Chuyên viên Văn phòng UBND huyện hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. |
Những cách làm sáng tạo từ thực tiễn
Thực hiện quan điểm CĐS trên cơ sở lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, phát huy quyền làm chủ của người dân và phục vụ người dân được tốt hơn, Ban Chỉ đạo CĐS huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức chiến dịch ra quân đồng loạt tại 18 xã, thị trấn trong huyện để thu hút sự quan tâm và gây ấn tượng cho người dân về CĐS.
Huyện đã huy động tổng thể lực lượng tuyên truyền gồm: Tổ công nghệ số cộng đồng, đại diện các tổ chức hội, đoàn thể chính trị ở địa phương và các doanh nghiệp bưu chính - viễn thông cùng phối hợp truyền thông tới từng người dân về chủ trương CĐS.
Trực tiếp hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT); các dịch vụ số và tương tác với chính quyền qua các nền tảng số; Trang thông tin điện tử huyện và các xã, thị trấn để người dân biết truy cập, tương tác với chính quyền cũng như nắm bắt các thông tin hoạt động...
Bà Đặng Thị Lan, xã Kim Thái cho biết: Tôi đã có tuổi, lại chỉ quanh quẩn ruộng vườn nên nghe đến CĐS cứ nghĩ là việc liên quan của cán bộ và người trẻ nên ít quan tâm. Nhờ được thông tin, tuyên truyền tôi mới biết CĐS tác động đến từng người dân, từ việc làm thẻ căn cước công dân đến định danh cá nhân, tích hợp thẻ bảo hiểm y tế, khi đi bệnh viện khám, chữa bệnh không cần mang theo các loại giấy tờ như trước đến lợi ích của trang thông tin điện tử của xã, vào đó có thể tra cứu và thực hiện giải quyết thủ tục hành chính (TTHC); có thể đăng ký bán sản phẩm trên sàn giao dịch thương mại Postmart của Bưu điện…
Bên cạnh công tác tuyên truyền, huyện Vụ Bản xây dựng 2 mô hình điểm thực hiện các nhiệm vụ Đề án 06. Theo đó “mô hình tuyên truyền” được ra đời nhằm đẩy mạnh tuyên truyền trực tiếp về CĐS cho từng người dân, doanh nghiệp khi đến giao dịch hành chính ở cả cấp huyện và xã.
100% cán bộ, công chức, viên chức khi giải quyết TTHC cho người dân phải phổ biến để người dân biết, khai thác sử dụng dữ liệu công dân trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thẻ Căn cước công dân hoặc phần mềm VNeID mức 2 (được cài đặt trên thiết bị di động của công dân); đồng thời tuyên truyền, giới thiệu về 53 dịch vụ công thiết yếu tại Đề án 06, nhất là 2 nhóm dịch vụ công liên thông là “Đăng ký khai sinh - Đăng ký thường trú - Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng - Hỗ trợ mai táng”.
Khuyến khích thực hiện thanh toán trực tuyến: Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; thanh toán phí, lệ phí, nghĩa vụ thuế... “Mô hình tại Bộ phận Một cửa” được xây dựng với ý tưởng công dân khi đến giao dịch tại trụ sở Công an cấp xã, hệ thống một cửa cấp huyện, xã, điểm giao dịch bưu điện văn hóa xã đều được hướng dẫn sử dụng DVCTT như tại bộ phận một cửa cấp huyện, xã.
Tất cả những mô hình này đều được Văn phòng UBND huyện và Trung tâm giao dịch hành chính huyện là đơn vị tiên phong đi đầu để rút kinh nghiệm và nhân rộng ra các xã, thị trấn.
Trung tâm giao dịch hành chính huyện đã đề xuất sáng kiến thực hiện “Ngày thứ 3 không viết, không hẹn” để nâng cao hơn nữa tinh thần sử dụng các giao dịch điện tử và trả kết quả giải quyết TTHC ngay trong ngày sau khi tiếp nhận, hoàn thiện hồ sơ.
Theo đó vào ngày thứ 3 hàng tuần, khi công dân đến thực hiện giao dịch hành chính thuộc các lĩnh vực: thành lập và hoạt động doanh nghiệp (hộ kinh doanh); chứng thực; thay đổi, cải chính, bổ sung thông tin hộ tịch thì sẽ được các công chức hỗ trợ việc viết tờ khai, giấy đề nghị và được hướng dẫn sử dụng DVCTT…, đối với những TTHC đã đảm bảo theo quy định nếu tiếp nhận trước 15 giờ thì được giải quyết và trả kết quả ngay trong ngày làm việc.
