Sự kiện Vẻ đẹp Hồng Tâm do nhà sưu tập tranh Thúy Anh tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội với sự tham gia của hoạ sĩ Đào Hải Phong, Phạm An Hải, nhà thơ Hữu Việt, nhà văn Nam Nguyễn… Họ đều là những người có nhiều đóng góp cho mỹ thuật Việt Nam trong giai đoạn đại dịch Covid-19 vừa qua.
Chia sẻ chủ đề của sự kiện, nhà sưu tập Thúy Anh cho biết, “Hồng Tâm” chính là vẻ đẹp của tâm hồn nhân hậu, hướng thiện và ước nguyện đưa cái tâm đẹp đến với tác phẩm đẹp, hành động đẹp.
Hai nội dung chính xuyên suốt sự kiện Vẻ đẹp Hồng Tâm là mạn đàm, chia sẻ về câu chuyện của vẻ đẹp nghệ thuật hướng tới cộng đồng với ba phần: Giá trị đẹp; Tác phẩm đẹp; Trái tim đẹp.
Dù có những kỷ niệm và cơ duyên gắn bó với nhau riêng nhưng tại sự kiện lần này, các văn nghệ sĩ luôn hướng đến câu chuyện vì cộng đồng trước khi đề cập đến yếu tố cá nhân.
Ôn lại giai đoạn đầy khó khăn đã qua, các nghệ sĩ đều mong muốn tiếp tục lan tỏa, thúc đẩy giá trị của nghệ thuật nói chung và mỹ thuật trong nước nói riêng đến với quốc tế bằng những con đường đẹp đẽ, nhân văn.
Họa sĩ Đào Hải Phong - người có nhiều tác phẩm được nhà sưu tập Thúy Anh sở hữu chia sẻ, các bộ sưu tập của chị không đơn thuần dừng lại ở sự tập hợp mà có gu riêng, thể hiện tinh thần lạc quan, nhân ái - một yếu tố rất quan trọng, mang tính quyết định tới giá trị đã được kiến tạo và định vị.
Tại sự kiện, nhà sưu tập Thúy Anh giới thiệu không gian trưng bày 8 bức tranh từ 8 họa sĩ, cũng là những khách mời của buổi trà đàm. Họ đều là những gương mặt tài năng, đóng góp nổi bật trong công tác thiện nguyện.
Phố tím của họa sĩ Phạm Luận là tác phẩm đã xuất hiện trong cuộc đấu giá tranh ủng hộ quỹ chống Covid-19. Bức tranh đặc biệt mang màu của phố cổ Hà Nội, lấy bối cảnh một góc phố Lãn Ông, có cây bằng lăng đang ra hoa tím như biểu tượng của tấm lòng thủy chung bền bỉ. Sau cuộc đấu giá, nhà sưu tập Thúy Anh đã sở hữu thành công tác phẩm.
Bình nguyên rực rỡ - tác phẩm nổi bật của họa sĩ Đào Hải Phong tạo ấn tượng với công chúng qua bầu trời, ngôi nhà, màu mây, tán cây… rực hồng ấm áp, căng đầy, gợi nhiều cảm xúc và suy tưởng vào tạo nên lối riêng mà người mến mộ gọi tên là “Lối Phong”.
Cùng gam hồng, tác phẩm Sắc hồng của họa sĩ Phạm An Hải là một sáng tác mới khi đại dịch đã đi qua. Như một sự tiếp nối về tinh thần lạc quan, hy vọng, cái nhìn tươi sáng vào thực tại và tương lai của sự phục hồi, phát triển của đất nước.
Chung nhịp lạc quan, Đón xuân của họa sĩ Mai Xuân Oanh mang đến nét chấm phá thật nền nã mà tươi sắc không chỉ riêng với mùa xuân mà tất cả như gói trọn tình yêu, nhung nhớ.
Tác phẩm Bên hoa tháng tư của họa sĩ Lâm Đức Mạnh thể hiện chân dung của nhà sưu tập Thúy Anh được sáng tác đúng giai đoạn căng thẳng nhất của đại dịch Covid-19 ở Hà Nội. Trong khoảng thời gian giãn cách đúng dịp tháng tư, bức tranh ra đời với hình ảnh của những bông loa kèn tinh khôi bên người phụ nữ với dáng nét Hà thành kiêu sa như một khẳng định, dù thế giới có thay đổi và trải qua những thử thách gì, thì con người và mùa hoa Hà Nội vẫn mãi mãi là vậy.
Phố hồng của họa sĩ Trần Cường sáng tác thuộc chùm 9 bức tranh phố thể hiện khát khao được hít thở không khí của phố phường trong thời gian giãn cách, với các gam màu rực rỡ như chứa đựng niềm tin, hy vọng vào tương lai cuộc sống sẽ tươi sáng hơn.
Trong khi đó, tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Văn Đức mang tên Xuân về cũng mang đến màu sắc tươi sáng, hữu tình được anh sáng tác trong giai đoạn giãn cách, như niềm mong mỏi được tự do thưởng ngoạn khung cảnh thiên nhiên. Dù dịch bệnh nhưng thiên nhiên quanh ta vẫn tươi đẹp và tràn đầy sức sống.