Chuyển đổi số (CĐS) gồm số hoá và chuyển đổi. Số hoá là số hoá toàn diện, chuyển toàn bộ hoạt động lên môi trường số, chuyển toàn bộ thế giới thực thành bản sao số, từ đó hình thành không gian sống mới - không gian số và sinh ra tài nguyên mới khổng lồ và vô vạn dữ liệu. Chuyển đổi là thay đổi tổng thể và toàn diện cách thức vận hành, hoạt động trên không gian số thông qua sử dụng công nghệ số (CNS), nhất là trí tuệ nhân tạo (AI), là xử lý dữ liệu để sinh ra giá trị mới.
CNS trở thành lực lượng sản xuất cơ bản trong kỷ nguyên số. CNS là công cụ sản xuất mới. CNS cũng sinh ra tài nguyên mới là dữ liệu. CNS giúp nâng cao chất lượng lao động, đặc biệt là thông qua AI. Lần đầu tiên trong lịch sử phát triển của nhân loại, một nhóm công nghệ mới tác động mạnh mẽ tới cả 3 yếu tố chính của lực lượng sản xuất là lao động, công cụ và tài nguyên. Bởi vậy mà nhiều quốc gia coi CNS là lực lượng sản xuất cơ bản.
CNS sinh ra CĐS. CĐS được Đảng và Nhà nước ta coi là phương thức phát triển mới (phương thức phát triển số), là động lực quan trọng để phát triển lực lượng sản xuất mới và quan hệ sản xuất mới, lời giải cho sự phát triển nhanh và bền vững. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm coi CĐS là một cuộc cách mạng. Cuộc cách mạng toàn dân và toàn diện này sẽ giúp Việt Nam bứt phá vươn lên thành nước phát triển có thu nhập cao.
CNS là các công nghệ số thế hệ mới. CNS là các công nghệ chính của cuộc CMCN lần thứ tư. Và công nghệ chủ chốt của CNS chính là AI.
Ứng dụng CNS cũng chính là phát triển công nghệ. Các cuộc CMCN trước đây, người sử dụng công nghệ thì không tham gia được vào quá trình phát triển công nghệ. Nhưng với các CNS thì công nghệ phát triển là do dữ liệu. Mà dữ liệu là do người dùng sinh ra. Ai có nhiều dữ liệu thì hoàn thiện công nghệ nhanh hơn. Vậy là ứng dụng, bao gồm phát triển ứng dụng và sử dụng, lại chính là quá trình phát triển công nghệ. Việt Nam chúng ta chọn con đường làm chủ ứng dụng, tăng cường ứng dụng là nhằm đạt 2 mục tiêu: ứng dụng để phát triển đất nước và ứng dụng để làm chủ và phát triển công nghệ.
Về phát triển AI hẹp, AI chuyên dụng, AI dùng riêng, AI nội bộ của từng tổ chức và từng cá nhân. Thức ăn của AI là dữ liệu. Việc sử dụng dữ liệu của người khác sẽ cần khá nhiều các quy định của pháp luật, và dù Chính phủ rất cố gắng hoàn thiện thể chế, nhưng cũng không thể nhanh được, và đang còn nhiều những tranh cãi khác nhau trên bình diện toàn cầu. Nhưng việc sử dụng dữ liệu của chính mình thì cơ bản không cần thể chế gì mới.
Bởi vậy, để thúc đẩy nhanh sự phát triển AI tại Việt Nam, chúng ta hãy sử dụng dữ liệu của chính tổ chức mình, của cá nhân mình để phát triển các ứng dụng AI. Chúng ta gọi những ứng dụng này là AI hẹp, là AI chuyên dụng, là AI dùng riêng, AI nội bộ, AI cá nhân. Chính những ứng dụng AI này sẽ mang lại những giá trị lớn, nhanh và thiết thực, giúp chuyển đổi hoạt động của các tổ chức, giúp thông minh hoá các cá nhân và tổ chức, giúp sinh ra các giá trị mới, giúp các đất nước chúng ta giải quyết được ngay những bài toán trước mắt để phát triển.