Tại một số xã, thị trấn trong huyện đã xuất hiện phong trào “không làm thay, làm hộ” trong việc thực hiện TTHC. Tại bộ phận giao dịch hành chính xã Quang Trung, đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Công Tuân cho biết: Cán bộ trực tại bộ phận một cửa sẽ trực tiếp hướng dẫn công dân lập tài khoản DVCTT để công dân trực tiếp sử dụng tài khoản đó để nộp hồ sơ trực tuyến.
Cán bộ xã chỉ làm giúp những người cao tuổi, người khó có khả năng tiếp cận công nghệ thông tin. Cách làm này có thể mất nhiều thời gian cho cả công dân và cán bộ công chức nhưng tạo thói quen quan trọng cho người dân, đặc biệt là thế hệ công dân trẻ của xã làm quen với việc giải quyết TTHC trên môi trường điện tử.
Động lực khơi nguồn sáng tạo
Chưa bao giờ tinh thần phát huy sáng kiến thúc đẩy CĐS tại Vụ Bản lại diễn ra sôi động, mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân, doanh nghiệp như hiện nay. Tuy nhiên, sau 1 năm tập trung quyết liệt chỉ đạo, điều hành với những kết quả khả quan thì CĐS của huyện vẫn còn nhiều hạn chế như: Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử, người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng còn thấp; chưa có sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa các cơ quan, ban, ngành trong công tác CĐS.
Cán bộ, công chức làm đầu mối phụ trách CĐS hầu hết thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của lộ trình CĐS; nhận thức về CĐS của người dân còn mơ hồ. Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin chưa đáp ứng yêu cầu CĐS.
Giải quyết các “điểm nghẽn” trong CĐS của huyện Vụ Bản được xác định tiếp tục đầu tư, hiện đại hóa nền hành chính công và đẩy mạnh tuyên truyền đưa CĐS đến cán bộ, công chức, từng người dân. Ban chỉ đạo CĐS huyện đã phát động tinh thần nêu gương của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, mỗi cơ quan, đơn vị trong huyện tiên phong CĐS, phát huy được tinh thần quyết tâm của cán bộ công chức, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo thúc đẩy CĐS phát triển nhanh, mạnh, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp.
Chị Ninh Thị Thanh, chuyên viên Văn phòng UBND huyện, tác giả của giải pháp “Ngày thứ 3 không viết, không hẹn” cho biết: Trực tiếp làm công tác tiếp công dân, tôi không ngừng nâng cao kỹ năng số và tìm hiểu thêm cách làm của các tỉnh, thành phố trong cả nước về CĐS.
Sau khi nghiên cứu thấy tính ưu việt của mô hình “Ngày làm việc không viết, không hẹn”, tôi đã mạnh dạn đề xuất với lãnh đạo Văn phòng và Ban chỉ đạo CĐS huyện để tổ chức thực hiện. Với tinh thần hành chính phục vụ, sáng kiến của tôi đã được Ban chỉ đạo CĐS phê duyệt và huy động sự vào cuộc của các đơn vị liên quan.
Để triển khai được mô hình này thì lãnh đạo huyện, lãnh đạo các Phòng Tài chính, Tư pháp, Thuế, Công an phải sắp xếp thời gian thường trực để giải quyết TTHC liên quan cho người dân.
Huyện Đoàn phải bố trí lực lượng trực tại Trung tâm giao dịch hành chính huyện để hỗ trợ người dân làm thủ tục. Cách làm này đã nhanh chóng tạo được sự hưởng ứng tích cực của người dân khi đến làm TTHC tại huyện.
Với quyết tâm chính trị cao, cùng sự cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân, công tác CĐS trên địa bàn huyện Vụ Bản những tháng đầu năm 2023 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, ngày càng lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.
Sáu tháng đầu năm, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TTHC của UBND huyện đã tiếp nhận 100% hồ sơ giải quyết TTHC trên Cổng DVCTT; 771/772 hồ sơ thực hiện số hóa kết quả giải quyết TTHC; 1.433/1.871 hồ sơ trả trước hạn hồ sơ, không có hồ sơ quá hạn.
Đặc biệt đến ngày 8/8/2023, toàn huyện đã kích hoạt được trên 73 nghìn tài khoản định danh điện tử, đạt tỷ lệ 74% và là địa phương dẫn đầu toàn quốc hoàn thành vượt mức chỉ tiêu Bộ Công an giao. Huyện Vụ Bản phấn đấu về đích CĐS trước thời hạn đề ra.
Theo Nguyễn Hương (Báo Nam Định)