Tại buổi họp báo chiều 13/4, ông Lê Tôn Cường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN-PTNT TP.HCM) đã thông tin về tình hình sản xuất, xuất khẩu cá cảnh trên địa bàn. Ngành hàng cây con chủ lực này của thành phố đang có dấu hiệu sụt giảm lượng sản xuất.
Theo ông Cường, trong 4 tháng đầu năm 2023, số lượng cá cảnh thành phố sản xuất là 37,4 triệu con (giảm 11,3% so với cùng kỳ, năm 2022 là 42,18 triệu con); số lượng cá cảnh xuất khẩu là hơn 4,12 triệu con, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2022; giá trị xuất khẩu đạt 4,28 triệu USD, tăng 1%.
Nguyên nhân khiến sản lượng giảm, ông cho hay, là bởi một số cơ sở/hộ nuôi cá cảnh ở các huyện Bình Chánh (xã Tân Nhựt, Bình Lợi,... ), huyện Củ Chi (xã Thái Mỹ... ) đã tạm ngưng sản xuất do thị trường tiêu thụ cá cảnh trong nước và xuất khẩu chưa khởi sắc, ảnh hưởng từ kinh tế toàn cầu. Người nuôi thu hẹp đối tượng nuôi, giảm sản lượng so với trước.
Đồng thời, một số đối tượng cá cảnh nuôi phổ biến (cá chép, cá bảy màu, cá chuột) được chuyển đổi sang nuôi ở các tỉnh lân cận như Tiền Giang, Long An.
Thống kê từ Sở NN-PTNT, giai đoạn 2010-2019, tổng sản lượng cá cảnh của thành phố tăng đều mỗi năm, trung bình 15%/năm (năm 2010 là 60 triệu con, đến năm 2019 là 205 triệu con). Tuy nhiên, giai đoạn 2020-2022, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các ngành nghề và lĩnh vực cá cảnh. Sản lượng sản xuất cá cảnh giảm trên 50% trong năm 2021 (chỉ đạt 100 triệu con).
Hiện tổng diện tích nuôi cá cảnh toàn TP.HCM là khoảng 90ha, với khoảng gần 300 cơ sở và hộ nuôi, trong đó có các hình thức nuôi như: nuôi trong hồ kính, nuôi hồ xi măng lót bạt, nuôi ao, nuôi trong keo/hủ/bình/thao/chậu...
Thị trường xuất khẩu cá cảnh của TP.HCM lên tới 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, thị trường châu Âu chiếm khoảng 50-60%, còn lại là các thị trường châu Á, châu Mỹ, Trung Đông và Nam Phi.