Điều kiện hưởng tiếp phụ cấp thâm niên nhà giáo khi chuyển công tác
Bà Nguyễn Thị Thu Hà (Hà Nam) là Phó Hiệu trưởng một trường tiểu học, hưởng lương giáo viên tiểu học hạng III, mã ngạch V.07.03.29, hưởng phụ cấp thâm niên 27% kể từ tháng 9/2021.
Tháng 3/2022, bà Hà chuyển sang làm giảng viên chuyên trách tại trung tâm chính trị thành phố. Bà Hà thắc mắc liệu có được tiếp tục hưởng phụ cấp thâm niên khi chuyển công tác hay không?
Về vấn đề này, Bộ GD-ĐT cho hay, chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 77/2021/NĐ-CP ngày 1/8/2021 của Chính phủ.
Theo đó, đối tượng áp dụng là nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập và các học viện, trường, trung tâm làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.
Như vậy, bà Nguyễn Thị Thu Hà là giảng viên đang giảng dạy tại trung tâm chính trị thành phố thuộc đối tượng tính hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo.
Tính phụ cấp thâm niên nhà giáo có gồm thời gian làm ngành khác?
Ông Phạm Trung Kiên (Hà Giang) được tuyển dụng vào ngành giáo dục từ tháng 10/1989. Tháng 5/2010, ông được điều động làm phó bí thư, rồi bí thư Đảng ủy xã và được bổ nhiệm chính trị viên phó, chính trị viên ban chỉ huy quân sự xã, hưởng 7% phụ cấp thâm niên.
Tháng 5/2017, ông Kiên trở lại ngành giáo dục, được bổ nhiệm ngạch mã số V.07.03.07, hưởng 5% phụ cấp thâm niên nhà giáo.
Ông Kiên thắc mắc liệu có được cộng dồn 7% thâm niên chính trị viên để tính hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo.
Về vấn đề này, Bộ GD-ĐT cho hay, chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 77/2021/NĐ-CP ngày 1/8/2021 của Chính phủ.
Theo đó, thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo gồm: Thời gian làm việc được xếp lương theo một trong các ngạch hoặc chức danh của các chuyên ngành hải quan, tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm, dự trữ quốc gia, kiểm tra đảng; thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên trong quân đội, công an, cơ yếu và thời gian làm việc được tính hưởng thâm niên ở ngành, nghề khác (nếu có).
Như vậy, theo Bộ GD-ĐT, thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo của ông Kiên bao gồm cả thời gian được bổ nhiệm làm chính trị viên ban chỉ huy quân sự xã.
Phải chuyển chức danh nghề nghiệp khi chuyển dạy cấp học khác
Ông Trần Đăng Khoa (Phú Thọ) được tuyển dụng năm 2007, xếp mã ngạch 15c.208, giáo viên tiểu học với bằng trung cấp. Năm 2010, ông có quyết định của UBND huyện điều động lên giảng dạy tại trường THCS và đã có bằng tốt nghiệp đại học năm 2012.
Từ năm 2010 đến nay, ông Khoa hưởng lương trung cấp, mã ngạch 15c.208. Ông Khoa thắc mắc cần làm thủ tục gì để chuyển sang mã ngạch giáo viên THCS.
Về vấn đề này, Bộ GD-ĐT cho hay, kể từ ngày 3/11/2015, giáo viên tiểu học được chuyển từ ngạch viên chức sang hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định tại Thông tư liên tịch số 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV của Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ về việc quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học công lập.
Kể từ ngày 20/3/2021, việc bổ nhiệm xếp lương giáo viên tiểu học theo quy định tại Thông tư số 02/2021/TT-BGDĐT về tiêu chuẩn bổ nhiệm, xếp lương giáo viên tiểu học; bổ nhiệm xếp lương giáo viên THCS theo quy định tại Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT về tiêu chuẩn bổ nhiệm, xếp lương giáo viên THCS.
Theo quy định, tuyển dụng viên chức để giảng dạy cấp học nào thì bổ nhiệm, xếp lương theo quy định của cấp học đó. Trường hợp chuyển vị trí công tác sang cấp học khác thì phải chuyển chức danh nghề nghiệp.
Bộ GD-ĐT cho hay, theo thông tin ông Khoa cung cấp, hiện ông đang xếp ngạch viên chức mã ngạch 15c.208 (chưa chuyển sang hạng chức danh nghề nghiệp). Do đó, ông cần báo cáo với hiệu trưởng trường nơi đang công tác để được hướng dẫn chuyển hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định.