Chủ trương đầu tư dự án nói trên do ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM, trình bày tại kỳ họp thứ 10, HĐND TP.HCM khóa X, ngày 10/7.

Dự kiến, dự án được thực hiện trong giai đoạn 2023-2026 và do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực quận Bình Tân làm chủ đầu tư. Tổng vốn 1.497 tỷ đồng từ ngân sách thành phố. 

Cụ thể, giai đoạn 1 thực hiện từ năm 2014, đã bốc và di dời 13.610/15.539 mộ, đạt tỉ lệ 87,58%. Giai đoạn 2 thực hiện từ năm 2017, đã bốc và di dời 10.833/16.848 mộ, đạt tỷ lệ 64,30%.

Theo Chủ tịch UBND - ông Phan Văn Mãi, việc tiếp tục triển khai di dời mộ đối với dự án đầu tư hạ tầng trường học, công viên cây xanh trong phạm vi nghĩa trang Bình Hưng Hòa giai đoạn 3 này là cấp thiết, góp phần chỉnh trang đô thị, giải quyết ô nhiễm môi trường, nhằm phấn đấu hoàn chỉnh chỉ tiêu đến năm 2025 xây mới 700-1.000 phòng học.

Chủ tịch UBND TP.HCM - ông Phan Văn Mãi, trình bày dự án đầu tư hạ tầng, trường học, công viên cây xanh tại nghĩa trang Bình Hưng Hòa tại kỳ họp thứ 10, HĐND TP.HCM khóa X, ngày 10/7. Ảnh: Nguyễn Huế

Do đó, UBND TP.HCM đề xuất bố trí vốn trong giai đoạn 2021-2025 với hơn 700,5 tỷ đồng và giai đoạn 2026-2030 là 650 tỷ đồng. Trong đó, năm 2023 dự án được bố trí 500 tỷ đồng, năm 2024 là 400 tỷ đồng, năm 2025 là 300 tỷ đồng và năm 2026 là 650 tỷ đồng.

Dự án có diện tích đất xây dựng công trình là 17,3ha. Các hạng mục chính của dự án gồm xây mới trường THCS, san lấp nền, đầu tư hạ tầng giao thông, cấp thoát nước, hệ thống điện, trồng cây xanh, xây đường dạo, lắp hệ thống chiếu sáng.

Dự kiến năm học 2023-2024, TP.HCM sẽ tăng thêm 35.055 học sinh, đưa tổng học sinh của TP lên hơn 1,7 triệu em. Nhìn chung, số học sinh trong năm học 2023 - 2024 tăng nhiều ở cấp học THCS, THPT tập trung tại thành phố Thủ Đức và một số quận, huyện như: Quận 12, quận Gò Vấp, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và huyện Hóc Môn, do đây là khu vực đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh, nên tình trạng dân số tăng cơ học cao.

Việc gia tăng số học sinh nêu trên dẫn đến tăng số cán bộ, giáo viên, nhân viên và tăng biên chế sẽ làm tăng nguồn chi của ngân sách thành phố. Hiện nay địa bàn một số quận, huyện có nhiều trường tiểu học có quy mô sĩ số trên 45 học sinh/lớp đã hạn chế phần nào công tác quản lý và chất lượng giảng dạy, chưa đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Để chuẩn bị cho năm học mới, dự kiến thành phố sẽ đưa vào sử dụng trong năm 2023 là 48 dự án với 672 phòng học mới (số phòng học tăng thêm là 371 phòng) với tổng mức đầu tư: 1.503.492 triệu đồng. Trong đó, dự kiến sẽ đưa vào sử dụng ngày 5/9 là 27 dự án với 441 phòng học mới (số phòng học tăng thêm là 282 phòng) với tổng mức đầu tư: 1.066.492 triệu đồng.

Số phòng học mới lần lượt ở các cấp học cụ thể: Mầm non: 68 phòng học (tăng thêm 68 phòng); Tiểu học: 197 phòng học (tăng thêm 117 phòng); THCS: 88 phòng học (tăng thêm 39 phòng); Khác: 88 phòng học (tăng thêm 58 phòng).

Dự kiến, đưa vào sử dụng từ sau ngày 5/9 đến đến hết tháng 12/2023 là 21 dự án với 231 phòng học mới (số phòng học tăng thêm là 89 phòng) với tổng mức đầu tư: 437.002 triệu đồng.

Số phòng học mới lần lượt ở các cấp học cụ thể là: Mầm non có 30 phòng học mới (tăng thêm 2 phòng); Tiểu học có 148 phòng học mới (tăng thêm 73 phòng); THCS có 53 phòng học mới (tăng thêm 14 phòng).

Tính đến tháng 6/2023, TP.HCM đã đạt 294 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học từ 3 đến 18 tuổi (ước thực hiện năm 2023 là 296). Qua đó, năm học 2023-2024 vẫn tiếp tục đảm bảo 100% con em sinh sống trên địa bàn có đủ chỗ học.