Lời toà soạn: TikTok đang trở thành một "vấn nạn" với đầy nội dung nhảm nhí, xuyên tạc, vi phạm pháp luật. Đi kèm đó là tình trạng tin giả tràn lan và các thông tin "nhạy cảm" về chính trị. Đáng chú ý thuật toán của nền tảng này lại cổ vũ cho điều đó xảy ra và nguy hiểm hơn khi người dùng TikTok đều là người trẻ. Báo VietnamNet xin chuyển đến độc giả loạt bài phản ánh về những "vấn nạn" trên nền tảng này.
Trở lại với vụ việc TikToker Nờ Ô Nô xảy ra vào tháng 11/2022, người này bị cộng đồng lên án làm nội dung “bẩn”, miệt thị người nghèo. Sau khi nhận được phản ánh của người dân, cộng đồng mạng và các cơ quan truyền thông, Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) thuộc Bộ TT&TT đã tiến hành xác minh nhanh và nhận thấy tài khoản có dấu hiệu vi phạm thuần phong mỹ tục, xúc phạm và miệt thị người khác. Ngay sau đó, Cục PTTH&TTĐT yêu cầu TikTok phải xử lý bằng hình thức khoá tài khoản. Vào sáng ngày 28/11, thực hiện theo yêu cầu của cơ quan chức năng, TikTok đã khoá vĩnh viễn tài khoản này.
Tuy nhiên, ngay lập tức hàng loạt tài khoản mới mang tên Nờ Ô Nô được lập mới, có đến hàng trăm tài khoản xuất hiện. Nhiều tài khoản có đường link và hình ảnh đại diện giống tài khoản ban đầu, đăng lại các nội dung video của TikToker này bị xoá trước đó. Ngay cả chủ nhân bị khoá tài khoản vĩnh viễn là Phạm Đức Tuấn cũng lập kênh mới sau khi bị khoá một ngày với tên cũ là Nờ Ô Nô và các video được đưa lên nhanh chóng, thu hút hàng triệu lượt xem.
Theo những người làm sáng tạo nội dung trên mạng xã hội, sở dĩ có hiện tượng trên do TikTok dù khoá vĩnh viễn tài khoản nhưng chưa giải quyết triệt để các nội dung lấy lại từ kênh cũ. Nền tảng còn dung túng cho các nội dung của Nờ Ô Nô quay trở lại bằng cách gợi ý trên xu hướng tìm kiếm. Rốt cuộc, hành vi cấm vĩnh viễn không hiệu quả khi các nội dung mà TikToker này tạo ra vẫn lan truyền trên nền tảng, thậm chí còn làm cho nhân vật chính trở nên nổi bật hơn.
Anh Huỳnh Thanh Minh, chuyên làm dịch vụ mạng xã hội tại TP.HCM chia sẻ, rất khó dọn sạch nội dung “bẩn” trên TikTok nếu vẫn giữ thuật toán như hiện nay. Khác với Facebook, khi một người nào đó bị khoá tài khoản vĩnh viễn, người dùng muốn tìm kiếm sẽ thấy tài khoản này nhưng ở dạng bị khoá và không tương tác được. Khi đó, người bị khoá có tạo tài khoản mới cũng rất khó tìm kiếm thông tin và tài khoản mới không chứa nội dung cũ. Một điều nữa, với các nội dung “bẩn” bị Facebook khoá, thì những kênh lấy lại cũng biến mất theo. Trong trường hợp các kênh không xoá nội dung “bẩn” sẽ bị cộng đồng báo cáo hoặc Facebook quét bản quyền và khoá luôn tài khoản.
Nhưng với TikTok lại khác, người dùng tìm kiếm tài khoản bị khoá vẫn sẽ ra tài khoản mới trùng tên với cái cũ và hàng loạt gợi ý về kênh có cùng nội dung với tài khoản bị khoá cũng hiện ra trên trend (xu hướng) tìm kiếm.
“Nói một cách khác là cho dù có khoá tài khoản thì nội dung bẩn do kênh đó tạo ra vẫn tồn tại trên TikTok do các tài khoản khác lấy về và đưa lên, hoặc chủ kênh bị khoá tạo tài khoản mới up trở lại cũng được và hoàn toàn không bị xử lý”, anh Minh chia sẻ.
VietNamNet từng trao đổi thực trạng này với một đại diện của TikTok tại Việt Nam. Ông cho biết đã tiếp nhận ý kiến và đưa lên cho đội ngũ quản lý nền tảng trên toàn cầu cân nhắc. Nhưng đến nay, theo kiểm tra của phóng viên, tình trạng này vẫn chưa có gì thay đổi.
Trong khi đó, theo anh Khôi Nguyễn, một người làm Digital Marketing tại TP.HCM, để tạo ra nội dung “bẩn” và lan truyền trên TikTok là một điều vô cùng dễ dàng. Có thể dùng các tool (công cụ) tạo ra hàng loạt tài khoản, sau đó tiếp tục dùng thêm tool tự động đưa các clip về những kênh này và dễ dàng trở thành trend trên nền tảng. Với cơ chế hoạt động hiện tại của TikTok thì vấn nạn trên không bao giờ dẹp hết được.
Bài 4: Hàng chục trẻ em thiệt mạng vì các thử thách “chết chóc” trên TikTok