Ngày 20/9, các bác sĩ Mỹ đã ghép tim lợn vào cơ thể một người đàn ông đang nguy kịch nhằm kéo dài sự sống. Đây là bệnh nhân thứ hai trải qua một ca mổ như vậy.
Theo các bác sĩ tại Đại học Y Maryland (Mỹ), cựu binh hải quân 58 tuổi có nguy cơ tử vong cao vì suy tim nhưng các vấn đề sức khỏe khác khiến ông không đủ điều kiện để được ghép tim theo cách truyền thống.
“Ít nhất bây giờ tôi có hy vọng và còn cơ hội. Tôi sẽ chiến đấu tới tận cùng cho từng hơi thở của mình”, Lawrence Faucette, sống ở Frederick, bang Maryland, chia sẻ trước ca phẫu thuật.
Theo New York Post, vài tuần tới là giai đoạn rất quan trọng quyết định khả năng phục hồi của ông Faucette. Dù vậy, các bác sĩ vẫn rất vui mừng trước tín hiệu khả quan ban đầu của ông Faucette sau khi ghép nội tạng lợn.
“Ban biết không, tôi không tin mình có thể nói chuyện với một người có trái tim của lợn”, Tiến sĩ Bartley Griffith, người thực hiện ca cấy ghép, nói với AP. Ông cho biết các bác sĩ đang cảm thấy “một đặc ân lớn lao nhưng rất nhiều áp lực”.
Năm ngoái, các bác sĩ ở Đại học Y Maryland thực hiện ca cấy ghép tim lợn biến đổi gene đầu tiên trên thế giới cho một người đàn ông đang hấp hối khác, David Bennett. Tuy nhiên, người này chỉ sống thêm được hai tháng.
Trên thế giới, có sự thiếu hụt rất lớn các bộ phận cơ thể người được hiến tặng để cấy ghép. Năm ngoái, chỉ có hơn 4.100 ca ghép tim ở Mỹ dành cho những bệnh nhân có cơ hội sống sót cao nhất.
Nỗ lực cấy ghép nội tạng động vật sang người đã thất bại trong nhiều thập kỷ, do hệ miễn dịch của con người ngay lập tức phá hủy các mô lạ. Hiện các nhà khoa học cố gắng sử dụng lợn biến đổi gene để để có sự gần gũi hơn với cơ thể con người.
Để thực hiện nỗ lực cấy ghép khác loài trên một bệnh nhân còn sống, các nhà khoa học ở Maryland phải có sự cho phép đặc biệt của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) dành cho trường hợp khẩn cấp mà không có lựa chọn nào khác.
Họ nộp tài liệu 300 trang và chứng minh rằng đã học được nhiều điều từ ca ghép tim lợn cho người đầu tiên vào năm ngoái.
Bệnh nhân Faucette, người đã nghỉ hưu sau thời gian làm kỹ thuật viên phòng thí nghiệm tại Viện Y tế Quốc gia, hiểu những rủi ro của quy trình này. Vợ của ông, Ann Faucette, cho biết: “Chúng tôi không có kỳ vọng nào ngoài mong muốn có nhiều thời gian bên nhau hơn như ngồi trước hiên nhà và uống cà phê”.
Sau ca cấy ghép năm ngoái, các nhà khoa học phát hiện ra dấu hiệu của một loại virus lợn ẩn náu trong tim. Giờ đây, họ đã có những xét nghiệm tốt hơn để tìm kiếm những loại virus. Họ cũng có một số thay đổi trong sử dụng thuốc.
Ngoài ra, dù ông Faucette bị suy tim giai đoạn cuối và không còn lựa chọn nào khác nhưng vẫn chưa đến mức cận kề cái chết như bệnh nhân trước đó.
Bệnh viện cho biết đến ngày 22/9, trái tim mới của ông Faucette đã hoạt động tốt mà không cần bất kỳ máy móc hỗ trợ nào.
Tiến sĩ Muhammad Mohiuddin, chuyên gia cấy ghép của nhóm Maryland, bày tỏ: “Thật là một cảm giác tuyệt vời khi thấy quả tim lợn hoạt động ở người. Chúng tôi không muốn dự đoán bất cứ điều gì. Chúng tôi sẽ coi mỗi ngày là một chiến thắng và tiến về phía trước”.
Quả tim lợn do một công ty có trụ sở tại Virginia cung cấp, có 10 biến đổi gene, loại bỏ một số gene của lợn và thêm một số gene của người để hệ miễn dịch của chúng ta dễ chấp nhận hơn.