Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Bình có diện tích tự nhiên 3.845km2, dân số 46.488 người với 11.164 hộ, sinh sống tập trung theo cộng đồng ở 102 thôn, bản thuộc 15 xã và 3 bản của các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy.
Trong những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần căn bản để tạo sinh kế, nâng cao đời sống đồng bào, giảm nghèo bền vững và góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa hiện có 1.088 hộ với 4.862 khẩu, trong đó, 96% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, hầu hết đều thuộc diện hộ nghèo, đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Được sự quan tâm hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, trong đó có Chỉ thị số 40-CT/TW, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã được tiếp sức phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo và vươn lên trong cuộc sống.
Theo ông Hồ Phin, Chủ tịch UBND xã Trọng Hoá, năm 2014, toàn xã có 390 hộ vay vốn với dư nợ 3.098 triệu đồng. Sau khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, toàn xã có 552 hộ gia đình được vay vốn với dư nợ 28.206 triệu đồng (tăng 25.108 triệu đồng, tỷ lệ tăng 810%). Trong đó, 509 hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 92,2% trên tổng số hộ gia đình đang vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
Nhờ có nguồn vốn, nhiều gia đình đã áp dụng khoa học, kỹ thuật đầu tư phát triển các mô hình chăn nuôi dê, bò, cá, gà… nên cuộc sống ngày càng được cải thiện, nhiều hộ gia đình đã xóa nhà tạm bợ.
Trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh, trong đó có các chương trình tín dụng dành cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn đã được quan tâm triển khai. Chính sách ưu đãi đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống mọi mặt của đồng bào dân tộc thiểu số.
Đến nay, tổng doanh số cho vay giai đoạn 2014 - 2024 của các chương trình dành cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt 41.271 triệu đồng, với 1.903 lượt hộ đang vay vốn.
Trong đó, Chương trình cho vay phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012 - 2015 theo Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg để phát triển sản xuất, ổn định đời sống, thoát nghèo bền vững là 3.160 triệu đồng với 456 hộ vay; Chương trình cho vay theo Quyết định số 755/QĐ-TTg để tạo quỹ đất sản xuất hoặc chuyển đổi ngành nghề là 13.491 triệu đồng với 910 lượt hộ...
“Ngoài những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện nguồn vốn vay tín dụng chính sách xã hội cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số thời gian qua vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Để phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, trong thời gian tới, chính sách tín dụng dành cho hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số cần mang tính đột phá về tăng mức vay, tăng thời hạn cho vay. Nguồn vốn cần tập trung vào một số ngành nghề trọng yếu để hộ dân có định hướng làm ăn, tạo sinh kế trong tương lai.
Đồng thời phải đẩy mạnh việc chuyển giao khoa học, kỹ thuật, có định hướng, thị trường tiêu thụ sản phẩm... để giúp hộ dân tạo năng suất, chất lượng sản phẩm, khuyến khích đồng bào định canh, định cư tại chỗ, vừa giúp cho việc phát triển kinh tế bền vững và vừa giữ gìn bản sắc truyền thống dân tộc”, ông Trần Hữu Ninh, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình cho biết.
Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số tại địa phương giảm qua các năm. Chỉ tính riêng từ năm 2021 đến ngày 31/12/2023, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm 16,63% (từ 69,52% xuống 52,89%). Chính sách tín dụng thực sự là một điểm sáng trong giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng trong quá trình thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.
Hải Sâm