Âm thầm tìm đến tận nhà
Ông Ngô Quang Chí (76 tuổi, TP.HCM) và bà Bùi Thị Xuân Dung (77 tuổi) kết hôn gần 50 năm, có với nhau 5 người con.
Đến với chương trình Tình trăm năm, ông bà hóm hỉnh kể lại hành trình gắn bó đủ đầy ngọt bùi cay đắng.
Quê của ông Chí ở Gia Lâm, Hà Nội. Ông di cư vào miền Nam và gặp bà Dung ở TP.HCM.
Ông gặp bà lần đầu ở bến Bạch Đằng, quận 1, TP.HCM. Lúc đó, bà đang đi chơi cùng nhóm bạn nữ.
Vừa gặp bà, ông trúng tiếng sét ái tình nên lẽo đẽo theo bà từ bến Bạch Đằng về đến quận Phú Nhuận.
“Tôi thấy bà dễ thương, hiền lành, cho nên chấm bà ngay lập tức. Bà là dân quê, ở Huế vào thành phố làm giúp việc cho người ta. Bà mộc mạc lắm, không như những cô gái thành thị khác”, ông Chí kể.
Đến chỗ bà Dung đang làm việc, ông Chí cứ chần chừ đứng ở đầu ngõ, không dám vào nhà.
Chiều tối, ông thường trốn đơn vị ra ngoài đi thăm bà.
Bà Dung biết ông Chí canh trước cửa nhà nhưng không ra gặp mặt. Bởi lúc này, bà vẫn chưa thích ông.
Cứ như vậy, ông trồng cây si trước chỗ bà làm được gần nửa tháng. Và rồi, ông quyết định hẹn bà đi chơi.
Trong buổi đầu hẹn hò, ông tỏ tình, nắm tay và hôn bà chớp nhoáng. Sau đó, bà Dung dẫn ông về ra mắt gia đình ở Huế. Được mẹ vợ chấp thuận, ông Chí tổ chức lễ cưới đơn giản ở cơ quan.
Giữ đúng lời hứa “đầu bạc răng long”
Cưới nhau xong, ông bà mua nhà ở một khu dân cư khá nghèo nàn. Mỗi ngày, ông chở bà đi lấy cá biển về bán. Ngoài bán cá, ông bà còn nuôi thêm lợn.
Thời điểm này, cuộc sống của ông bà vất vả nhưng tương đối ổn định hơn hiện tại.
Hôn nhân cũng có lúc lục đục nhưng sau cơn mưa trời lại sáng. Ông luôn là người làm hòa trước.
Chị Ngô Thị Xuân Hương, con gái của vợ chồng ông Chí kể: “Tôi chứng kiến cuộc sống khó khăn của ba mẹ. Lúc mấy mẹ con đi vùng kinh tế mới, nhà không có cơm ăn, toàn phải độn bo bo với khoai mì ăn đỡ đói.
Một lon gạo phải trộn cả rổ khoai, mà có khi không có khoai phải ăn lá khoai mì.
Ba không đi cùng mấy mẹ con mà ở thành phố chạy xích lô. Đến khi xích lô ế, ba chuyển qua chạy honda ôm”.
Cách đây khoảng 2 năm, bà Dung theo chồng đi bán hàng rong ở phố đi bộ Nguyễn Huệ thì bị trượt té, rồi tai biến phải nằm viện.
Suốt thời gian bà điều trị, ông ở nhà nhớ nhung khôn nguôi. Vì vậy, ông lén con cái chạy xe máy tìm đến bệnh viện thăm bà. Lần đó, ông đi lạc, mãi mới tìm được đường về nhà.
Từ ngày bà bị tai biến, chân yếu hẳn nên không còn theo ông đi bán. Một mình, ông vẫn siêng năng, đi bán đều đặn.
Ông Chí nói: “Ngày nào bán có tiền, tôi phụ tiền cơm với con gái. Có hôm được người ta cho thêm, nhưng nhiều lúc không bán được đồng nào”.
Ông lấy đồ chơi trẻ em ở Chợ Lớn (quận 5) và tự đi bán ở phố đi bộ Nguyễn Huệ. Dù lớn tuổi, ông vẫn minh mẫn, ham làm.
Mỗi ngày, chị Hương thường thức dậy thật sớm lo cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, tắm rửa cho mẹ.
Khi con gái đi làm, ông thay con gái ra vào thủ thỉ cho bà đỡ buồn. Ông thường cằn nhằn, kêu bà ngồi yên một chỗ. Ông sợ bà đi bị té thì không đỡ kịp.
Kết hôn gần 50 năm, ông Chí khẳng định bản thân giữ đúng lời hứa thương bà đến đầu bạc răng long, còn bà Dung thì lại quan tâm chồng theo cách khác.
Mỗi đêm, ông đi bán từ 17h đến khoảng 22h mới về nhà. Bà thường đi ra đi vào, hỏi chị Hương: “Sao giờ này ba mày chưa về?”.
Đến khi thấy ông về nhà an toàn, bà mới yên tâm đi ngủ.