Thông tin trên được lãnh đạo Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM chia sẻ trong chiều 22/5. Tại đây, Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thanh Trí, Trưởng khoa Gan Mật Tụy và Ghép gan, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết từ tháng 10/2022, việc ghép gan tại cơ sở này đã chậm lại. Một số bệnh nhi được gia đình đưa ra Hà Nội để phẫu thuật ghép gan.
Theo Tiến sĩ Trí, mỗi năm bệnh viện có khoảng 30 trẻ nhỏ bị suy gan giai đoạn cuối chờ ghép gan, con số tích lũy đến nay là hơn 70 bệnh nhi. Nếu không được phẫu thuật kịp thời, trung bình mỗi tháng sẽ có 2 trẻ tử vong.
Theo chia sẻ, trước đây, Bệnh viện Nhi đồng 2 có ký kết hợp tác về ghép gan với Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM và kết thúc từ tháng 10/2022. Mặc dù ngưng hợp đồng nhưng trong trường hợp khẩn cấp, Bệnh viện Nhi đồng 2 sẽ có công văn gửi Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM hỗ trợ.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Trí, thời điểm này, ở phía Nam tạm thời không còn trung tâm nào ghép tạng cho trẻ nhỏ.
“Bình thường, nếu không ghép gan ở Bệnh viện Nhi đồng 2, trẻ có thể sang Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM. Thế nhưng vì lý do khách quan nào đó, họ cũng bị gián đoạn. Đây là tình huống không ai tin, không ai dự đoán được”, bác sĩ Trí nói.
Chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM, nhận trách nhiệm về hiện tượng một số phụ huynh đưa con ra Hà Nội để ghép gan, mặc dù bệnh viện không có chủ trương chuyển bệnh nhi sang cơ sở khác.
Giãi bày về nguyên nhân, bác sĩ Thạch cho hay hai phòng mổ dành cho ghép tạng 18 năm qua cũng chính là phòng mổ sọ não và mổ tim. Mỗi lần triển khai một ca ghép tạng, các ca mổ sọ não và mổ tim phải hoãn 1 tuần, trừ trường hợp khẩn cấp.
Trong thời gian chờ mổ sọ não và mổ tim, trẻ cũng có thể gặp biến chứng và tử vong. “Điều này rất khủng khiếp”, bác sĩ Thạch chia sẻ.
Do đó, bệnh viện đã triển khai Đề án thẩm định ghép tạng, trong đó xây dựng thêm 2 phòng mổ đạt chuẩn dành riêng cho phẫu thuật này. Tuy nhiên, chỉ khi đề án được thông qua, phòng mổ mới được sử dụng, việc mổ u não và mổ tim không bị ảnh hưởng.
Cũng theo bác sĩ Thạch, theo quy định, việc lấy tạng ở người lớn để ghép cho trẻ nhỏ phải do bác sĩ của các bệnh viện người lớn, có chứng chỉ hành nghề phù hợp thực hiện. Trước đây, bác sĩ của các bệnh viện đối tác như Chợ Rẫy, Đại học Y Dược TP.HCM, chuyên gia từ Vương quốc Bỉ đảm nhận khâu này.
Bệnh viện Nhi đồng 2 đã cử 3 bác sĩ đi đào tạo ở nước ngoài và có chứng chỉ phù hợp để thực hiện lấy tạng ở cả người lớn và trẻ em. Như vậy, về nhân lực, bệnh viện có thể tự chủ hoàn toàn trong khâu lấy và ghép tạng, không phụ thuộc vào các chuyên gia của bệnh viện người lớn.
Đề án thẩm định ghép tạng đã được trình lên Sở Y tế TP.HCM và đang ở những bước cuối cùng, sau đó trình Bộ Y tế. “Khi đề án được thông qua, chúng tôi sẽ giải được bài toán khó này. Hiện nay, bệnh viện đã hội chẩn cho 3 cặp ghép gan. Dự kiến cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6, khi đề án thông qua, các ca mổ sẽ được tiến hành ở phòng mổ mới với các tiêu chuẩn hiện đại nhất”, bác sĩ Thạch nói.