Ủy ban Pháp luật và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam làm việc về dự án Luật Nhà ở sửa đổi.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Ngọ Duy Hiểu cho biết, quy định Tổng liên đoàn lao động được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn trong Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ “chăm lo và bảo vệ quyền lợi ích chính đáng của người lao động” theo quy định của luật Công đoàn 2012.
Ông Ngọ Duy Hiểu nói rõ, Tổng liên đoàn lao động tham gia đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân lao động là hoạt động có tính chất kinh tế nhưng không nhằm mục đích lợi nhuận, không nhằm cạnh tranh với các doanh nghiệp bất động sản. Đây là phương thức hoạt động để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chăm lo cho người lao động.
Trong bối cảnh hiện nay, nhà ở xã hội cho người lao động đang trở thành vấn đề cần thiết và cấp bách, là hệ luỵ của một thời gian dài các địa phương tập trung phát triển nhanh các khu công nghiệp nhưng “sao nhãng” việc đảm bảo các điều kiện ăn, ở cho người lao động.
Hơn nữa các chủ thể trong xã hội chưa “mặn mà” với việc đầu tư nhà ở xã hội. Do vậy, cần thiết phát huy sự tham gia của các chủ thể có điều kiện, nguồn lực trong xã hội như Tổng liên đoàn lao động. Trong đó, Nhà nước, doanh nghiệp vẫn là lực lượng chủ yếu trong đầu tư phát triển nhà ở xã hội.
Ông Hiểu cho rằng, sự tham gia của Tổng liên đoàn lao động đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân lao động xét trong hiện tại và tương lai là cần thiết, nhằm khẳng định vai trò, vị thế là tổ chức đại diện cho người lao động.
Tuy nhiên, ông Hiểu cho biết, theo quy định Luật Nhà ở 2014, chủ thể phát triển nhà ở xã hội gồm nhà nước; doanh nghiệp, hợp tác xã; hộ gia đình, cá nhân, không có Tổng liên đoàn. Thực tế, các dự án nhà ở xã hội do doanh nghiệp và Nhà nước thực hiện chưa đáp ứng nhu cầu công nhân, người lao động.
Trong khi đó, Tổng Liên đoàn Lao động có nguồn lực tài chính, mong muốn tham gia song lại vướng Luật Đầu tư công, Luật Nhà ở. Pháp luật chưa quy định dẫn đến thiếu cơ sở pháp lý để triển khai và không phát huy được hiệu quả của chủ thể và nguồn vốn này.
Ông Hiểu cho rằng, vốn đầu tư nhà ở xã hội lấy từ nguồn tài chính công đoàn là phù hợp với Luật Công đoàn. Luật này quy định nội dung chi tài chính có phục vụ "hoạt động chăm lo khác cho người lao động".
Đồng tình chăm lo nhà ở cho công nhân là chức năng quan trọng của công đoàn, phục vụ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động, tuy nhiên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật QH Hoàng Thanh Tùng cho biết, Luật kinh doanh bất động sản quy định chủ thể phải có chức năng kinh doanh mới có thể bán, cho thuê và thuê mua nhà ở.
Theo Luật Đất đai, Tổng liên đoàn lao động cũng không phải tổ chức kinh tế nên không thuộc nhóm được giao đất để đầu tư dự án nhà ở. Vì vậy, nếu Tổng Liên đoàn muốn tham gia vào lĩnh vực này, cần điều chỉnh một số luật hiện hành.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị cơ quan soạn thảo phối hợp bộ, ngành xây dựng dự án luật phân định rõ nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, kèm theo điều kiện, tiêu chuẩn đối với từng loại hình.
Kết thúc buổi làm việc, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Nguyễn Đình Khang mong muốn Ủy ban Pháp luật tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng từ phía tổ chức Công đoàn và tâm tư, nguyện vọng của công nhân viên chức lao động để thể hiện đầy đủ nhất.
Dự kiến dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp 6, cuối năm nay