So với các địa phương vùng miền núi, cộng đồng dân tộc thiểu số ở thành phố Hồ Chí Minh có rất nhiều điểm khác biệt. Hiện trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có 52 dân tộc thiểu số sinh sống với 468.147 nhân khẩu, chiếm 5,2% dân số. Trong đó, có 3 dân tộc chiếm số đông là dân tộc Hoa với 382.825 người (chiếm 81,77% tổng số dân tộc thiểu số), dân tộc Khmer 50.442 người (10,77%) và dân tộc Chăm 10.499 người (2,24%)… Các dân tộc thiểu số sống đan xen rải rác ở khắp các quận, huyện của Thành phố.
Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều chính sách, tổ chức các hoạt động nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, giữ gìn phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số. Báo cáo kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 1270/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020” trên địa bàn cho biết, thành phố đã ban hành nhiều chính sách nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị di tích lịch sử, di tích văn hóa trong đó có văn hóa của các dân tộc thiểu số. Trong 185 di tích đã được xếp hạng thì có 26 di tích liên quan đến cộng đồng người Hoa với 12 di tích cấp quốc gia và 14 di tích cấp thành phố.
Chùa của cộng đồng người Khmer ở thành phố Hồ Chí Minh |
Hiện, thành phố Hồ Chí Minh đang nghiên cứu, phê duyệt kế hoạch triển khai “Đề án bảo tồn, phát huy trang phục các dân tộc thiểu số trong giai đoạn hiện nay” trên địa bàn giai đoạn 2021 – 2025.
Bên cạnh đó, thành phố cũng phối hợp Học viện Dân tộc xây dựng mô hình bảo tồn văn hóa truyền thống của 3 dân tộc Hoa, Chăm, Khmer trên địa bàn gắn với phát triển kinh tế - xã hội từ này đến năm 2025; góp phần mở ra hướng mới trong nâng cao chất lượng đời sống, giảm nghèo bền vững cho cộng đồng các dân tộc thiểu số tại thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Cũng đã xây dựng và đưa vào hoạt động “Kho dữ liệu văn hóa dân tộc thiểu số được số hóa trên Internet” (vanhoadantoc.tphcm.gov.vn).
Công tác phổ cập giáo dục, nâng cao trình độ dân trí và nguồn nhân lực được quan tâm thực hiện. Nhiều chính sách ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục trong đồng bào dân tộc thiểu số được ban hành như: miễn giảm học phí đối với học sinh người dân tộc Chăm và Khmer trên địa bàn thành phố (trong 7 năm đã hỗ trợ 10.415 học sinh); hỗ trợ chi phí học tập cho sinh viên người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo; miễn học phí cho học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo và cận nghèo; hỗ trợ chi phí học tập cho học viên cao học, nghiên cứu sinh là người dân tộc thiểu số…
Chùa của cộng đồng người Hoa ở Quận 5, thành phố Hồ Chí Minh |
Thời gian qua, thành phố luôn quan tâm đến công tác bảo tồn văn hóa truyền thống cộng đồng dân tộc thiểu số; luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các hội đoàn, tổ chức, cá nhân trong việc triển khai thực hiện các hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Qua đó giúp hoạt động văn hóa nghệ thuật phát triển, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa đa dạng của đồng bào các dân tộc thiểu số; góp phần tích cực và việc bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa các dân tộc và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Tuy nhiên, vẫn còn đó hạn chế khi nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số về chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc chưa đồng đều. Nhân sự phụ trách công tác dân tộc còn thiếu và yếu, không ổn định, ảnh hưởng đến việc xây dựng các chính sách bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số tại thành phố Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, thành phố Hồ Chí Minh cũng đề xuất trung ương tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức công tác dân tộc cho cán bộ, công chức phụ trách công tác dân tộc và lực lượng chính trị nòng cốt, người có uy tín.
Hữu Khôi
Ảnh: Đàm An