Chiều 5/9, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình và Phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM Phạm Đức Hải chủ trì họp báo công bố tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP.

Buổi họp báo diễn ra khi ngày 6/9, TP kết thúc hai tuần giãn cách xã hội ở mức cao nhất.

Ông Phạm Đức Hải cho biết, hôm nay ngày 5/9, lần đầu tiên chứng kiến một lễ khai giảng hoàn toàn khác lạ.

“Chính dịch Covid-19 đã tác động lớn, làm thay đổi nhiều đến cuộc sống. Chúng ta đã và đang cố gắng nỗ lực chiến thắng đại dịch”- ông Hải nói.

Ông Hải thông tin thêm, hiện trên mạng lan truyền một số thông tin, ví dụ như bắt đầu sống chung với dịch kể từ 15/9, mọi hoạt động sản xuất trở lại bình thường nếu an toàn.

Sở Công thương là đầu mối hướng dẫn các doanh nghiệp, TP chuẩn hóa thông tin vắc xin cho toàn bộ người dân, cấp chữ ký online, chuyển dần sang điều trị Covid-19 thu phí… Ông Hải khẳng định đó là thông tin sai sự thật.

Về thông tin ai tiêm hai mũi vắc xin sẽ được hoạt động sau 6/9 hoặc 15/9, Ban Chỉ đạo cho biết sau khi kiểm soát dịch bệnh, sẽ có quy định cụ thể cho từng đối tượng tham gia hoạt động, hiện nay thì chưa và kính mong bà con chờ quyết định cụ thể của UBND TP.

 

{keywords}
Ông Phạm Đức Hải phát biểu tại cuộc họp báo

Ông Phạm Đức Hải cho biết, sáng nay trong buổi làm việc của Bí thư Thành ủy với quận 7, UBND quận có trình phương án dự kiến là thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sau khi kiểm soát dịch bệnh Covid-19, đưa hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại trạng thái bình thường mới. Đối với thông tin này, ông Hải nhấn mạnh chỉ mới là phương án dự kiến.

Về công tác chỉ đạo, ông Hải thông tin cụ thể, ngày 1/9, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã ký quyết định thành lập Ban chỉ đạo xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM.

Ngày 4/9, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP.HCM có thư ngỏ gửi "bà con cô bác và các anh, chị em" đang sinh sống tại TP.HCM, khuyến khích tự thực hiện xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên cho bản thân và cho gia đình.

Giấy đi đường có thời hạn đến khi hết giãn cách

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng tham mưu Công an TP.HCM cho biết, luật sư không nằm trong diện cấp giấy đi đường.

Theo ông Hà, chỉ đối với từng vụ việc cụ thể, cơ quan tiếp nhận yêu cầu báo cáo về Công an TP để cấp giấy đi đường phục vụ hoạt động tố tụng, cấp theo khoảng thời gian đáp ứng yêu cầu vụ việc.

{keywords}
Thượng tá Lê Mạnh Hà. Ảnh: TTBC

Ngày 5/9, Công an TP cho biết, nếu kéo dài thời gian giãn cách đến ngày nào thì gia hạn và kéo dài thời hạn giấy đi đường đã được cấp. Việc này, theo ông Hà, để giải đáp thắc mắc của nhiều người, lo lắng sau 6/9 sẽ hết hạn giấy đi đường.

Thời gian tới, chắc chắn các đơn vị khống chế được tình hình dịch bệnh, TP cũng có các phương án mở rộng các hoạt động sản xuất, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống. Công an đã tính toán nhiều giải pháp, với các tiêu chí an toàn như đã tiêm vắc xin chưa, xét nghiệm âm tính… để không lây lan khi ra đường.

Hiện Công an TP và các sở phối hợp cập nhật các dữ liệu của F0, dữ liệu giấy đi đường, dữ liệu an sinh… cập nhật lên dữ liệu quốc gia để kiểm soát, quét mã QR.

Tính toán mở lại chợ truyền thống đảm bảo các tiêu chí an toàn

Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Nguyên Phương nói rằng, về thực phẩm tươi sống, chế biến… biết nhu cầu đang tăng lên trong nhân dân. Sở Công thương đã rà soát, làm việc với các hệ thống phân phối, cho thấy họ đang gặp khó khăn.

Vì các đơn vị này chưa thuộc đối tượng đi đường, Sở đã rà soát để tính toán trước mắt ưu tiên cho các nhà cung cấp lớn, xe chuyên chở nhiều được ưu tiên cấp giấy đi đường. Khi nhu cầu tăng lên sẽ tiếp tục mở thêm diện ưu tiên cho hệ thống thực phẩm tươi sống và chế biến.

Còn về thông tin sau 15/9 nhu cầu thực phẩm tăng, có thiếu hàng hóa cung ứng hay không? Ông Phương cho rằng, chưa có cơ sở với nhận định này. Tuy nhiên, Sở Công thương luôn có phương án chủ động, đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa cho người dân.

Sở cũng làm việc với các cơ quan liên quan, tính toán mở lại chợ truyền thống, đảm bảo cung ứng hàng hóa nhưng trên hết là đảm bảo các tiêu chí an toàn. Trước mắt, có thể mở các điểm trung chuyển hàng hóa, giúp các tiểu thương tập kết, lưu thông hàng hóa.

