Ở đâu đó, trong một cuộc họp nói về trải nghiệm người dùng. Bỗng có người phát biểu: "Bây giờ cho user đăng bình luận trực tiếp trên chương trình mà họ ưa thích. Sau đó, ta cuộn những bình luận đó để che kín màn hình, giống như tấm rèm cửa tạo nên từ việc lạm dụng ngôn ngữ một cách nhiệt tình..."

Và, tất cả cười ồ lên, có gã còn buột mồm: "Ai bỏ tiền làm cái trò đấy bao giờ!"

Nhưng mà nhìn đây này, có thật đấy:

Chương trình thời sự của Trung Quốc bị hack chăng?

Cứ cho đây là karaoke đi, chắc là đọc rap kiểu xoắn lưỡi

Anime hay video bị ma ám?

Cái gì thế này? Chỉ có băng NES tiếp xúc kém mới cho ra cảnh tượng tương tự trên màn hình

Không những có thật, mà đây còn là tính năng được yêu thích trên nhiều nền tảng video ở Trung Quốc. Đó, là cuộc hội thoại giữa hàng trăm người dùng, phủ kín video player trong khi đang phát. Càng mù mịt bởi những bình luận, nền tảng đó càng thành công...

Nó được gọi là Đạn Mạc (mưa bình luận dội lên màn hình như đạn bay khi đánh trận) và là tính năng hot nhất trên UI của nhiều nền tảng stream.

Gần như không có thuật ngữ tiếng Anh nào thật sát để miêu tổ Đạn Mạc, nó từng được gọi là "Barrage Video" trong một nghiên cứu về Internet của Đại học Cát Lâm vào năm 2016. Thường thì, bạn có chủ động vào nền tảng stream để "chơi chat"? Có lẽ là không, và Đạn Mạc đã hoàn toàn lấn át tính năng chính của nền tảng video.

Cây viết Kendra của The Next Web cho hay, Đạn Mạc cho cảm giác lo âu cực độ tương tự như pop-up phim khiêu dâm hiện ra khi bạn đang bật max loa. Sau đó là cuống cuồng tìm chỗ tắt, có khi còn đập cả bàn phím.

Kendra chỉ là một trong vô số những người cảm thấy ghê sợ tính năng này. Dù có nút tắt, tìm ra rồi bấm vào là được.

Ở Trung Quốc không thiếu những nền tảng thay thế Youtube - như Youku, Tudou, iQiyi, Sohu TV... và chúng đang tập trung mạnh vào Đạn Mạc, đôi khi còn mặc định để bật mỗi khi click vào video.

Người dùng có thể bật tắt Danmu, tuy nhiên nhiều nền tảng còn "bật hộ" luôn từ đầu

Thậm chí, trong phần cài đặt Đạn Mạc, bạn có thể chỉnh màu, cỡ chữ, vị trí và hướng di chuyển của những cơn mưa bình luận.

Tính năng quái dị này bắt nguồn từ đâu?

Từ... Nhật Bản, những thứ như vậy chỉ có thể từ Nhật Bản mà ra thôi. Nó đến từ văn hóa Otaku, Đạn Mạc lần đầu đến thị trường Trung Quốc thông qua fansite anime như AcFun và Bilibili... Và từ đó, nó len lỏi khắp "vũ trụ" video của quốc gia tỉ dân.

Khái niệm này không phải làm cho vui, vô thưởng vô phạt.

Để tăng cường trải nghiệm của khán giả, những người đi đầu trong làng truyền hình xếp chữ 20 năm về trước ở châu Á đã nghĩ ra thứ tương tự. Phần để thêm sinh động, phần nữa giúp khán giả phương Tây có thể trải nghiệm một chương trình TV dưới nhiều góc độ khác nhau.

Thuở xưa, những sitcoms hay talkshow giải trí của Nhật, Hàn... Luôn có thêm chữ nghĩa viết tay, ngộ nghĩnh hiện lên màn hình cùng lời nói của nhân vật. Tóm lại, nó vừa thực tế vừa có yếu tố như truyện tranh.

