Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin thiết yếu phục vụ chuyển đổi số được chú trọng đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp và giải quyết thủ tục hành chính cho DN, người dân ngày một tốt hơn.
UBND TP. Bến Tre phối hợp với các đơn vị tập huấn kiến thức, kỹ năng số, đăng ký chữ ký số cho thành viên tổ chuyển đổi số cộng đồng.
Chính quyền số
Trong năm 2023, công tác CĐS được Ban Chỉ đạo CĐS thành phố triển khai thí điểm và từng bước có hiệu quả trên cả 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Thực hiện phương châm “CĐS phải lấy người dân là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu của sự phát triển”, các giải pháp CĐS trên địa bàn đều được nhân dân TP. Bến Tre nhiệt tình hưởng ứng tham gia. Tính đến ngày 15/8/2023, tổng số hồ sơ tiếp nhận và giải quyết trên dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) 8.249 hồ sơ.
Tỷ lệ sử dụng dịch vụ công mức độ 3, 4, đến nay toàn thành phố đạt 87,3% (vượt 174,6% so với chỉ tiêu của tỉnh là 50%; vượt 140,8% so với chỉ tiêu kế hoạch của thành phố 62%).
Một vài kết quả khác về chính quyền số: 100% lãnh đạo thành phố, các phòng, ban chuyên môn thành phố và UBND cấp xã, phường được cấp chữ ký số chuyên dùng. 100% cán bộ, công chức cấp thành phố, cấp xã, phường được cấp tài khoản và sử dụng thư điện tử công vụ, hệ thống quản lý văn bản và điều hành.
100% các cơ quan quản lý nhà nước cấp thành phố và cấp xã, phường sử dụng Hệ thống quản lý văn bản và điều hành phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành đạt tỷ lệ trên 99% (trừ những văn bản mật).
Kinh tế số
Đối với kinh tế số, theo thống kê, TP. Bến Tre có 202 hộ kinh doanh và 1.611 DN thực hiện sử dụng chữ ký số và hóa đơn điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thành phố triển khai cho người dân ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh như: thực hiện mô hình tưới tiết kiệm trên vườn bưởi, vườn kiểng trên địa bàn xã Phú Nhuận, Mỹ Thạnh An.
Hướng tới thực hiện hỗ trợ ứng dụng tem điện tử (QR Code) trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa và tăng cường liên kết trong sản xuất, phân phối, tiêu thụ sản phẩm.
Tăng cường xúc tiến thương mại điện tử, bán hàng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử như postmart.com.vn (Bưu điện), voso.vn (Viettel), hội chợ thương mại, triển lãm các sản phẩm chủ lục, thế mạnh của TP. Bến Tre, đặc biệt 38 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên đến với người tiêu dùng.
Đồng thời, khuyến khích các cơ sở, DN, hợp tác xã thiết lập các website ứng dụng thương mại điện tử để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa trong nội địa và xuất khẩu, đặc biệt là chuyên doanh thực phẩm an toàn trên môi trường mạng.
Hiện TP. Bến Tre thực hiện thí điểm xây dựng “Tuyến phố không tiền mặt” tại tuyến đường đại lộ Đồng Khởi (đoạn từ Công viên Bến Tre đến vòng xoay Tân Thành); tuyến đường Nguyễn Đình Chiểu (vòng xoay An Hội đến cầu Cá Lóc).
Đồng thời, mỗi xã, phường xác định tuyến đường, tiến hành vận động các hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất, kinh doanh, xây dựng “Tuyến phố không tiền mặt” tại địa phương và nhân rộng khắp địa phương trong những năm tiếp theo.
Xã hội số
Về xây dựng đô thị thông minh, TP. Bến Tre tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 của dự án “Cải tạo hệ thống chiếu sáng công cộng bằng đèn LED ứng dụng công nghệ IOT - Nền tảng xây dựng thành phố thông minh. UBND TP. Bến Tre cũng đang phối hợp với Viễn thông Bến Tre triển khai thí điểm 13 camera giám sát tại các vị trí trọng điểm và tận dụng 26 camera của các xã, phường trên địa bàn.
Tại UBND phường An Hội, địa bàn điểm thực hiện CĐS đã triển khai nhiều giải pháp cơ bản hiệu quả. Theo Chủ tịch UBND phường An Hội Nguyễn Thị Kim Chi, phường đã xây dựng trang thông tin điện tử của phường, lắp đặt hệ thống wifi miễn phí tại các nơi công cộng.
Tại bộ phận một cửa, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Học tập cộng đồng phường An Hội, lắp đặt máy thanh toán thu tiền phí, lệ phí tự động không dùng tiền mặt. Trên địa bàn phường đã được lắp đặt hệ thống camera trên tất cả các tuyến đường chính và ngõ hẻm, lắp đặt 7 cụm loa truyền thanh thông minh không dây.
Tỷ lệ sử dụng dịch vụ công mức độ 3, 4 đến nay đạt 92,03%, trong đó người dân trực tiếp thao tác thực hiện và không cần cán bộ nhập thay là 67%.
Hoạt động của Tổ CĐS cộng đồng các cấp góp phần quan trọng trong công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về mục tiêu CĐS. Hướng dẫn người dân tạo tài khoản, sử dụng hiệu quả các ứng dụng như: định danh điện tử VNeID mức độ 1, 2, DVCTT, sổ sức khỏe điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt…
100% trường THCS, 50% trường tiểu học có triển khai giới thiệu mô hình giáo dục STEAM/STEAME, đào tạo tiếng Anh và kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, phát triển tư duy lập trình, triển khai các chương trình về khoa học máy tính phù hợp, dạy học trực tuyến, lưu trữ bài dạy e-Learning...
Triển khai tiếp nhận khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip VNeID và ứng dụng VssID. Đến nay, có hơn 14 ngàn lượt khám chữa bệnh bằng cách quẹt thẻ căn cước công dân.
Thực hiện dán các mã QR Code phần mềm thuyết minh tự động các điểm di tích, văn hóa, lịch sử như: đình Phú Tự, đình An Hội, tòa thánh Cao đài Ban chỉnh đạo Bến Tre, tượng đài Chiến thắng trên sông để giúp người dân và du khách thuận tiện tiếp cận thông tin khi đến tham quan tại các điểm du lịch.
“Trong thời gian tới, TP. Bến Tre tiếp tục triển khai hiệu quả nhiệm vụ CĐS trên 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Chú trọng việc xây dựng, tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cho thành phố, để đội ngũ này trở thành hạt nhân nòng cốt tham mưu, thực hiện, giúp việc cho cấp ủy, chính quyền các cấp về CĐS. Tiếp tục triển khai, nhân rộng các nội dung, mô hình CĐS hiện có. Đặc biệt, các nền tảng số tới 100% cán bộ, công chức, viên chức để hình thành các công chức số, thúc đẩy chính quyền số phát triển mạnh mẽ hơn; đẩy mạnh việc sử dụng, cung cấp các nền tảng số phục vụ người dân và DN trong lĩnh vực quản lý của cơ quan, địa phương”, (Chủ tịch UBND TP. Bến Tre Huỳnh Vĩnh Khánh)
Bài, ảnh: Thanh Đồng (Báo Đồng Khởi)