AI làm trợ lý cho con người thay vì vượt trên trên con người. Bộ TT&TT đang chỉ đạo phát triển ứng dụng AI là trợ lý ảo (TLA). TLA mà Việt Nam chúng ta đang xây dựng có thể là ứng dụng quan trọng nhất của AI. Mỗi tổ chức sẽ có trợ lý ảo của mình, tiến tới mỗi người có một TLA. AI làm trợ lý, giúp việc cho con người chứ không vượt lên trên con người. AI dù có thông minh hơn, nhiều thông tin, nhiều tri thức hơn nhưng cũng chỉ là để giúp cho con người ra quyết định, làm việc của mình tốt hơn.
Ứng dụng hiệu quả nhất của AI, dễ làm nhất và có thể làm nhanh nhất là TLA. Có thể làm nhanh là vì nền tảng công nghệ đã sẵn sàng, chỉ cần mỗi đơn vị đưa hệ tri thức của mình vào TLA và huấn luyện, thường là trong 3-6 tháng. TLA thì như đứa con mình sinh ra, nuôi dưỡng rồi sử dụng, mình làm trợ lý cho nó trước rồi nó làm trợ lý cho mình sau. Hiệu quả là vì mỗi người sẽ có thêm một người giúp việc.
Tiến tới mỗi người Việt Nam sẽ có một trợ lý của riêng mình, do chính mình nuôi dưỡng, nó chứa toàn bộ hệ tri thức của mình. Khi mình sống thì nó làm trợ lý cho mình, khi mình chết thì nó trở thành chính mình, để con cháu các đời sau vẫn có thể nói chuyện, tâm sự, cho lời khuyên, và chúng ta sẽ trở thành người bất tử.
Dữ liệu là đất đai mới và cần có thể chế quản lý mới để giải phóng giá trị. Trong tương lai, hầu hết các giá trị sẽ được tạo ra từ dữ liệu. Càng nhiều dữ liệu, nhất là càng nhiều loại dữ liệu khác nhau thì cơ hội tạo ra giá trị mới càng lớn. người có dữ liệu và người tạo ra giá trị mới từ dữ liệu trong nhiều trường hợp không phải là một. Bởi vậy việc xây dựng thể chế để phân tách quyền sở hữu dữ liệu, định giá tài sản dữ liệu, phân chia lợi ích theo đóng gói là rất quan trọng. AI sẽ phát triển mạnh mẽ nếu dữ liệu trở thành hàng hoá. Và đây là nhiệm vụ của quản lý Nhà nước.
Về công nghệ mở và lựa chọn của chúng ta. Sự sáng tạo vĩ đại nhất là sự sáng tạo của toàn dân. Và cũng chính sự sáng tạo này mới có thể giải quyết các vấn đề, các bài toán của từng cá nhân, từng tổ chức nhỏ và của từng quốc gia. Không một công ty nào, một tập đoàn đa quốc gia nào, dù qui mô to đến đâu, có thể giải quyết mọi bài toán, đáp ứng mọi nhu cầu thay đổi. Sự sáng tạo toàn dân chỉ có thể xảy ra khi công nghệ là mở và công nghệ phải được cung cấp dưới dạng dịch vụ. Công nghệ mở sẽ khai phóng năng lực sáng tạo của mỗi cá nhân. Mỗi người đứng trên vai những người khác để phát triển, và từ đó tạo ra một mặt bằng cao hơn cho những người khác nữa.
