UBND TP.HCM vừa báo cáo Bộ Xây dựng về số liệu nhà ở và thị trường bất động sản trên địa bàn thành phố quý III/2021.
Theo UBND TP.HCM, trong quý III/2021, thị trường bất động sản thành phố phát triển chậm hơn so với quý trước và cùng kỳ.
Nguyên nhân là do TP.HCM vẫn đang chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, đang trong giai đoạn giãn cách xã hội nên không có biến động về số lượng cũng như giá nhà ở trên diện rộng.
Nguồn cung nhà ở tại các dự án rất hạn chế, hầu như không có. Nếu như quý II/2021, thị trường bất động sản TP.HCM vẫn có hoạt động nhưng chậm lại, có xu hướng lệch về phía phân khúc nhà ở bình dân, thì đến quý III/2021 hầu như không có giao dịch.
Thị trường bất động sản TP.HCM tiếp tục ‘vắng bóng’ nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân. |
Trong quý III/2021, Sở Xây dựng TP.HCM đã xác nhận đủ điều kiện huy động vốn, được phép bán nhà ở hình thành trong tương lai cho 1 dự án, với tổng số 352 căn. Nguồn cung nhà ở này đã giảm 85,7% so với quý trước và giảm 87,5% về nguồn cung dự án so với cùng kỳ năm ngoái.
Cũng trong quý này, tại TP.HCM không có dự án nào được cho phép chuyển nhượng đất đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để xây nhà ở, tức dự án đất nền. Thị trường tiếp tục “vắng bóng” nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân.
UBND TP.HCM đánh giá, thị trường bất động sản phát triển chưa thật sự ổn định, nguồn cung giảm, đặc biệt là phân khúc nhà ở bình dân, chưa đáp ứng nhu cầu thực của thị trường.
Về số liệu tồn kho bất động sản, UBND TP.HCM cho rằng Thành phố là đô thị đặc biệt, có thị trường bất động sản rộng lớn với nhiều dự án nhà ở được đầu tư.
Trong lĩnh vực bất động sản, sản phẩm nhà ở đã hoàn thiện mà tồn kho mới đáng lo ngại. Bởi lẽ, một căn hộ hay dự án nếu không sử dụng mà để càng lâu sẽ càng xuống cấp, doanh nghiệp phải tốn chi phí quản lý, bảo dưỡng… còn tồn kho bất động sản đang trong quá trình đầu tư xây dựng thì không đáng lo ngại.
Theo yêu cầu của Bộ Xây dựng, số liệu tồn kho bất động sản được tính từ thời điểm sau một năm kể từ ngày bất động sản đó đủ điều kiện được đưa vào kinh doanh nhưng chưa bán hoặc chưa bán được. Trên cơ sở này, Sở Xây dựng TP.HCM không có số liệu.
TP.HCM khó kiểm soát chủ đầu tư dự án ‘lách luật’ huy động vốn
Một căn hộ bán cho nhiều người; chưa hoàn thiện pháp lý nhưng chủ đầu tư đã nhận đặt cọc, giữ chỗ; đơn vị môi giới, phát triển dự án thông tin không trung thực để ‘bẫy’ khách hàng…Đây là thực trạng trong giao dịch BĐS ở TP.HCM.
Anh Phương