Chị Thảo (Phú Nhuận) khiến một số bạn bè bất ngờ khi chuyển sang bán thịt nhập khẩu. Cô nhân viên văn phòng kết hợp cùng một người bạn của mình bán hàng online, khách chủ yếu là dân cư của khu căn hộ cao cấp có 120 ngàn thành viên trên mạng xã hội.

Thời điểm tuần thứ 3 của giãn cách tại TP.HCM, lượng thịt chị bán tăng gấp đôi so với các tuần trước đó. Đó là chưa kể chỉ trong một tuần đầu giãn cách, hai người đã bán hơn 1.500 kính chống giọt bắn cho cư dân ở chung cư và bạn bè, khách hàng trên mạng.

{keywords}
Người dân TP.HCM đã bắt đầu quen với mua sắm hàng thiết yếu trên kênh online. (Ảnh: Hải Đăng)

TP.HCM đang áp dụng những chính sách quyết liệt nhằm ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19, trong đó bao gồm tạm ngưng các chợ tự phát. Điều này một phần giúp cho các kênh online tăng thêm khách hàng mới lẫn cũ.

Trên Lazada, riêng tháng 6, số lượng người mua và sức mua mỗi ngày (bao gồm số lượng đơn hàng và số lượng sản phẩm bán ra) ở ngành hàng tươi sống đều tăng gần 70%. Xu hướng mua sắm của người tiêu dùng trải dài khắp các mặt hàng từ rau củ, thịt cá và trái cây tươi, đặc biệt là nho, táo, vải thiều.

Trong suốt tháng 6 và vài ngày cuối tháng 5, nền tảng này bán được hơn 12 tấn thịt gà, 7 tấn thịt heo và 6 tấn trái cây. Trong một chương trình khuyến mại, có 2 tấn thịt gà đã được bán ra trong vòng 24 giờ và 800kg nho đỏ bán ra trong vòng 12 giờ.

Để gia tăng nguồn cung, Lazada hợp tác với gần 40 nhà bán hàng/nhãn hàng tươi sống trên toàn quốc.

Trong khi đó, trong 3 tuần của tháng 6, phía Tiki cũng ghi nhận hàng bách hoá bán ra tăng mạnh. Số lượng đơn hàng của ngành hàng thực phẩm tươi sống đạt mức tăng trưởng gấp 2 lần so với thời gian trước giãn cách. 

Theo đại diện Saigon Co.op, đơn đặt hàng qua điện thoại và online tăng gấp 3 lần so với trước, riêng lượng khách đến siêu thị tăng khoảng 20%. Phía Emart cũng tăng 3-4 lần khách đặt hàng nhu yếu phẩm qua ứng dụng. 

Doanh thu online của ngành hàng tươi sống tăng mạnh trong 3 tuần đầu của tháng 6. Tuy nhiên ngay từ tháng 5 tình hình mua sắm phi truyền thống đã có nhiều dấu hiệu tích cực.

Chuỗi Bách hoá Xanh ghi nhận doanh thu tăng mạnh trong tháng 5, đặc biệt sau đợt dịch Covid-19 bùng phát. Trong đó, doanh thu online tiếp tục tăng trưởng.

Số lượng và giá trị giao dịch trên kênh online của chuỗi này trong 5 tháng đầu năm nay gấp lần lượt là 4,8 lần và 3,9 lần số lượng và giá trị giao dịch trên kênh này cùng kỳ năm 2020.

Riêng trong tháng 5, doanh thu Bách hoá Xanh lần đầu tiên vượt mốc 2.500 tỷ đồng, tăng 19% so tháng 4 và tăng 56% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu trung bình trên mỗi cửa hàng trong tháng này đạt hơn 1,35 tỷ đồng, một phần do nhu cầu tích trữ hàng hóa thiết yếu của người dân tăng mạnh trước các đợt giãn cách xã hội.

Theo Sở Công Thương TP.HCM, hiện có hơn 2.550 điểm bán trên địa bàn có hình thức giao hàng trực tuyến. Do nhu cầu cao, các siêu thị, cửa hàng đã tăng cường hàng hoá cho kênh online lên gấp 2-5 lần so với trước.

Hải Đăng

Người dân có nhiều kênh siêu thị online trong mùa dịch

Người dân có nhiều kênh siêu thị online trong mùa dịch

Để tránh tiếp xúc mùa Covid-19, người dân đang ngày càng có nhiều lựa chọn đi chợ trên mạng.