Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, 5 năm qua khi Công đoàn tham gia Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã kiến nghị tăng lương tối thiểu vùng 25,34%. Đây là mức tăng lương tối thiểu cộng dồn của cả nhiệm kỳ vừa qua (bắt đầu từ tiền lương của năm 2019 đến nay), thể hiện nỗ lực của Công đoàn trong nâng cao đời sống người lao động thông qua thương lượng tiền lương.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, đối thoại, thương lượng về tiền lương là một trong những nội dung đột phá của Công đoàn trong 5 năm qua. Có thể nói thương lượng tiền lương sẽ được tập trung cao nhất, vì đây là mối quan tâm đầu tiên của người lao động.
Để nâng cao hiệu quả trong việc thương lượng tiền lương cho người lao động, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết, Công đoàn sẽ tập trung nhiều giải pháp, trước hết là tập trung đào tạo, nâng cao kỹ năng, kiến thức cho cán bộ công đoàn các cấp, đặc biệt là cán bộ công đoàn cơ sở về vấn đề tiền lương, kỹ năng đàm phán thương lượng.
Theo đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cùng với việc đề xuất tăng lương tối thiểu hằng năm, Công đoàn cũng tiếp tục quan tâm nghiên cứu sửa đổi cơ chế tiền lương tối thiểu vùng.
Ông Hiểu nêu thực tế, hiện nay nhiều địa phương vùng xa nhưng đã có điều kiện kinh tế phát triển, một số huyện, thị xã, TP có giá cả chi phí đắt đỏ nên cần phải nâng mức lương vùng cho phù hợp.
Tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 thế nào?
Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho hay, do hình kinh tế - xã hội có nhiều thay đổi và các doanh nghiệp vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nên mức đề xuất tăng lương tối thiểu cho năm 2024 hiện nay vẫn chưa được các bên tiết lộ.
Tuy nhiên, sẽ tính toán việc tăng lương tối thiểu vùng để đưa ra một mức đề xuất tăng phù hợp, đảm bảo khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Sau một thời gian trì hoãn họp thương lượng tiền lương tối thiểu vùng, phiên họp lần 2 của Hội đồng Tiền lương Quốc gia dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 12 này.
Tháng 8 vừa qua, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã họp bàn phiên đầu tiên về lương tối thiểu vùng, lúc đó Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có đề xuất mức tăng 5 – 6%.
Tuy nhiên, theo ông Hiểu, hiện tại nếu đề xuất chắc chắn mức tăng sẽ có sự thay đổi. Việc đề xuất mức tăng sẽ căn cứ tình hình kinh tế - xã hội, "sức khỏe" của doanh nghiệp và mong muốn của người lao động. Công đoàn sẽ tiếp tục khảo sát, đánh giá kỹ hơn bức tranh kinh tế - xã hội để đưa ra một mức đề xuất cho phù hợp.
Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách, pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết thêm, với tình hình hiện nay, lương tối thiểu khó có thể tăng vào đầu năm 2024, bởi vì, theo quy định xây dựng văn bản pháp luật, sau khi Hội đồng Tiền lương Quốc gia “chốt” được mức đề xuất, các bên phải xây dựng nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, trình Chính phủ xem xét rồi mới ban hành.