Mục tiêu tăng trưởng 8% khó khả thi
Theo Cục Thống kê TP.HCM, trong tháng 4, chỉ số kinh tế của thành phố đã có một vài tín hiệu tích cực, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 ước tăng 12,2% so tháng trước; tăng 6,2% so tháng 4/2022. Nếu cộng dồn 4 tháng đầu năm, chỉ số này tăng 5% so cùng kỳ.
Trong khi, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 4 năm 2023 ước tính tăng 3% so với tháng trước và tăng 8,1% so với cùng kỳ.
Dẫu vậy, tình hình đăng ký thành lập doanh nghiệp trong nước 4 tháng qua cho thấy, doanh nghiệp thành phố gặp khó về vốn. Cụ thể, từ ngày 1/1-20/4, thành phố đã cấp phép hơn 14.700 doanh nghiệp với vốn đăng ký đạt hơn 144.500 tỷ đồng, tăng 9,6% về giấy phép nhưng giảm 24,8% về vốn so với cùng kỳ.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài FDI vào thành phố 4 tháng đầu năm, là 979,6 triệu USD, giảm 23,4% so với cùng kỳ.
Trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm, chính quyền TP.HCM nhìn nhận, các ngành công nghiệp, thương mại có sự khởi sắc, đặc biệt là du lịch, vận tải hành khách tăng cao. Tuy nhiên, số doanh nghiệp thành lập mới giảm về nguồn vốn, sức mua trong nước hồi phục còn chậm, thị trường xuất khẩu đầu ra bị ảnh hưởng, đầu tư nước ngoài vào địa phương giảm so với cùng kỳ.
TP.HCM đề ra mục tiêu tăng trưởng năm 2023 là 7,5-8%. Với bối cảnh như hiện nay, nhiều khả năng kịch bản bất lợi sẽ xảy ra và khả năng đạt 8% sẽ rất khó khả thi. Tuy nhiên, chính quyền thành phố chưa đặt vấn đề điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng, mà tập trung thực hiện các giải pháp để tăng trưởng cả năm đạt từ 7,5%, tạo đà cho các năm tiếp theo.
Đáng chú ý, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM (HIDS) đưa ra kịch bản tăng trưởng trong quý II/2023, dự báo điểm cao nhất chỉ là 3,27%. Sang quý III, dự báo điểm cao nhất lên tới 16,52%, thấp nhất là 16,16%; quý IV thấp nhất cũng đạt 10,13% và cao nhất đạt 12,14%. Từ mức tăng trưởng các quý tiếp theo cao, sẽ kéo theo tăng trưởng cả năm đạt 7,5%.
Như vậy, HIDS đang kỳ vọng thành phố sẽ tăng trưởng bứt phá vào hai quý cuối năm, vực dậy chỉ số tăng trưởng cả năm.
Cần đánh giá lại các chính sách, tính toán hiệu quả đầu tư
Để đạt được kết quả tăng trưởng trên, địa phương sẽ tận dụng thuận lợi từ môi trường vĩ mô đang có chiều hướng tốt hơn từ quý II/2023; đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và tập trung phát triển cơ sở hạ tầng; tháo gỡ vướng mắt về thủ tục hành chính cho các dự án, nhất là các dự án bât động sản; kích cầu tiêu dùng nội địa và xuất khâu; thực thi công vụ hiệu quả...
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, ông Nguyễn Phước Hưng đánh giá, cộng đồng doanh nghiệp vẫn giữ niềm tin hoạt động kinh doanh ổn định, khởi sắc trong những tháng cuối năm. Hiện, doanh nghiệp đang cơ cấu lại bộ máy, tiết kiệm chi phí để cố gắng vượt qua giai đoạn này.
Cũng theo ông Hưng, do nền kinh tế có độ mở lớn, GRDP của thành phố bị tác động rất rõ từ suy thoái kinh tế, nhiều ngành hàng, lĩnh vực có chỉ số giảm không ngờ. TP.HCM đang cố gắng giải quyết từng vấn đề.
Lãnh đạo TP đang yêu cầu các sở, ngành tập trung giải quyết nhanh các kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp, không giải quyết thì phải có ý kiến rõ, trả lời cho doanh nghiệp chứ không được ngâm hồ sơ.
TS. Chu Thanh Tuấn, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Kế toán và Luật, Đại học RMIT Việt Nam cho rằng, TP.HCM cần xác định các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, dựa trên các chỉ tiêu quốc gia, quốc tế. Lãnh đạo địa phương cần đánh giá lại các chính sách và cơ chế hiện tại, tập trung vào các trọng điểm và tính toán hiệu quả đầu tư. Bất kỳ chính sách hoặc cơ chế nào không hiệu quả hoặc khó triển khai cần được loại bỏ để giúp thành phố lấy lại đà tăng trưởng.
"Thành phố có thể góp vốn vào các dự án trọng điểm, khuyến khích tự do trao đổi vốn, bỏ các quy định, chính sách, giấy phép và thủ tục không cần thiết. Cơ chế hỗ trợ hành chính một cửa cũng được áp dụng để thu hút vốn đầu tư FDI, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp", ông nói.
Cũng theo TS. Tuấn, về lâu dài, thành phố nên hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế; thu hút nhà đầu tư nước ngoài có uy tín, kinh nghiệm và cam kết đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội.