Thưa các vị Bộ trưởng, quý bà và quý ông,
Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) là cuộc cách mạng của những thay đổi, không chỉ trong công nghệ, mà cả về mô hình kinh doanh và chính sách của chính phủ. Đây là cơ hội để ASEAN thay đổi và vươn lên.
Tại Việt Nam, CMCN 4.0 đã gõ cửa mỗi cơ quan chính phủ, mọi công ty và mọi người dân. Chính phủ Việt Nam quyết tâm xây dựng các chiến lược và chính sách trong tất cả các lĩnh vực để tận dụng lợi thế của cuộc CMCN 4.0.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Diễn đàn Bộ trưởng ASEAN ở Triển lãm Digital Cambodia 2019. (Ảnh: PV/TTXVN) |
Các yếu tố sau đây là nền tảng cho sự phát triển của CMCN 4.0 tại Việt Nam:
Thứ nhất, trong thời đại công nghiệp 4.0, việc chính sách của chính phủ chấp nhận các công nghệ mới, mô hình kinh tế mới là rất quan trọng. Do vậy, chính sách của chính phủ cần phải là điều đầu tiên được thay đổi.
Thứ hai, IoT và dữ liệu là nền tảng cho CMCN 4.0. Hàng tỷ thiết bị, hàng nghìn tỷ kết nối và một lượng dữ liệu khổng lồ. Đây là cơ hội cho ngành công nghiệp của Việt Nam. Việt Nam sẽ sản xuất các thiết bị IoT, xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn.
Yếu tố thứ ba là cơ sở hạ tầng CNTT tiên tiến với mạng băng rộng tốc độ cao và tỷ lệ thâm nhập của điện thoại thông minh là 100%. Các công nghệ 5G sẽ được triển khai tại Việt Nam theo cùng tốc độ với các nước phát triển.
Thứ tư, chính phủ ban đầu sẽ hỗ trợ ngành công nghiệp bằng cách phân bổ nhiều hơn chi tiêu cho các sản phẩm 4.0.
Yếu tố cuối cùng là đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo lại kỹ năng và đào tạo kỹ năng nâng cao.
Chiến lược CMCN 4.0 của Việt Nam sẽ gồm ba giai đoạn:
Giai đoạn một, đẩy nhanh việc áp dụng CMCN 4.0 trong tất cả các ngành nhằm tăng hiệu quả hoạt động và năng suất lao động và tạo cơ hội mới cho tăng trưởng.
Giai đoạn hai, tập trung vào nghiên cứu và làm chủ công nghệ để phát triển các sản phẩm 4.0, thông qua chương trình Make in Vietnam 4.0.
Giai đoạn ba, sử dụng CMCN 4.0 như một lợi thế cạnh tranh trong nước và toàn cầu để hiện thực hóa các mục tiêu của Việt Nam cho công nghiệp hóa và hiện đại hóa quốc gia.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Diễn đàn Bộ trưởng ASEAN ở Triển lãm Digital Cambodia 2019. (Ảnh: PV/TTXVN) |
ASEAN phải làm gì để tận dụng lợi thế của cuộc CMCN 4.0?
ASEAN với dân số 630 triệu người và độ tuổi trung bình chỉ 25 tuổi có lực lượng lao động trẻ. Trong Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN 2018) vừa được tổ chức tại Hà Nội, các nhà lãnh đạo của khu vực đã tuyên bố CMCN 4.0 là cơ hội và động lực để ASEAN trở thành khu vực kinh tế lớn thứ tư trên thế giới vào năm 2030, chỉ sau Mỹ, Trung Quốc và EU.
Vậy, ASEAN nên làm gì để có được những lợi thế vượt trội do CMCN 4.0 mang lại?
Để hiện thực hóa tuyên bố của các nhà lãnh đạo, ban đầu, các quốc gia thành viên ASEAN nên kết nối với nhau trên tinh thần của những người làm việc cùng nhau, cùng nhau phát triển.
Đầu tiên, CMCN 4.0 là cuộc cách mạng Internet với sự bùng nổ của các sản phẩm xuyên biên giới. ASEAN cần phát triển một cơ chế chung cho phép việc áp dụng chính sách sandbox (thử nghiệm để tự phát triển trong phạm vi không gian và thời gian nhất định) cho các sản phẩm 4.0 và các mô hình kinh doanh mới.
Châu Âu có một mô hình tương tự. Đó là Nền tảng Sáng kiến Quốc gia Châu Âu, Trong đó, mỗi sản phẩm 4.0 sẽ được thử nghiệm trong các môi trường chính sách khác nhau, ở các quốc gia khác nhau dưới dạng sandbox.
