Theo báo cáo Speedtest Global Index tháng 2/2023 của Ookla, Việt Nam hiện xếp thứ 52 về tốc độ Internet di động, giảm 9 bậc so với tháng trước đó. Cụ thể, tốc độ băng rộng di động tải xuống (download) của Việt Nam tháng này đạt 42,67Mbps, trong khi tốc độ tải lên (upload) là 18,27Mbps.
Đối với Internet băng rộng cố định, Việt Nam tăng 6 bậc, xếp thứ 39 trên thế giới, bất chấp việc đang có nhiều vấn đề với hệ thống cáp quang biển.
Ghi nhận của Ookla cho thấy, tốc độ tải xuống trung bình của mạng băng rộng cố định tại Việt Nam là 91,6Mbps. Trong khi đó, tốc độ tải lên của mạng băng rộng cố định là 93,38Mbps.
Hệ thống đo tốc độ truy cập Internet tại Việt Nam (i-SPEED) của Trung tâm Internet Việt Nam (Bộ TT&TT) cũng ghi nhận kết quả tương tự. Theo đó, tốc độ download trung bình băng rộng cố định tăng lên, còn băng rộng di động lại giảm.
Cụ thể, tốc độ tải xuống trung bình của mạng băng rộng cố định tại Việt Nam tháng 2/2023 là 89,73 Mbps (tăng 4,6% so với tháng 1).
Trong các thành phố trực thuộc Trung ương, TP.HCM có tốc độ download băng rộng cố định cao nhất với trung bình là 96,55Mbps. Ở chiều tải lên, tốc độ mạng băng rộng cố định trên cả nước trung bình đạt 88,71Mbps (tăng 4,7%).
Đối với Internet di động, theo số liệu của Trung tâm Internet Việt Nam, tốc độ download trung bình trên cả nước trong tháng 2 là 36,45Mbps (giảm 10,7% so với tháng 1). Ở chiều ngược lại, tốc độ upload trung bình là 16,19Mbps (giảm 6,7%).
Từ số liệu đo kiểm cả trong nước lẫn quốc tế, có thể thấy, tốc độ Internet cố định Việt Nam đã có dấu hiệu cải thiện trong tháng 2. Đây là một kết quả đáng ghi nhận giữa bối cảnh từ cuối năm 2022 đến nay, liên tục xảy ra sự cố đối với các tuyến cáp quang biển kết nối Internet Việt Nam đi quốc tế.
Trước tình hình trên, Bộ TT&TT đã yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông đẩy nhanh biện pháp khắc phục sự cố, bảo đảm kết nối Internet quốc tế thông suốt.
Dưới sự chỉ đạo của Cục Viễn thông, các nhà mạng đã đàm phán mua thêm dung lượng cáp quang trên đất liền kết nối đi quốc tế và chia sẻ dung lượng, hỗ trợ nhau vượt qua khủng hoảng. Bộ cũng yêu cầu các doanh nghiệp đầu tư phát triển thêm những tuyến cáp quang biển nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dùng Internet.
Theo đánh giá của các nhà mạng, việc nâng dung lượng kết nối đi quốc tế trên đất liền đã giúp cải thiện chất lượng dịch vụ Internet, góp phần giải bài toán cáp quang biển gặp sự cố. Sau khi Bộ TT&TT vào cuộc, than phiền của người dùng về chất lượng dịch vụ Internet đã giảm nhiều.