XEM VIDEO: Đoàn xe chở Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân qua các tuyến phố Hà Nội
Đúng 12h trưa 12/12, chuyên cơ Air China chở Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viên cùng đoàn đại biểu cấp cao Trung Quốc đã hạ cánh tại sân bay Nội Bài (Hà Nội).
Tháp tùng Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc và phu nhân có: Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư, Chánh Văn phòng Trung ương Thái Kỳ; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương Đảng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị; Bí thư Ban Bí thư, Ủy viên Quốc vụ, Phó Bí thư Ủy ban Chính pháp Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an Vương Tiểu Hồng; Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Đảng Lưu Kiến Siêu.
Ngoài ra đoàn còn có: Chủ nhiệm Văn phòng Nghiên cứu Chính sách Trung ương Giang Kim Quyền; Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trình San Khiết; Bộ trưởng Bộ Thương mại Vương Văn Đào; Bí thư Đảng ủy Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây Lưu Ninh; Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam Vương Ninh; Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba; cùng lãnh đạo một số bộ ngành.
Đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình và đoàn tại sân bay có: Thủ tướng Phạm Minh Chính; Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải; Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh; lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và thành phố Hà Nội...
Rất nhiều phóng viên Việt Nam và quốc tế đã có mặt tại sân bay từ rất sớm để ghi lại những hình ảnh đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và đoàn tại Hà Nội.
Chiều nay, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ dự lễ đón cấp Nhà nước do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì tại Phủ Chủ tịch. Sau đó, hai Tổng Bí thư dẫn đầu đoàn cấp cao 2 nước tiến hành hội đàm.
Tối cùng ngày, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc và phu nhân sẽ dự tiệc chiêu đãi do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và phu nhân chủ trì.
Ngày thứ hai của chuyến thăm, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhà lãnh đạo Trung Quốc sau đó sẽ có các cuộc hội kiến với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Đặc biệt, trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và phu nhân cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân sẽ giao lưu nhân sỹ hữu nghị, thế hệ trẻ Việt Nam – Trung Quốc.
Phu nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc, bà Bành Lệ Viên cũng sẽ có một số hoạt động về văn hóa, giáo dục nhân dịp này.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo cao nhất Trung Quốc đến Việt Nam sau Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc và một năm sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 10/2022.
Chuyến thăm của ông Tập Cận Bình cũng diễn ra đúng dịp 2 nước kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác Chiến lược toàn diện.
Sáng nay, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có bài viết hơn 3.000 chữ đăng trên Báo Nhân Dân nói về quan hệ 2 nước. Ông chia sẻ, đây là lần thứ ba ông đặt chân đến đất nước Việt Nam tươi đẹp kể từ khi đảm nhiệm cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc, "cảm thấy vô cùng thân thiết, giống như đến thăm họ hàng, láng giềng".
Chủ tịch Tập Cận Bình cũng nêu "4 kiên trì" trong quan hệ Việt - Trung.
Thứ nhất, kiên trì tin cậy lẫn nhau, lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước thường xuyên thăm lẫn nhau như họ hàng thân thiết.
Thứ hai, Trung - Việt kiên trì hài hòa lợi ích. Trung Quốc lâu nay là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khối các nước ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trên toàn cầu. Nhà lãnh đạo Trung Quốc nêu ra hàng loạt vấn đề 2 nước đã, đang và sẽ hợp tác.
Hàng nông sản nhập khẩu từ Việt Nam như rau quả rất được người tiêu dùng Trung Quốc ưa thích. Nguyên liệu và thiết bị máy móc do Trung Quốc xuất khẩu đóng góp nhiều cho sự phát triển ngành chế tạo Việt Nam.
Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông do doanh nghiệp Trung Quốc xây dựng là đường sắt đô thị đầu tiên của Việt Nam, đã vận chuyển gần 20 triệu lượt hành khách.
Doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư hình thành cụm ngành công nghiệp điện mặt trời nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam.
Thứ ba, Trung - Việt kiên trì hữu nghị, thân thiết. 10 tháng đầu năm, có hơn 1,3 triệu lượt du khách Trung Quốc đến Việt Nam, khu du lịch hợp tác qua biên giới, thác Đức Thiên - Bản Giốc đã được đưa vào vận hành thí điểm.
Các tác phẩm kinh điển truyền thống Trung Quốc được nhiều người dân Việt Nam biết đến, các tác phẩm truyền hình đương đại Trung Quốc cũng rất được người dân Việt Nam yêu thích. Nhiều ca khúc nhạc trẻ Việt Nam đang rất thịnh hành trên mạng xã hội Trung Quốc, ca sĩ Việt Nam nhận được số lượng lớn người hâm mộ Trung Quốc khi tham gia chương trình truyền hình giải trí của Trung Quốc.
Cuối cùng, Trung - Việt kiên trì đối xử chân thành. Hai nước đều giương cao ngọn cờ chủ nghĩa đa phương, nhấn mạnh kiên trì đối thoại hiệp thương, hòa bình hợp tác, kiên định giữ gìn chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế với cơ sở là tôn chỉ và nguyên tắc Hiến chương Liên Hợp Quốc.
"Người thân mong người thân tốt, láng giềng mong láng giềng tốt", ông Tập Cận Bình viết.