Chọn người đầu tiên
Ông Nguyễn Đắc Thực (hiện 70 tuổi, TP.HCM) đi bộ đội từ năm 1972. Đến năm 1979, ông được điều chuyển về đơn vị tại Hải Phòng. Tại đây, ông nhận nhiệm vụ lái xe cho thủ trưởng.
Cùng năm đó, bà Nguyễn Thị Minh Phương (hiện 61 tuổi) được bổ sung vào đơn vị của ông Thực. Là lính thông tin, bà Phương được cấp trên cho đi cùng trong các chuyến công tác, tiếp khách, gặp gỡ đơn vị bạn.
Trong những chuyến đi này, ông bà nhiều lần gặp gỡ, trò chuyện với nhau. Dẫu vậy, cả hai chỉ xem nhau như đồng đội và giữ vững tình đồng chí. Hai năm sau, ông Thực mới dần có cảm tình với cô lính thông tin cùng đơn vị.
Một lần, ông mạnh dạn mời cô lính trẻ ra quán cà phê gần đơn vị uống nước. Tại đây, ông bày tỏ tình cảm, ngỏ lời yêu với cô gái mình thầm để ý.
Tại chương trình Tình trăm năm tập 195, bà Phương kể: “Hôm đó, ông ấy nói với tôi: 'Chúng ta là anh em, đồng chí với nhau 2 năm rồi. Bây giờ, anh muốn đến với em có được không? Em có đồng ý không?'.
Tôi thấy ông ấy đứng tuổi, chững chạc, hiền lành nhưng cũng không dám trả lời ngay. Từ đó, chúng tôi hay ra quán cà phê này tâm sự. Hai năm sau, tình cảm lớn dần, chúng tôi chính thức yêu nhau”.
Tuy nhiên, khi tình yêu thăng hoa, ông Thực bất ngờ vấp phải sự phản đối của gia đình. Bố mẹ không đồng ý cho ông yêu thương bà Phương. Lý do được đưa ra là gia đình ông nghèo. Ông Thực còn là con trai trưởng, cần gánh vác trách nhiệm chăm lo cho bố mẹ và các em.
Trong khi đó, bà Phương lúc ấy còn quá trẻ lại ít đụng tay đến việc đồng áng. Bố mẹ ông Thực sợ khi về quê chồng, bà Phương không biết làm ăn.
Vấp phải sự ngăn cản của gia đình, ông Thực vẫn kiên trì theo đuổi cô gái mình đã chọn. Ông cố gắng thuyết phục, chia sẻ thẳng thắn với bà Phương về những khó khăn của bản thân, mong bà hiểu và cùng mình xây dựng hạnh phúc.
Lúc này, bà Phương được nhiều sĩ quan trẻ, tài năng để ý, theo đuổi. Dẫu vậy, bà vẫn quyết định chọn ông Thực, bởi ông là người đầu tiên ngỏ lời yêu với mình.
Bà kể: “Lúc đó, tôi thấy ông ấy đứng tuổi nhưng ăn nói, đi đứng, tác phong chuẩn mực. Vì vậy, tôi có niềm tin là mình có thể gửi gắm cuộc đời.
Hơn thế, ngày xưa uy tín là điều được nghĩ đến đầu tiên. Ông ấy là người ngỏ lời đầu tiên, đến với tôi đầu tiên nên sau này, những người khác đến hỏi, tôi cũng nói là đã có người yêu rồi”.
Hạnh phúc trọn vẹn
Sau 4 năm quen biết, yêu thương, ông Thực, bà Phương được gia đình chấp nhận, tổ chức đám cưới. Thời buổi khó khăn, ngày thành hôn, ông bà chỉ có ít trầu cau, vài cân bánh kẹo cùng dăm bao thuốc lá đãi người thân, bạn bè, đồng nghiệp đến chung vui.
Là cô dâu, chú rể nhưng ông bà chỉ mặc bộ quân phục, không có hoa, áo cưới. Cưới xong, bà Phương xuất ngũ rồi trở thành công nhân tại xưởng dệt ở Nam Định. Ông Thực ở lại đơn vị tại Hải Phòng làm việc. Thế nên, dù mới cưới, cả hai lại mỗi người một ngả.
“Để thỏa nỗi nhớ mong, chúng tôi liên lạc với nhau bằng thư tay. Mỗi năm, chúng tôi chỉ được gặp nhau trong những lần ông ấy về phép. Mỗi lần ông ấy về, chúng tôi lại có thêm một người con”, bà Phương dí dỏm chia sẻ.
Suốt thời gian trong quân ngũ, ông Thực cố gắng làm việc, tích góp tiền lương để gửi cho vợ nuôi con. Trong khi đó, bà Phương ở nhà đầu tắt mặt tối với công việc, chăm con nhỏ.
Bà vất vả cho đến khi ông Thực nghỉ hưu. Tuy nhiên, vừa đoàn tụ không lâu, ông Thực bất ngờ rời quê vào TP.HCM với ý định xây dựng cuộc sống mới.
Sau 1 năm tìm hiểu, ông quyết định chuyển vợ con vào TP.HCM lập nghiệp. Tại đây, ông bà thuê nhà trọ sinh sống. Ông Thực vẫn tiếp tục làm nghề lái xe, trong khi bà Phương buôn bán nhỏ để có tiền đóng tiền nhà, cho con ăn học.
Năm 2000, ông bà gom góp mua được mảnh đất, ổn định cuộc sống tại TP.HCM. Suốt thời gian chung sống, ông bà gần như không cãi vã. Bất chấp cuộc sống khó khăn, vợ chồng có những lúc phải sống xa nhau, ông bà vẫn luôn yêu thương nhau và cảm thấy hạnh phúc.
Hiện nay, ông bà có cuộc sống viên mãn bên nhau cùng các con đều đã trưởng thành, có gia đình riêng. Sống hạnh phúc, không còn nhiều nỗi lo, bà Phương có cơ hội tìm lại niềm đam mê văn nghệ từ thuở bé.
Bà tham gia các câu lạc bộ văn nghệ và đi biểu diễn mỗi khi có thể. Ông Thực luôn là người đồng hành, đưa bà đến các điểm biểu diễn.
Ông tâm sự: “Bà xã tôi có một điều rất quý là không kêu khổ. Ngược lại, bà ấy còn giàu năng lượng tích cực hơn tôi. Trước đây, khi tôi còn trong quân ngũ, bà ấy chịu nhiều thiệt thòi. Thế nên giờ, khi các con đã lớn, bà thích văn hóa văn nghệ, tôi cố gắng chiều ý.
Năm, sáu năm nay, tôi đưa bà ấy đến tất cả các câu lạc bộ, nơi biểu diễn dù nhiều lúc, đến nơi tôi chỉ ngồi uống nước để đợi đưa bà ấy về. Sau này, tôi còn 'lây' niềm đam mê văn nghệ của bà.
Tôi biết thổi sáo từ lâu. Nhưng đến khi theo bà ấy đi biểu diễn văn nghệ, tôi mới nhớ đến việc mình biết thổi sáo. Bây giờ, chúng tôi kết hợp. Tôi thổi sáo, bà ấy múa biểu diễn trong các chương trình văn nghệ”.
Cuối chương trình, ông Thực gửi đến vợ bức thư tay với lời lẽ tha thiết khiến bà Phương không kìm được cảm xúc.
Bà chia sẻ: “Tôi rất xúc động. Vợ chồng sống với nhau hơn 40 năm, trải qua nhiều khó khăn nhưng giờ phút này, tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Dù không giàu có nhưng vợ chồng tôi luôn thương nhau, hiểu nhau”.