Hôn nhân không tình yêu
46 năm trước, khi còn là cô gái tuổi 20 nổi tiếng xinh đẹp, bà Phạm Thị Sáu (66 tuổi) được gia đình làm mối cho ông Trần Văn Sơn. Lúc đó, ông Sơn là người thứ 9 đến xem mắt bà Sáu.
Ngay lần gặp đầu tiên, ông Sơn đã bị vẻ đẹp của bà Sáu mê hoặc. Ngược lại, bà Sáu gần như không có ấn tượng gì về ông. Thậm chí, trong lần xem mặt ấy, bà còn chưa có dịp nhìn rõ người đàn ông sẽ là chồng mình trong tương lai.
Tuy nhiên, vì quan niệm “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, bà chấp nhận cưới ông Sơn sau lần xem mặt duy nhất ấy. Sau đêm động phòng, đôi vợ chồng trẻ lại chia xa. Ông Sơn đi xa chăn vịt, bà Sáu ở lại lo cơm nước, phục vụ cha mẹ chồng.
Tại chương trình Tình trăm năm, bà Sáu kể: “Hồi xưa, nhà chồng tôi rộng lắm. Sáng dậy, tôi phải quét nhà, đi chợ nấu cơm rồi pha trà cho cha chồng, têm trầu cho mẹ…
Buồn, nhớ chồng, tôi xin cha mẹ đi thăm nhưng không được đồng ý. Mỗi lúc buồn, tôi chỉ biết ra chuồng heo nói chuyện một mình. Sau cưới 3 năm, chúng tôi mới được sống chung. Lúc đó, tôi vẫn phải làm dâu và sống rất khổ. Ông ấy phải đi soi còng, đóng đáy, chăn vịt để mưu sinh”.
Thế rồi giữa lúc khốn khó trăm bề, bà Sáu có thai. Sinh con đầu lòng, bà phải trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Lần thứ hai mang thai, bà Sáu không được chồng bên cạnh chăm sóc. Thậm chí đến ngày sinh nở, ông Sơn cũng không thể đưa vợ đi sinh và đứa bé đã không kịp chào đời.
Bà Sáu nhớ lại: “Tôi đi bán cá thì thấy đau bụng, được bà mụ đưa đến bệnh viện. Tuy nhiên, khi đến nơi, đứa con trong bụng đã không còn".
“Tôi phải mổ lấy con ra. Phải mổ đến 2 ngày nhưng tôi cũng chỉ có một mình. Suốt thời gian đó, tôi không có chồng bên cạnh. Nói chung tôi sinh con chưa được chồng chăm sóc ngày nào”.
Dẫu vậy, bà Sáu không hờn trách chồng. Bà biết chồng thương mình nhưng vì cha mẹ nên không thể thể hiện tình cảm. Bà chấp nhận và cho rằng “phận làm dâu dẫu khổ mấy cũng phải chịu”.
Cắn răng nhìn chồng theo kẻ thứ ba
Những năm sau đó, vợ chồng bà Sáu tiếp tục sống xa nhau khi mỗi người mỗi ngả để buôn bán, mưu sinh. Ông Sơn buôn bán ở Đồng Tháp còn bà một mình ngược xuôi các chợ ở Vĩnh Long, Bến Tre, Vũng Tàu... để có tiền lo cho gia đình.
Mê mải theo cuộc mưu sinh, mỗi năm vợ chồng ông Sơn chỉ gặp nhau đôi lần. Cũng trong thời gian này, bà Sáu đau đớn phát hiện chồng có người khác.
Bà kể: “Từ lúc cưới ông ấy, tôi chưa bao giờ có một đồng trong tay. Đi buôn bán, có bao nhiêu tiền, tôi cũng đưa hết cho ông rồi ông ấy cho lại bao nhiêu thì cho. Vậy mà ông ấy quen người khác, một cô gái trẻ hơn ông rất nhiều.
Cả hai quen biết rồi sống với nhau. Biết việc, tôi ghen lắm nhưng ghen một cách khôn ngoan. Có lần, tôi không cho ông ấy đến gặp tình nhân. Cô này biết chuyện, từ Đồng Tháp lên TP.HCM tìm tôi kiếm chuyện. Tuy vậy, tôi tin ông ấy sẽ có lựa chọn đúng đắn nên không đánh ghen, làm xấu mặt nhau”.
Suốt thời gian ấy, bà Sáu dùng tình yêu và sự tin tưởng của mình để níu giữ hạnh phúc. Bà hiểu và tin chồng sẽ quay về sau phút giây yếu lòng trước cô gái trẻ. Thế nên bà không đánh ghen mà lặng lẽ chăm sóc gia đình, gửi hết tiền buôn bán được cho ông.
Cuối cùng, cách giữ gìn hạnh phúc ấy đã giúp bà có được tình yêu yêu tuyệt đối từ chồng. Sau khoảng thời gian ngắn ngủi chạy theo người tình trẻ, ông Sơn càng thấy thương và có trách nhiệm hơn với vợ.
Ông quay về, yêu thương bà Sáu hết mực. Từ đó đến nay, bà Sáu sống trong cuộc hôn nhân viên mãn, con cái thành đạt.
Cuối chương trình, ông Sơn gửi đến vợ bức thư với những lời tự đáy lòng. Trong thư, ông nói lên tình cảm của mình dành cho vợ cùng mong ước bà Sáu luôn khỏe mạnh để sống cùng ông và con cháu.
“Bây giờ, ông ấy thương tôi lắm. Tôi vẫn nói với các con rằng, nếu tôi ra đi trước, ông ấy cũng sẽ không chịu nổi mà đi theo. Bao nhiêu năm qua, chúng tôi sống với nhau, hiểu nhau từng chút một nên thương yêu nhau vô cùng”, bà Sáu chia sẻ.