Với một nước đi sau như Việt Nam chúng ta mà muốn đi trước thì phải đứng trên vai những người khác. Việc lựa chọn phát triển công nghệ mở, lựa chọn phát triển phần mềm nguồn mở, lựa chọn mở dữ liệu để các cá nhân, doanh nghiệp tham gia sáng tạo giá trị mới là định hướng của chúng ta. Với định hướng này, Việt Nam sẽ phát triển thành quốc gia công nghệ, dựa trên và thừa hưởng tri thức nhân loại nhưng cũng đóng góp cho tri thức nhân loại. Công nghệ mở cũng góp phần tạo ra niềm tin số trong kỷ nguyên số.
Chuyển đổi hoạt động của các tổ chức và cá nhân thông qua AI có thể trở thành động lực quan trọng nhất cho phát triển. Cuộc cách mạng CĐS là cách mạng về số hoá và cách mạng về chuyển đổi hoạt động. Cách mạng về chuyển đổi hoạt động thì cơ bản là chuyển đổi AI.
Tập đoàn CMC hôm nay tuyên bố chiến lược chuyển đổi AI, đưa ứng dụng AI vào mọi lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, chính trị và môi trường, là một bước đi tiên phong và đúng với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước.
Phát triển ứng dụng AI, dùng AI để phát triển đất nước, và từ đó làm chủ và phát triển công nghệ AI, thì doanh nghiệp đóng vai trò quyết định.
Về ứng dụng AI, chuyển đổi AI thì Việt Nam nên là nhóm nước đi đầu. Chúng ta không có lý do gì để đi sau. Xuất phát điểm của chúng ta cũng như các nước khác. Chỉ có đi đầu ngay từ đầu thì Việt Nam mới có thể thay đổi thứ hạng để trở thành nước phát triển. Việt Nam có thể và cần thiết phải trở thành một trung tâm toàn cầu về chuyển đổi AI, về ứng dụng AI, về nhân lực AI. Chưa bao giờ người Việt Nam chúng ta đi đầu về công nghệ, hay dám nghĩ đến chinh phục thế giới bằng công nghệ, bằng ứng dụng công nghệ, thì nay là lúc chúng ta, những doanh nghiệp CNS phải làm việc đó. Vì AI mang lại giá trị cho con người chủ yếu là qua các ứng dụng, và chính ứng dụng lại hoàn thiện công nghệ AI, cho nên, ứng dụng AI, chuyển đổi AI có thể là lựa chọn để chúng ta từ Việt Nam đi ra toàn cầu. Bước đi thì nhỏ nhưng tầm nhìn thì phải lớn lao, khát vọng thì cháy bỏng, lao động thì quên mình - đó là những đặc trưng của các doanh nghiệp CNS thế hệ mới.
Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp AI, phải nhận lấy sứ mệnh dùng chuyển đổi AI để thay đổi Việt Nam. Đầu tiên là chuyển đổi AI chính doanh nghiệp của mình trước. Rồi sau đấy mới là chuyển đổi AI các tổ chức khác, các lĩnh vực khác. Các doanh nghiệp AI lớn phải có trách nhiệm tạo ra hệ sinh thái chuyển đổi AI để cho nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tham gia. Chuyển đổi AI cả một đất nước thì phải cần đến hàng chục, hàng trăm ngàn doanh nghiệp công nghệ số. Các doanh nghiệp đầu đàn về AI như CMC phải tạo ra hệ sinh thái này, vì chuyển đổi AI là chuyển đổi cho hàng triệu doanh nghiệp, hàng trăm ngàn HTX, tổ hợp tác, 5 triệu hộ kinh doanh, 27 triệu hộ gia đình, 14.000 cơ sở tế, 44.000 trường học, và còn là cho 100 triệu người Việt Nam.
Bộ TT&TT sẽ luôn đồng hành và hỗ trợ các doanh nghiệp, các tổ chức trong việc phát triển và ứng dụng CNS để thực hiện CĐS, đặc biệt là trong việc ứng dụng AI, để chuyển đổi tổng thể và toàn diện cách thức chúng ta hoạt động, vận hành và từ đó tạo ra sự phát triển đột phá cho đất nước.