Xét nghiệm và điều trị F0 tại nhà

Về phản ánh của báo chí trong hiệu quả xét nghiệm và hiệu quả thuốc điều trị cho F0, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc điều hành HCDC cho biết, thời gian qua TP thực hiện xét nghiệm diện rộng để phục vụ công tác đánh giá tình hình kiểm soát dịch và là tiền đề cho các quyết sách.

Chiến lược xét nghiệm theo từng vùng xanh và cận xanh là xét nghiệm đại diện hộ gia đình, xét nghiệm PCR gộp 10, vùng vàng gộp 5. Còn vùng cam và đỏ thì test nhanh toàn bộ cư dân.

Theo từng vùng và các loại xét nghiệm sáng nay, tính chất và thời gian có hiệu quả cũng khác nhau. Test nhanh thì 15-30s có kết quả, PCR thì phải 2-3 ngày sau nên độ trễ giữa 2 loại xét nghiệm là có.

Xét nghiệm này ưu tiên vùng nguy cơ cao và rất cao. Do đó, độ trễ test nhanh và PCR giữa 2 vùng càng cao. Theo ông Tâm, qua đó thấy tốc độ triển khai và hoàn thành của một số địa bàn khác nhau.

Cũng theo ông Tâm, tới 4/9 tất cả quận huyện thực hiện xong đợt 1 ở cả 5 vùng. Trong đó, Cần giờ, Gò Vấp, Củ Chi hoàn thành sớm và bước vào đợt 2 với tốc độ nhanh hơn quận, huyện khác. Đến hôm nay, các quận huyện đã đạt trên 80% của đợt 2. Đến hết ngày 6/9, dự kiến tất cả quận, huyện xong đợt 2.

Về cơ bản, nếu tính chung cả thành phố thì mới xong đợt 1, nên chưa thể đánh giá một cách chính xác nhất, nhưng dựa trên số liệu sơ bộ có được thì báo cáo tỷ lệ dương tính vùng xanh và cận xanh là 0,8 %; vùng vàng là 1,5%; cam đỏ đợt 1 là 3,6%, đợt 2 là 2,7%.

Cùng vùng đó, trước đây xét nghiệm ra 3,6%, xét nghiệm lần 2 là 2,7%. Số này có giảm nhưng chưa đúng kỳ vọng. Tuy nhiên, đánh giá sơ bộ thì có sự giảm. Phải chờ hết 6/9 mới có thể đánh giá con số chính xác, từ đó mới có thể so sánh cụ thể.

Về túi thuốc C là thuốc kháng virus điều trị đặc hiệu cho F0. Ông Tâm thông tin túi C trực tiếp khống chế làm giảm tải lượng virus và cải thiện tình trạng bệnh của người bệnh.

Vừa qua, thành phố đã nhận 16.000 liều và phát về các quận huyện, đến giờ cấp 5.058 liều, tức gần 1/3 số thuốc.

Thuốc này là thuốc được kiểm soát đặc biệt, không phải ai cũng có thể dùng. Đây là thuốc rất mới nên có một số chống chỉ định nên người dùng phải ký cam kết. Do giám sát chặt chẽ về chuyên môn và pháp lý nên hiện thời thuốc đã có sẵn nhưng người bệnh còn dè dặt vì thuốc này mới. Do đó, tỷ lệ tiếp nhận còn thấp.

Tuy nhiên, tỷ lệ 1/3 là khá khả quan vì so với vài ngày trước đây số lượng thấp hơn nhiều. Ngành y tế đã chủ động truyền thông để người dân mạnh dạn dùng thuốc. Thuốc này đã được nhiều nước trên thế giới sử dụng và có ghi nhận khả quan. Có làm giảm tải lượng virus, giảm tỷ lệ tử vong và tác dụng phụ rất ít.

Theo báo cáo của HCDC, tác dụng phụ hầu như không đáng kể như nhức đầu, buồn ngủ, mệt mỏi…Có thể đánh giá sơ bộ, thuốc này mang lại kết quả khả quan trong cuộc chiến chống Covid-19.

{keywords}
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu trong buổi làm việc với quận 7 về phòng chống dịch Covid-19 sáng 5/9. Ảnh: TTBC

Trước đó, khi làm việc tại UBND quận 7 sáng nay (5/9), Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho biết, TP đang thí điểm mở cửa dần, tiến tới trạng thái bình thường mới trong tình trạng có dịch tại quận 7 (là một trong hai địa phương công bố kiểm soát được dịch). 

Theo ông Nên, TP không thể mãi giãn cách nghiêm ngặt, vì sẽ không chịu nổi. TP đang nghiên cứu mở cửa dần, mở chậm, chắc, mở tới đâu quản tới đó. 

Ngoài quận 7, huyện Củ Chi cũng được TP chọn làm thí điểm mở cửa.

Bí thư TP.HCM: Sẽ mở cửa dần, không thể giãn cách nghiêm ngặt mãi được

Bí thư TP.HCM: Sẽ mở cửa dần, không thể giãn cách nghiêm ngặt mãi được

Theo Bí thư Nguyễn Văn Nên, không thể thực hiện giãn cách triệt để, nghiêm ngặt mãi được. Muốn mở dần ra, phải tập thói quen sống trong trạng thái bình thường mới là tình trạng có dịch.

Hồ Văn