Không tình yêu
Ở tuổi 72, ngày ngày, ông Đào Minh Hưng (đảo Thiềng Liềng, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.HCM) vẫn chèo ghe ra sông giăng lưới. Thả lưới xong, ông lại về nhà để tự tay chăm sóc bà Nguyễn Thị Hồng Thu (69 tuổi), người vợ của ông. Bà mang bạo bệnh không thể tự lo cho mình.
Ông Hưng đã chăm sóc bà Thu suốt 12 năm qua. Vợ bệnh nặng, mỗi ngày, ông tự tay tắm rửa, giặt quần áo cho bà. Chỉ có hai vợ chồng nên ông cũng nấu cơm cho bà ăn, lấy thuốc cho bà uống.
Sự tận tình của ông khiến nhiều người ngưỡng mộ, lầm tưởng cuộc hôn nhân hạnh phúc của cả hai xuất phát từ tình yêu cháy bỏng, nồng nàn thời son trẻ. Ít ai biết rằng, thời thanh niên, cả hai trở thành vợ chồng qua mai mối.
Năm 19 tuổi, bà Thu được gia đình làm mai cho ông Hưng. Trước đó, cả hai chưa một lần gặp mặt, quen biết. Ngày ông Hưng được người mai mối dẫn đến nhà xem mắt, bà Thu vẫn đang nhổ cỏ, cấy lúa ngoài đồng.
Lần ấy, ông Hưng chưa được gặp gỡ, trò chuyện với cô gái sẽ trở thành vợ mình. Dẫu vậy, sau ít tháng tính từ ngày làm mai, ông bà được gia đình tổ chức đám cưới.
Cưới cô gái chưa từng quen biết, ông Hưng vốn đã nhút nhát lại càng e thẹn. Ông không dám nắm tay vợ trong ngày cưới. Thậm chí, đêm về, dù ngủ chung giường ông cũng không dám quay mặt về phía bà.
Bà Thu cũng có tâm lý sợ hãi. Dù đã trở thành vợ ông Hưng, bà vẫn có cảm giác ông là người xa lạ. Về nhà chồng, bà vẫn giữ khoảng cách với ông.
Trong chương trình Tình trăm năm tập 193, bà kể: “Chúng tôi lấy nhau không trải qua tình yêu nên chưa có tình cảm. Cưới nhau về, đến nắm tay thôi, chúng tôi cũng không dám.
Đêm về, chúng tôi ngủ chung giường nhưng vẫn ngủ theo kiểu tôi nằm một bên, ông ấy nằm một bên. Cả hai quay lưng vào nhau và không dám nhúc nhích”.
Sau hơn một tháng sống chung, khi đã quen mặt, ông bà mới dần cởi mở, nói chuyện với nhau như vợ chồng. Dẫu vậy, cả hai vẫn chưa hề biết yêu hay có những cảm tình, rung động dành cho nhau.
Mãi cho đến khi có đứa con đầu lòng và phải đi xa làm công nhân liên tục, ông Hưng mới có cảm giác nhớ người phụ nữ đêm đêm nằm chung giường với mình. Tuy nhiên, nỗi nhớ ấy không có sự khắc khoải, da diết của một người đang yêu.
Bà Thu khi ấy cũng chưa hề có tình cảm đặc biệt với chồng. Thế nên, mặc cho ông Hưng đi biền biệt, bà vẫn không ghen tuông hay lo lắng việc sẽ mất chồng vào tay người phụ nữ khác. Ở nhà, bà đầu tắt mặt tối với ruộng vườn và chăm con nhỏ.
Tự ví mình là "ô sin" của nhau
Dù không có tình yêu, ông bà vẫn có được cuộc hôn nhân bền chặt, hạnh phúc. Ông Hưng dù đi làm xa nhưng lòng vẫn hướng về vợ con, gia đình.
Ông chia sẻ: “Là vợ chồng, chúng tôi thương nhau. Nhưng nếu nói thương nhau theo kiểu tình yêu đôi lứa thì không có. Đi làm xa, tôi có nhớ vợ con gia đình, nhưng khi về, tôi chỉ ôm, nựng con thôi chứ chưa bao giờ biết ôm, hôn vợ.
Dẫu vậy, khi thấy bà ấy bưng bê, làm việc nặng hay nhiều việc quá thì tôi đến giúp, làm thay. Như vậy cũng là tình yêu thương. Nhưng cũng chỉ dừng lại ở đó thôi, chứ không phải kiểu tình yêu sâu đậm, lãng mạn như lớp trẻ bây giờ”.
Sau khi có với nhau 4 người con, ông bà nhận thấy công việc, cuộc sống ở quê Bình Định không thể nuôi nổi gia đình. Cả hai quyết định dắt díu nhau vào miền Nam, đến đảo Thiềng Liềng lập nghiệp.
Tại đây, ông bà có thêm người con út. Tưởng chừng cuộc sống vợ chồng cứ thế êm đềm trôi qua, nào ngờ 12 năm trước, bà Thu bất ngờ đột quỵ. Sau lần gặp bạo bệnh, sức khỏe của bà lao dốc, không thể tự chăm sóc bản thân.
Từ ngày vợ bệnh, ông Hưng không chỉ nặng gánh mưu sinh mà còn phải dành thời gian chăm sóc vợ tận tình, chu đáo. Ông cũng thay đổi tính cách, trở nên mềm mỏng, nhẹ nhàng hơn với vợ.
Trước đó, ông nổi tiếng là người nóng tính. Mỗi lần vợ chồng có mâu thuẫn, bà Thu thường phải nhường nhịn để cuộc sống vợ chồng yên ấm. Thế nhưng khi đổ bệnh, tâm tính bà thay đổi, thường xuyên làm điều trái ý chồng.
Tuy vậy, ông Hưng không nổi giận mà nhẹ nhàng chiều ý vợ. Ông tình nguyện chăm sóc bà một cách chu đáo nhất có thể.
Ông tâm sự: “Lúc bà ấy chưa bị bệnh, hầu như vợ chồng tôi không cãi nhau. Khi bà ấy bệnh, dường như tâm tính thay đổi, hay làm những điều ngang ngược, khó chịu. Tuy nhiên, tôi không giận.
Tôi nghĩ, trước đây bà ấy làm “ô sin” cho tôi khi một mình chăm đàn con, lo cơm nước, quản lý ruộng vườn, nhà cửa... Bây giờ, bà ấy bệnh, tôi nguyện làm "ô sin" lại.
Hơn thế, tôi luôn tâm niệm rằng mình chẳng những có vợ mà còn có các con nữa. Nếu mình làm điều gì đó có lỗi với vợ thì con sẽ buồn”.
Trước khi kết thúc chương trình, bà Thu chia sẻ ông Hưng là người chồng tốt. Tuy nhiên, bà cũng mong muốn suốt phần đời còn lại, ông đừng làm điều gì đó gây tổn thương đến các con.
“Bây giờ, tôi chỉ mong suốt phần đời còn lại, ông ấy không làm gì để các con phải buồn, tổn thương. Tôi cũng mong chúng tôi không đau bệnh, để các con không phải lo nghĩ và tập trung lo cho cuộc sống riêng của mình”, bà chia sẻ.