UBND TP.HCM vừa có văn bản phản hồi UBND tỉnh Đồng Nai về dự án Đường sắt nhẹ Thủ Thiêm- sân bay Long Thành.
Động thái được đưa ra vì trước đó UBND tỉnh Đồng Nai có công văn đề nghị UBND TP.HCM có ý kiến gửi Thủ tướng về việc giao tỉnh này là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm- Long Thành.
Theo đề án phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020-2030, trong giai đoạn 2026-2030 sẽ đầu tư tuyến đường sắt đô thị TP.HCM tuyến số 2- giai đoạn 2 (đoạn Bến Thành- Thủ Thiêm và Tham Lương- Bến xe Tây Ninh).
Do đó, việc kết nối từ ga Thủ Thiêm đến sân bay quốc tế Long Thành là phù hợp và cần thiết nhằm tạo mạng lưới giao thông đồng bộ thông suốt, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và hành khách, góp phần giảm tải ùn tắc, tai nạn giao thông.
Tuy nhiên, UBND TP cho biết, đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành nằm trong nhóm 9 tuyến đường sắt quy hoạch mới thuộc mạng lưới đường sắt quốc gia đến năm 2030. Luật đường sắt 2017 hiện không quy định việc UBND cấp tỉnh tổ chức đầu tư các tuyến đường sắt thuộc mạng lưới đường sắt quốc gia.
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2025, đầu mối liên hệ đối với dự án đường sắt nhẹ nêu trên là Vụ Đối tác công tư (Bộ Giao thông vận tải).
Về thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP), Nghị định 35 của Chính phủ hướng dẫn, đối với dự án đi qua hai tỉnh trở lên, các địa phương có dự án báo cáo HĐND cấp tỉnh xem xét, đồng thuận về việc đề xuất thực hiện dự án.
Nội dung đề xuất gồm tên dự án, quy mô, địa điểm, tổng mức đầu tư sơ bộ, vốn đầu tư của Nhà nước trong dự án PPP và phân chia trách nhiệm chi trả nguồn ngân sách của từng địa phương.
Căn cứ văn bản đồng thuận của HĐND cấp tỉnh, UBND cấp tỉnh thống nhất với bộ chuyên ngành về việc giao một địa phương làm cơ quan có thẩm quyền.
Trên cơ sở đó, UBND TP.HCM cho rằng tỉnh Đồng Nai cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải đề xuất cấp thẩm quyền quyết định giao cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án đường sắt nhẹ đảm bảo đúng thẩm quyền, phù hợp với quy định về đầu tư PPP, quy định về đường sắt và chủ trương chung của Chính phủ.
Trường hợp đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định, UBND TP thống nhất đề xuất UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư PPP.
Theo quy hoạch đến năm 2030, ở phía Nam có 4 tuyến đường sắt gồm Biên Hòa - Vũng Tàu; tuyến TP.HCM - Cần Thơ từ ga An Bình đến ga Cái Răng dài 174 km; tuyến TP.HCM - Lộc Ninh từ ga Dĩ An đến biên giới Việt Nam - Campuchia (cửa khẩu Hoa Lư) dài 128 km; tuyến Thủ Thiêm - Long Thành. Trong đó, tuyến Thủ Thiêm - Long Thành và Biên Hòa - Vũng Tàu nằm trong danh mục các dự án quốc gia kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025 đã được Bộ GTVT đề xuất. Tháng 12/2021, tỉnh Đồng Nai kiến nghị Chính phủ giao cho tỉnh này làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền đầu tư hai tuyến đường sắt theo hình thức đối tác công tư (PPP). Hồi cuối tháng 3/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo Bộ GTVT thống nhất với các địa phương (Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, TP.HCM) để xây dựng đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - sân bay Long Thành và Biên Hòa - Vũng Tàu, đảm bảo phù hợp quy hoạch, đúng thẩm quyền. |
Tuấn Kiệt
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các bộ, địa phương liên quan thống nhất về phương án đầu tư dự án đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu và dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – cảng hàng không quốc tế Long Thành.