CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài cho biết, doanh nghiệp này đã có những thử nghiệm đầu tiên với chuỗi bán lẻ hàng hóa cho mẹ và bé AVA Kids từ cuối 2021 và tính tới gần cuối tháng 4/2022 đã có 20 cửa hàng.
Trong tháng 5, Thế Giới Di Động ước tính có 50 cửa hàng và sẽ tiếp tục phát triển trong năm 2022 cũng như các năm tiếp theo.
Hiện, ước tính các chuỗi mẹ và bé đạt hơn 1.000 cửa hàng trên toàn quốc và Thế Giới Di Động muốn đứng đầu thị trường với số lượng đạt ngưỡng 1.000 cửa hàng trở lên, với doanh thu đóng góp 1-1,5 tỷ đồng/cửa hàng, tương đương 1.000-1.500 tỷ đồng tổng doanh thu.
Đây là một bước đi tiếp theo của đại gia gốc Nam Định Nguyễn Đức Tài trong nỗ lực mở rộng sang nhiều ngóc ngách của mảng bán lẻ, với quy mô mảng bán lẻ hàng hóa cho mẹ và bé trị giá ước tính lên tới 7 tỷ USD.
Hiện chuỗi cửa hàng mẹ và bé của Con Cưng của chủ tịch Nguyễn Quốc Minh đang thống trị thị trường với 658 siêu thị tính tới 8/6. Con Cưng ra đời từ năm 2011 và đang dẫn đầu thị trường với sự hậu thuẫn của ông trùm tài chính chứng khoán SSI.
Trong đó, năm 2021, Con Cưng nhận được khoản đầu tư 90 triệu USD từ Quadria Capital. Con Cưng sẽ sử dụng nguồn vốn từ Quadria Capital để mở rộng quy mô và mạng lưới cửa hàng tại thị trường Việt Nam, đặt mục tiêu khai trương 2.000 siêu thị mẹ và bé vào năm 2025.
Con Cưng được biết đến là một doanh nghiệp được thành lập bởi ông Nguyễn Quốc Minh và ông Lưu Anh Tiến. Ông Nguyễn Quốc Minh có bằng tiến sĩ về Computer Science tại Đại học Georgia Tech (Mỹ). Còn ông Lưu Anh Tiến từng là đội trưởng đội Robocon Việt Nam đạt giải nhất tại Asia Pacific Robotics Contest năm 2005. Con Cưng còn có vốn góp từ Asia Design và 2 tổ chức liên quan tới CTCP Chứng khoán SSI của ông trùm tài chính Nguyễn Duy Hưng.
Hiện tại, trên thị trường mẹ và bé có các tên tuổi như Con Cưng, BiboMart, Kids Plaza, Shoptretho, Tuti care. Trong đó, Con Cưng có quy mô vượt trội.
Trước đó, trong năm 2021, đại gia gốc Nam Định Nguyễn Đức Tài cũng tấn công vào mảng bán lẻ đồ trang sức và kính mắt hàng hiệu để cạnh tranh với trùm vàng bạc đá quý trang sức Cao Ngọc Dung.
Áp lực vẫn còn
Theo VDSC, VN-Index đã rơi khỏi vùng giằng co 1.280 – 1.300 điểm trong phiên sáng 7/6, cho thấy động thái suy yếu đáng kể của thị trường. Đà giảm sâu được hãm lại tại vùng hỗ trợ 1.260-1.270 điểm và VN-Index nhanh chóng hồi phục trở lại vùng 1.290 điểm. Mặc dù nhịp hồi phục này gợi mở tín hiệu hỗ trợ tốt cho thị trường nhưng vẫn chưa thuyết phục, do diễn biến tương đối nhanh khi gần kết phiên và cận vùng cản 1.290-1.300 điểm của VN-Index. Dự kiến thị trường sẽ tiếp tục gặp áp lực bán lớn tại vùng cản này và vẫn có rủi ro suy yếu trở lại trong thời gian tới.
BSC dự báo thị trường có thể sẽ tiếp tục đi ngang quanh vùng 1.290 điểm.
Chốt phiên giao dịch chiều 7/6, chỉ số VN-Index tăng 1,34 điểm lên 1.291,35 điểm. Chỉ số HNX-Index của sàn Hà Nội giảm 2,67 điểm xuống 304,157 điểm. Upcom-Index giảm 0,2 điểm xuống 93,69 điểm. Thanh khoản đạt tổng cộng 21,6 nghìn tỷ đồng, trong đó có 17,8 nghìn tỷ đông trên sàn HOSE.
V. Hà
Các đại gia ngành bán lẻ tập trung phát triển theo hướng “một điểm đến” cung cấp nhiều loại hàng hóa cho người dân Việt. Tuy nhiên, hướng đi mới cũng cần thời gian và không phải ai cũng thành công.