Giải pháp quan trọng của Chương trình chuyển đổi số thành phố
TP.HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Chương trình chuyển đổi số, sau khi “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 3/6/2020.
Theo UBND TP.HCM, Kiến trúc Chính quyền điện tử TP.HCM mới cập nhật, điều chỉnh là một giải pháp quan trọng hàng đầu của cả Đề án đô thị thông minh và Chương trình chuyển đổi số thành phố. Kiến trúc này hỗ trợ việc phát triển, xác định chi tiết về chia sẻ dữ liệu, kết nối liên thông, tiêu chuẩn công nghệ… để có thể triển khai các giải pháp công nghệ theo định hướng đô thị thông minh và chính quyền số một cách đồng bộ, nhất quán, hiệu quả, gỉảm thiểu lãng phí nguồn lực của thành phố.
Việc TP.HCM ra quyết định cập nhật Kiến trúc Chính quyền điện tử thành phố cũng nhằm đảm bảo Kiến trúc này phù hợp Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0 được Bộ TT&TT ban hành hồi cuối năm ngoái.
Cùng với đó, đảm bảo rằng các chương trình đầu tư CNTT của thành phố đạt được hiệu quả đúng mục tiêu đề ra; đồng thời đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, liên thông của các hệ thống thông tin của thành phố, theo kịp sự phát triển nhanh chóng của các giải pháp công nghệ mới như dữ liệu lớn, ảo hoá, điện toán đám mây, xu hướng tăng cường tính di động, Internet vạn vật.
Kiến trúc Chính quyền điện tử TP.HCM mới cập nhật là cơ sở để các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện và phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố có thể tham chiếu khi phát triển, nâng cấp, kết nối và triển khai các hệ thống thông tin tại đơn vị.
Kiến trúc chính quyền điện tử TP.HCM xây dựng kế hoạch phát triển và lộ trình triển khai ứng dụng CNTT giai đoạn 2021 - 2025 (Ảnh: hanoimoi.com.vn) |
Ủy ban nhân dân TP.HCM chỉ rõ, xây dựng Kiến trúc Chính quyền điện tử thành phố nhằm xác định quá trình chuyển đổi về trạng thái ứng dụng CNTT của bộ máy chính quyền thành phố từ trạng thái hiện tại tới trạng thái đích vào năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030, đáp ứng các mục tiêu chiến lược của TP.HCM phát triển thành một “Đô thị thông minh”, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội và chính quyền một cách hiệu quả.
Mục tiêu chính Kiến trúc Chính quyền điện tử TP.HCM là đảm bảo các chương trình đầu tư công nghệ và chuyển đổi số đạt được thành quả như đúng mục tiêu đề ra, đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân, doanh nghiệp, đồng thời vẫn đáp ứng các yêu cầu về quản lý nhà nước.
Kiến trúc Chính quyền điện tử TP.HCM được xây dựng với 5 kiến trúc thành phần cơ bản gồm: Kiến trúc nghiệp vụ, Kiến trúc thông tin, Kiến trúc ứng dụng, Kiến trúc công nghệ và Kiến trúc An toàn thông tin. Kiến trúc này sẽ giúp các sở, ban, ngành, quận, huyện, phường, xã, thị trấn và các cơ quan nhà nước khác trực thuộc thành phố hiểu rõ vị trí, trách nhiệm của mình trong việc ứng dụng và phát triển CNTT một cách toàn diện và đồng bộ.
Chuyển đổi dần sang Chính quyền số
Cùng với việc lý giải cụ thể các cách thức, nguyên tắc cập nhật Kiến trúc Chính quyền điện tử TP.HCM, trong bản Kiến trúc mới được điều chỉnh, UBND TP.HCM cũng vạch rõ định hướng phát triển Chính quyền điện tử thành phố.
Theo đó, TP.HCM định hướng Chính quyền điện tử thành phố chuyển đổi dần sang Chính quyền số để phù hợp với vai trò của chính quyền quản lý đô thị thông minh; Thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước và làm cho các dịch vụ công đơn giản, rõ ràng, nhanh và hiệu quả hơn để người dân được trải nghiệm các dịch vụ công tốt hơn.
Bên cạnh đó, ứng dụng CNTT rộng rãi và hiệu quả trong mọi hoạt động của các cơ quan nhà nước thành phố làm cơ sở để phục vụ cải cách hành chính, triển khai ứng dụng CNTT kết hợp với Hệ thống ISO điện tử, nâng cao năng suất lao động, góp phần hiện đại hóa nền hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố, đảm bảo an toàn thông tin.
Đặc biệt, hệ thống dịch vụ công trực tuyến sẽ được triển khai đa dạng về hình thức truy cập giúp thu hút người dân, tổ chức, doanh nghiệp cùng tham gia các hoạt động của các cơ quan nhà nước, cho phép người dân chỉ truy cập vào một địa chỉ duy nhất và đăng nhập một lần mà có thể thực hiện được toàn bộ các giao dịch với chính quyền. Người dân và các tổ chức có thể dễ dàng tiếp cận thông tin của chính quyền các cấp, thông tin biểu mẫu, giấy tờ và hướng dẫn đầy đủ về thủ tục hành chính, dễ dàng thực hiện các dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 3, 4…
Sơ đồ tổng thể Kiến trúc Chính quyền điện tử TP.HCM. |
Các chỉ tiêu cơ bản TP.HCM hướng tới trong xây dựng Chính phủ điện tử đến năm 2025, theo Kiến trúc Chính quyền điện tử thành phố mới cập nhật, gồm có: 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phổ biến, liên quan tới nhiều người dân, doanh nghiệp được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia; 100% giao dịch trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử TP.HCM được xác thực điện tử; 40% số lượng người dân và doanh nghiệp tham gia hệ thống Chính quyền điện tử thành phố được xác thực định danh điện tử thông suốt và hợp nhất từ hệ thống trung ương;
Kho dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái dữ liệu mở của TP.HCM được kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia để phục vụ phát triển chính quyền số, phục vụ nhân dân và phát triển kinh tế xã hội; 100% hệ thống thông tin của các sở ngành, quận huyện có liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu; thông tin của người dân, doanh nghiệp đã được số hóa và lưu trữ tại Trung tâm dữ liệu thành phố không phải cung cấp lại…
Vân Anh
Kinh tế số sẽ chiếm 25% GRDP của TP.HCM vào năm 2025
Một mục tiêu cơ bản của Chương trình chuyển đổi số TP.HCM mới được phê duyệt là kinh tế số chiếm 25% GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn – PV), năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%.