quản lý chất lượng sản phẩm hàng hoá, dịch vụ.
Thế Vinh