Nhiều ngân hàng vào cuộc đua tín dụng xanh
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đưa ra các quy định riêng về TDX, TPX. Điều 149 Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 quy định TDX được xác định là tín dụng được cấp cho dự án đầu tư sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; ứng phó với biến đổi khí hậu; quản lý chất thải; xử lý ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường; phục hồi hệ sinh thái tự nhiên; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; và tạo ra lợi ích khác về môi trường.
Về TPX được quy định tại Điều 150 Luật Bảo vệ Môi trường (BVMT) năm 2020. Theo đó, TPX được xác định là trái phiếu do Chính phủ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp phát hành theo quy định của pháp luật về trái phiếu để huy động vốn cho hoạt động BVMT, dự án đầu tư mang lại lợi ích về môi trường. Nguồn tiền thu được từ phát hành TPX phải được hạch toán, theo dõi theo quy định của pháp luật về trái phiếu và sử dụng cho dự án đầu tư thuộc lĩnh vực BVMT, dự án đầu tư mang lại lợi ích về môi trường bao gồm: cải tạo, nâng cấp công trình BVMT;...
Thị trường TDX đã được thúc đẩy trong những năm vừa qua thông qua các chính sách và biện pháp hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước như hỗ trợ nâng cao năng lực tài chính cho các tổ chức tín dụng thực hiện TDX thông qua đàm phán, ký kết các chương trình, dự án, hỗ trợ kỹ thuật về thích ứng với biến đổi khí hậu như vấn đề môi trường đô thị, bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao chất lượng và an toàn cho sản phẩm nông nghiệp...
Theo nghiên cứu của PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, TS. Hà Huy Ngọc, Viện Kinh tế Việt Nam, các khoản vay TDX chủ yếu được tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp xanh (chiếm khoảng 46%), tiếp đó là lĩnh vực quản lý nước bền vững (chiếm khoảng 13%), gần đây có xu hướng dịch chuyển sang một số lĩnh vực khác như năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Nhiều lĩnh vực quan trọng trong công tác BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu như quản lý chất thải, giao thông và xây dựng bền vững... còn rất hạn chế. Nhiều ngân hàng thương mại đã thực hiện lồng ghép các quy định pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành về rủi ro môi trường trong hoạt động của ngân hàng.
Đến nay, có khoảng 50% tổng số ngân hàng báo cáo đã nghiên cứu xây dựng quy định hướng dẫn đánh giá rủi ro môi trường và xã hội, dư nợ tín dụng đã được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội là 1.312.659 tỷ đồng, chiếm khoảng 14,17% tổng dư nợ toàn nền kinh tế (Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước).
Một số ngân hàng thương mại tại Việt Nam có tỷ trọng TDX cao như: Agribank, BIDV, Sacombank, TPBank, Vietinbank, VPBank, Nam Á Bank, HD Bank.... Phần lớn nguồn tài chính cho TDX của các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng hiện nay dựa vào các chương trình, dự án có nguồn tài trợ quốc tế, điển hình như Cơ quan phát triển Pháp, Quỹ Hợp tác khí hậu toàn cầu, IFC...
Vẫn còn nhiều dư địa cho tín dụng xanh
Theo báo cáo của CBI (2021) về thị trường tài chính bền vững ASEAN (bao gồm trái phiếu xanh và các khoản vay xanh), Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh mẽ và đạt giá trị là 1,5 tỷ USD vào năm 2021, gấp gần 5 lần so với 0,3 tỷ USD vào năm 2020 và duy trì mức tăng trưởng ổn định trong năm thứ ba liên tiếp.
Tính riêng thị trường trái phiếu Việt Nam đã tăng trưởng lên hơn 5 tỷ USD vào năm 2021 với hơn 80% trái phiếu được phát hành là trái phiếu chính phủ. Tương tự như TDX, TPX cũng đến từ các lĩnh vực giao thông và năng lượng là chính.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước thì đến tháng 6/2023, dư nợ cấp TDX mới đạt gần 528.300 tỷ đồng, chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 4,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Theo đại diện BVBank, con số 4,2% có vẻ khiêm tốn nhưng đó là sự nỗ lực, là tín hiệu tốt cho tín dụng xanh trong tương lai.
Theo ông Nguyễn Văn Nguyện, Phó trưởng Phòng tổng hợp Kiểm soát nội bộ Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM, nguyên nhân tỷ trọng của TDX hiện còn thấp là do Việt Nam đang trong giai đoạn đầu của tăng trưởng, phát triển TDX nên nhận thức và hành động chưa được tương xứng như kỳ vọng. Dù vậy, hàng năm, mức TDX vẫn tăng trưởng dương, thậm chí hơn mức tăng trưởng của nền kinh tế.
Ông Trần Hoài Phương, Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp HDBank cho rằng tín dụng xanh không phải chỉ tập trung cho mỗi lĩnh vực năng lượng tái tạo, mà cần phải mở rộng danh mục, theo kiểu "không để trứng vào một giỏ". HDBank mở rộng danh mục khách hàng, chẳng hạn như có thêm khách hàng ở lĩnh vực nông nghiệp, green building (tòa nhà xanh), bất động sản xanh.
Còn TS Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM cho rằng không thể trông chờ hết vào Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ, mà cần các bên khác tham gia, đặc biệt là nguồn vốn từ xã hội hóa. TPX hiện khá mới mẻ ở Việt Nam. Thời gian tới, theo ông, cần giải pháp thúc đẩy thị trường này để thu hút nguồn vốn dân cư trong nước lẫn nhà đầu tư nước ngoài, từ đó thành nguồn vốn trung dài hạn cho dự án đầu tư xanh.