Giá đất ở cao nhất tăng 21%
Sáng 22/10, UBND TPHCM chính thức ban hành quyết định điều chỉnh bảng giá đất năm 2020. Bảng giá đất này sẽ được áp dụng từ 31/10/2024 đến hết ngày 31/12/2025
Bảng giá đất điều chỉnh được UBND TP giao Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) xây dựng từ đầu tháng 7/2024 theo trình tự, thủ tục rút gọn, tức thời gian công bố thông tin và lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị được thực hiện trong 7 ngày. Đến ngày 30/7, Sở TN-MT đã trình bảng giá đất điều chỉnh cho Hội đồng thẩm định bảng giá đất TP.
Thời điểm đó, bảng giá đất điều chỉnh được người dân TP quan tâm và nhiều ý kiến cho rằng giá đất tăng quá cao sẽ dẫn đến tiền thuế, phí phải nộp khi người dân thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai cũng tăng theo.
Sau khi nhận được nhiều ý kiến góp ý và cân chỉnh giá đất cho phù hợp, ngày 14/10, Sở TN-MT đã trình lại cho Hội đồng thẩm định bảng giá đất TP. Tại báo cáo thẩm định, hội đồng thống nhất với đề xuất của Sở TN-MT.
Tại bảng giá mới ban hành, giá đất nông nghiệp được điều chỉnh bằng cách lấy giá đất tại bảng giá năm 2020 nhân với hệ số điều chỉnh (hệ số K) tương ứng theo từng khu vực, vị trí. So với giá cũ, giá đất nông nghiệp điều chỉnh tăng nhẹ.
Đối với đất ở, nếu như giá đất năm 2020 sau khi nhân với hệ số K chỉ bằng 30% giá thị trường thì bảng giá đất điều chỉnh bằng khoảng 50% giá thị trường.
Giá đất ở cao nhất tại TP thuộc các thửa đất tại ba tuyến đường Nguyễn Huệ, Đồng Khởi và Lê Lợi, quận 1 với mức 687,2 triệu đồng/m2. So với giá đất năm 2020 đã nhân với hệ số (567 triệu đồng/m2), giá đất ở sau điều chỉnh tại các tuyến đường trên tăng 120,2 triệu đồng/m2, tương ứng 21%. Trong khi tại dự thảo được đưa ra lấy ý kiến vào cuối tháng 7 vừa qua, giá đất ở tại ba tuyến đường trên là 810 triệu đồng/m2.
Giá đất ở thấp nhất TP tại Khu dân cư Thiềng Liềng, huyện Cần Giờ với mức 2,3 triệu đồng/m2. Tại bảng giá năm 2020 khi nhân với hệ số K, giá đất ở nơi đây chỉ 170.000 đồng/m2. Nay giá đất sau điều chỉnh tăng 13,5 lần.
Những trường hợp sử dụng đất nào bị ảnh hưởng?
Theo Sở TN-MT, bảng giá đất cũ được sử dụng làm căn cứ tính thuế và tiền sử dụng đất cho 6 trường hợp. Trong khi đó, theo Luật Đất đai năm 2024, bảng giá đất điều chỉnh áp dụng cho 12 trường hợp sử dụng đất. Trong đó, 5 trường hợp tiếp tục áp dụng tương tự như trước đây và 7 trường hợp áp dụng mới hoàn toàn.
Cụ thể, 7 trường hợp áp dụng mới hoàn toàn là: Tính tiền thuê đất hằng năm; tính tiền sử dụng đất, thuê đất một lần khi được nhà nước công nhận, cho thuê; tính thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất; tính giá khởi điểm để đấu giá; tính thuế khi nhà nước giao đất không qua đấu giá; tính tiền sử dụng đất khi nhà nước bán nhà cho người đang thuê; xác định giá đất tái định cư.
Về tác động của bảng giá đất điều chỉnh trong việc tính tiền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân khi được nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, Sở TN-MT cho biết, mức thu và tỷ lệ thu sẽ căn cứ vào thời điểm sử dụng đất theo luật đất đai mới và nghị định liên quan.
Đối với tác động về việc tính thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân, theo Sở TN-MT, điều này phù hợp với tình hình thực tế, mặt bằng giá đất trên địa bàn TP.
Ngoài 1 khoản và 4 điều tại quy định về bảng giá đất năm 2020, quyết định điều chỉnh vừa được UBND TP ban hành cho phép tiếp tục áp dụng các nội dung không sửa đổi, bổ sung.
TPHCM dự kiến lại thời điểm trình thẩm định bảng giá đất điều chỉnh
Sắp họp tháo gỡ vướng mắc về bảng giá đất TPHCM