Thực hiện Công văn số 1941/UBND-VX ngày 21/7/2023 của UBND tỉnh về việc hợp nhất Ban chỉ đạo CĐS cấp xã, Tổ công nghệ số cộng đồng và Tổ công tác triển khai thực hiện Đề án 06, UBND các huyện, Thành phố đã tổ chức triển khai hợp nhất Ban chỉ đạo CĐS cấp xã với Tổ công tác triển khai thực hiện Đề án 06 cấp xã thành Ban chỉ đạo CĐS cấp xã.
Hợp nhất Tổ công nghệ số cộng đồng xóm, tổ dân phố với Tổ công tác triển khai thực hiện Đề án 06 thành Tổ CĐSCĐ cấp xóm, tổ dân phố và ban hành quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo và Tổ CĐSCĐ xóm, tổ dân phố.
Mỗi Tổ CĐSCĐ tối thiểu có 5 thành viên, tổ trưởng Tổ CĐSCĐ là trưởng xóm, tổ trưởng tổ dân phố hoặc bí thư chi bộ. Các thành viên Tổ CĐSCĐ xây dựng kế hoạch hoạt động hằng năm của tổ phù hợp với điều kiện xóm, tổ dân phố; tham gia các hoạt động đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức về CĐS, kỹ năng ứng dụng công nghệ số và chính sách, pháp luật về CĐS; tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và lợi ích CĐS đem lại cho cộng đồng, hướng dẫn người dân những kỹ năng sử dụng công nghệ số, hỗ trợ giải đáp thắc mắc về ứng dụng công nghệ số, hướng dẫn doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân đăng ký tham gia mở tài khoản thanh toán điện tử, sử dụng nền tảng số, ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương.
Triển khai các nền tảng số và trực tiếp làm mẫu, hướng dẫn cho cá nhân, hộ gia đình trong xóm, tổ dân phố như: cài ứng dụng sổ sức khỏe điện tử, lập nhóm zalo hoặc các mạng xã hội hỗ trợ, tương tác khác để thông tin tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác CĐS đến nhân dân, lan tỏa thông tin về mục đích, ý nghĩa và lợi ích CĐS đem lại cho cộng đồng.
Tham gia triển khai thực hiện các nhiệm vụ CĐS, Đề án 06 theo chỉ đạo hướng dẫn của UBND cấp tỉnh, huyện và xã. Chủ động đề xuất triển khai các sáng kiến, cách làm hay về CĐS, ứng dụng công nghệ số mang lại hiệu quả trong cộng đồng…
Với tôn chỉ đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn đến từng người dân sử dụng các nền tảng số, các thành viên Tổ CĐSCĐ tổ dân phố Xuân Vinh, thị trấn Xuân Hòa (Hà Quảng) tích cực đến các gia đình hướng dẫn người dân cài đặt sử dụng dịch vụ công trực tuyến, sử dụng dịch vụ bưu chính công ích khi có thủ tục hành chính cần giải quyết; hướng dẫn người dân cài đặt một số ứng dụng như các phần mềm về thanh toán không dùng tiền mặt, tra cứu thủ tục hành chính, dịch vụ công…
Phối hợp tuyên truyền thực hiện Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ, qua đó góp phần cùng các ngành, đoàn thể trên địa bàn hỗ trợ người dân cài đặt, kích hoạt và sử dụng tài khoản định danh điện tử...
Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, đó là phương châm của các thành viên trong Tổ CĐSCĐ xóm Dìa Dưới, xã Phúc Sen (Quảng Hòa) tích cực tham gia các lớp tập huấn của tỉnh, huyện tổ chức. Ông Nông Văn Công, Tổ trưởng Tổ CĐSCĐ cho biết: Tôi và các thành viên nắm bắt được các kỹ năng số, tích cực đến các gia đình thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt, nắm bắt kỹ năng sử dụng thành thạo các nền tảng số, ứng dụng số cơ bản như: định danh điện tử cá nhân, bảo hiểm xã hội, sổ sức khỏe điện tử, truy cập cổng thông tin điện tử của tỉnh, huyện, xã, ngành, đơn vị để tra cứu thông tin; cài đặt và sử dụng các nền tảng công nghệ số, thanh toán không dùng tiền mặt, tạo tài khoản và truy cập cổng dịch vụ công trực tuyến; hướng dẫn đăng ký và sử dụng các sàn thương mại điện tử Voso, Postmart... đưa hàng hóa, sản phẩm đặc sản của địa phương như: khoai lang, củ cải, su su, nghề rèn, làm hương… trên các sàn thương mại điện tử góp phần tạo chuỗi liên kết và tạo thu nhập bền vững cho người dân; các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, biên lai điện tử… Các thành viên trong tổ hoạt động, trao đổi thông tin thông qua nhóm chung bằng ứng dụng zalo.
Tuy mới được thành lập nhưng với sự nhiệt tình, trách nhiệm, các thành viên Tổ CĐSCĐ trên địa bàn tỉnh đã tổ chức hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; hướng dẫn người dân tiếp cận, cài đặt, sử dụng các dịch vụ số phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu như y tế, giáo dục, chính sách xã hội, phòng, chống dịch… thông qua các nền tảng số; tham gia sàn thương mại điện tử...
Qua công tác tuyên truyền, phổ biến về CĐS, người dân bước đầu làm quen với khái niệm CĐS, từng bước cài đặt và sử dụng các ứng dụng thông minh phục vụ công việc và cuộc sống.
Theo Ngọc Dung (Báo Cao Bằng)