Thứ hai, ASEAN cần tạo ra một thị trường chung dựa trên sự tương đồng về văn hóa và kết nối địa lý để đưa các sản phẩm 4.0 vào thực tiễn. Ví dụ, các quốc gia trong khu vực sông Mê Kông, nơi có nhiều cảnh quan đẹp, vùng đất màu mỡ, người dân thông minh, chăm chỉ và kết nối giao thông tốt, có thể cùng nhau tạo ra một khu vực Mekong 4.0.
Trong khu vực này, chính phủ sẽ tập trung phát triển các công nghệ mới để áp dụng trong ngành nông nghiệp, du lịch, hậu cần và CNTT. Đây là những ngành mà các nước khu vực sông Mê Kông có lợi thế.
Thứ ba, ASEAN phải có một số doanh nghiệp lớn, dẫn đầu về CMCN 4.0 trong khu vực. Những doanh nghiệp này cần được cung cấp với điều kiện thuận lợi để phát triển ở cấp khu vực. Một số nước ASEAN đã có thể phát triển các giải pháp và sản phẩm công nghiệp 4.0 và đạt được thành công tại quốc gia của họ. Và từ đây, họ phải mở rộng kinh doanh tại thị trường khu vực, các doanh nghiệp ASEAN này sẽ phát triển lớn hơn. Grab là một ví dụ điển hình.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng (thứ hai từ trái sang) cùng các quan chức nước chủ nhà Campuchia và doanh nghiệp tài trợ khai mạc cuộc triển lãm. (Ảnh: PV/TTXVN) |
Việt Nam đóng góp gì trong cuộc CMCN 4.0?
Giờ đây, Việt Nam đã bắt đầu thực hiện các sáng kiến CMCN 4.0 và sẵn sàng hợp tác với các nước thành viên khác trong khu vực.
Về hoạch định chính sách, Việt Nam đang hợp tác với Diễn đàn kinh tế thế giới để thành lập Trung tâm liên kết 4.0 có trụ sở tại Việt Nam. Việt Nam mong muốn sự tham gia của tất cả các nước thành viên ASEAN vào trung tâm.
Đó là nền tảng “Do-tank”, thay vì “think-tank”. Các nước thành viên ASEAN cũng có thể cử đại diện sang làm việc và tiến hành nghiên cứu tại Trung tâm để phát triển khung chính sách cho các mô hình kinh doanh hoặc công nghệ mới như thanh toán di động, kinh tế chia sẻ hay dữ liệu mở.
Về cơ sở hạ tầng viễn thông, Việt Nam sẽ thử nghiệm 5G vào năm 2019 và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với các quốc gia khác trong việc phát triển công nghệ 5G. Vào tháng 3/2019, Việt Nam sẽ tổ chức Hội nghị Bộ trưởng về 5G tại Hà Nội và vinh dự chào đón tất cả các Bộ trưởng ASEAN tham dự Hội nghị.
Trong chương trình Make in Vietnam, Việt Nam tập trung phát triển các doanh nghiệp công nghệ và sản xuất các thiết bị IoT, thiết bị viễn thông, Chipset 5G, camera giám sát,... Việt Nam sẵn lòng hợp tác với các nước trong ASEAN để thành lập liên doanh và các nhà máy sản xuất sản phẩm CNTT-TT.
Đặc biệt, Việt Nam sẽ mở và chia sẻ tất cả các bí quyết công nghệ với các quốc gia khác để tất cả các quốc gia thành viên ASEAN có thể làm chủ các thiết bị đảm bảo an ninh mạng quốc gia.
Khi cuộc Cách mạng Kỹ thuật số hay cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 diễn ra, tương lai không cần phải nằm trên dòng chảy của quá khứ. Với tư duy mới, phi truyền thống và không tuần tự, các nước ASEAN sẽ có cơ hội. Cả chính phủ và doanh nghiệp đều cần một bước đột phá về tư duy, trong hoạch định chính sách và phương pháp điều chỉnh.
Cuối cùng, để tận dụng cơ hội tuyệt vời này, các nước ASEAN phải chung tay với tinh thần "cùng làm việc, cùng phát triển" để tạo ra một ASEAN kỹ thuật số: Một thị trường chung ASEAN, Một khung chính sách ASEAN cho CMCN 4.0, Một ASEAN roaming chung giá cước, Một trường đại học ICT ASEAN, Một trung tâm đổi mới ASEAN, Một trung tâm an ninh mạng ASEAN, v.v.
Xin trân trọng cảm ơn Hội nghị đã lắng nghe!