LTS: "Mượn xe ô tô" là việc khá phổ biến nhưng cũng rất tế nhị với vô vàn câu chuyện “hỷ, nộ, ái, ố” khác nhau. Trên thực tế, không ít người vì quá thoải mái hoặc cả nể đã sẵn sàng cho người quen mượn xe, nhưng sau đó đã phải "ôm cục tức", thậm chí vướng vào vòng lao lý.

Câu chuyện "có nên cho mượn xe ô tô" là chủ đề vô tận với độc giả VietNamNet. Và hơn ai hết, chính người trong cuộc sẽ hiểu rõ nhất giá trị chiếc ô tô của mình cũng như sự cần thiết của việc cho một ai đó mượn xe mình hay không.

Dưới đây là câu chuyện của độc giả Vũ Việt Hùng (36 tuổi, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ về vấn đề này:

Đọc bài "Cho mượn xe ô tô tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn chúng ta tưởng" vừa đăng trên VietNamNet, tôi thấy thực sự bất ngờ về những hệ luỵ và rắc rối có thể đến đối với chủ xe mà lâu nay mình chưa biết rõ. Thế nên, tôi càng thấy nguyên tắc của mình đặt ra bấy lâu nay là đúng, đó là nhất định không cho ai mượn xe.

Thực ra, nói là nguyên tắc nhưng tôi mới chỉ áp dụng cách đây hơn 1 năm, từ khi "dính" vào việc chẳng muốn nhắc lại liên quan đến một cậu đồng nghiệp tôi từng chơi khá thân ở cơ quan. 

Chả là cậu này kém tôi vài tuổi và thời điểm đó mới lấy vợ. Hai vợ chồng cùng quê ở xa, cách Hà Nội gần 200km. Biết tôi có xe ô tô nhưng ít sử dụng, cậu này lân la rồi hỏi mượn để đưa vợ về quê thăm hai bên gia đình dịp cuối tuần. 

Với tôi, chiếc "xế hộp" vừa là phương tiện nhưng cũng là tài sản lớn trong gia đình có được sau nhiều năm tích cóp. Hàng ngày nâng niu, chăm sóc, lau chùi, thế nên cho người khác sử dụng tôi cũng xót ruột lắm.

Tuy nhiên, đây là cậu em cùng cơ quan, không cho mượn lại mang tiếng ki bo, và thực ra cũng chẳng mấy khi người ta mượn, chắc phải cần lắm mới nhờ đến mình. Thế nên tôi gật đầu ngay.

Lần đầu mượn xe kết thúc khá suôn sẻ, cậu em lúc trả xe tôi tỏ ra mừng vui ra mặt, liên tục cảm ơn và còn biếu vợ chồng tôi chút quà quê. Thấy vậy, tôi cũng vui vì giúp đỡ được cho đồng nghiệp.

Thế nhưng, mọi việc sau đó lại có phần hơi "quá lố" khi liên tiếp những tuần kế tiếp, câu này liên tục hỏi mượn xe tôi để về quê hoặc đưa vợ đi chơi. Và sau tất cả 4 lần mượn xe, tôi cảm thấy như mình đang bị lợi dụng vì thói khôn lỏi đến mức khó chịu của cậu em đồng nghiệp. Lần mượn xe thứ 5 đã không diễn ra vì tôi quyết định từ chối.

Lý do một phần vì bà xã sau nhiều lần thấy tôi cho mượn xe quá dễ dàng đã không vui và có ý kiến, nhưng phần khác là tôi cảm thấy cậu em kia đang "được đằng chân, lân đằng đầu". Nhiều hôm cuối tuần muốn đưa các con đi chơi đổi gió nhưng xe đã cho mượn nên đành chịu.

Thực tế, xâu chuối những lần mượn xe, cậu này thường tính toán để không đổ dư xăng, tức là mức xăng lúc nhận xe thế nào thì lúc trả xe sẽ cũng chỉ ở khoảng như vậy hoặc ít hơn. Xe đi đường dài cũng thường xuyên trong tình trạng bụi bẩn mà không được rửa sạch.

Và một điểm nữa tôi rất không hài lòng đó là chưa lần nào cậu này nạp tiền vào tài khoản ETC, mặc dù mỗi lần mượn xe như vậy, tôi bị trừ đến cả trăm nghìn đồng. Tất cả những điều trên dồn lại khiến tôi cảm thấy ức chế, dẫn tới quyết định thẳng thừng từ chối.

Những tưởng không cho mượn là xong, thế nhưng "sóng gió" lại ập đến khi tôi đi đăng kiểm xe. Là người lái xe rất cẩn thận nên tôi khẳng định mình chưa bao giờ vượt đèn đỏ hay chạy quá tốc độ. Thế nhưng khi đưa xe đến trạm đăng kiểm, tôi tá hoả khi bị nhân viên ở đây thông báo có một lỗi phạt nguội cần giải quyết ngay.

Tra cứu ra, xe của tôi đã bị lỗi "vượt đèn đỏ" tại TP. Thanh Hoá, sự việc xảy ra vào đúng ngày tôi cho cậu đồng nghiệp mượn xe. Sau khi thông báo toàn bộ sự việc, cậu này chỉ ậm ừ và nói "để em xem thế nào đã", rồi sau đấy cố tình tránh mặt khi ở cơ quan, gọi điện thì lờ đi, thậm chí không nghe máy. Cậu này đã không có ý định giải quyết hậu quả do mình gây ra.

Việc quá gấp vì hạn đăng kiểm đã hết, tôi đành "cắn răng" nộp phạt 5 triệu đồng vì lỗi của người khác, ngoài ra còn bị tước GPLX 2 tháng. Đúng là làm phước phải tội!

Phải sau đó khoảng 3 tháng, cậu đồng nghiệp kia mới khiên cưỡng thanh toán số tiền tôi đã nộp giúp sau hàng chục lần đòi "mỏi mồm". Và tất nhiên, tôi cũng cắt đứt hoàn toàn mối quan hệ với con người này. 

"Ám ảnh" với kiểu mượn xe như trên, cũng là để bảo vệ mình và tài sản của mình nên sau đó, tôi đã không bao giờ cho ai mượn ô tô nữa dù là thân thiết đến đâu. Đối với tôi, việc từ chối mượn xe như vậy thà mất lòng trước được lòng sau. 

Độc giả Vũ Việt Hùng

Bạn có góc nhìn nào về câu chuyện trên? Hãy chia sẻ ý kiến của bạn dưới phần bình luận hoặc gửi bài viết về Ban Ô tô Xe máy - Báo VietNamNet theo địa chỉ: Otoxemay@vietnamnet.vn. Những nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!

Không dùng đến xe, có nên cho bạn mượn đi Tết?

Không dùng đến xe, có nên cho bạn mượn đi Tết?

Biết gia đình tôi không dùng đến xe ô tô trong dịp Tết Nguyên đán tới, một người bạn đã nhanh nhảu hỏi mượn. Dù đúng là xe sẽ để cả tuần không dùng đến nhưng thực lòng tôi đang khá phân vân.