Về mặt nội dung, văn hóa Đạn Mạc là một biểu hiện khác của egao, khái niệm khá mơ hồ:"Thể hiện sự hài hước châm biến trên Internet, từ chính nội dung mà người dùng tạo ra."

Phản ứng của người dùng Trung Quốc

Vài tuần trước, Saber Zou, bộ óc sáng tạo đứng sau studio Co-Designer trả lời câu hỏi về Đạn Mạc.

"Nó cực vui đúng không? Tôi thích nó."

Saber không quan tâm bạn có thấy Đạn Mạc ngớ ngẩn hay không, 20% trong số tất cả dự án sắp tới của anh chàng đều xoay quanh tính năng này. Saber cho hay, điều làm cho Đạn Mạc tuyệt vời, chính là cảm giác cộng đồng. Hầu hết người dùng thuộc thế hệ cuối 8x, đầu 9x đều có cảm giác như vậy.

Tương tự việc ta xem TV cùng những người bạn vui tính nhất. Nếu người dùng phối hợp ăn ý với nhau, màn Đạn Mạc trên màn hình khéo còn thú vị hơn cả chương trình đang phát.

Trên Zhihu, Quora của Trung Quốc có câu hỏi: "Mọi người có thấy Đạn Mạc là trải nghiệm chống lại con người không?"

Đáng ngạc nhiên, phần lớn câu trả lời đều rất tích cực.

"Đạn Mạc hay đấy chứ, sẽ yên tâm hơn khi xem phim kinh dị."

"Ban đầu tôi thấy không quen. Nhưng sau một thời gian thì không thể ngừng xem chúng. Tuy nhiên phải xem trên trang nào làm tươm tất cơ."

"Pfff, không! Có cả tá những gã vui tính biết bày trò ăn theo chương trình, như vậy không phải tốt hơn sao? Thật cô đơn khi bật máy tính lên và xem một mình (ಥ_ಥ)"

Những người Trung Quốc cô đơn

Đầu tháng 5 năm nay, Tantan (Tinder của Trung Quốc) đã hợp tác với Netease News để làm khảo sát về "sự cô đơn của thanh niên chưa lập gia đình ở Trung Quốc". Kết quả cho thấy bức tranh về một thế hệ sống trong sự đô thị hóa tương đối ổn định nhưng có xu hướng xa rời cảm xúc.

Vài con số tích cực:

- 43% kiếm ra từ 5000 - 10.000 tệ/tháng (khoảng 17 - 33 triệu đồng) - không quá nhiều, nhưng đủ chi trả các loại hóa đơn cơ bản mỗi tháng.

- Người trẻ hầu hết làm trong ngành IT, tài chính, truyền thông, y dược hoặc hành chính công.

- 46% nhấc mông ra khỏi giường trước 10h dù là ngày nghỉ.

- 78% thường xuyên ăn sáng...

Nhưng:

- 76% làm chuyện đó chỉ 1 lần mỗi 6 tháng hoặc ít hơn, 45% cả năm được làm mỗi cái, thậm chí không làm gì.

- Họ không quan tâm lắm đến sex: Chỉ 1% cho biết sex là mối quan tâm lớn trong cuộc sống.

- 82% cảm thấy lo lắng về tương lai

- Chỉ 19% thanh niên có thú cưng (ở Mỹ là 35,2%).

- 68% người tham gia khảo sát cảm thấy cô đơn chết đi được ít nhất 1 lần/tuần. Coder chính là nghề cô đơn nhất.

Bản thân những con số kể trên khá thú vị. Tuy nhiên, đem so với khảo sát tương tự của Match.com thực hiện với thanh niên phương Tây thì: Thanh niên Trung Quốc cô đơn hơn 11%, khá nghiêm trọng.

Kết

Chúng ta vừa lý giải sự phổ biến của tính năng Đạn Mạc. Đó còn là cách giao tiếp giữa streamer và người xem. Thậm chí, từng có ý tưởng về rạp chiếu phim kiểu Đạn Mạc... Kỳ lạ, nhưng bên ngoài firewall là những thứ bạn không thể đánh giá khách quan khi mới nhìn vào. Cần phải dạo quanh "hệ sinh thái" hỗ trợ cho nó mới thấu hiểu được.

Theo GenK