Ngành công nghiệp bán dẫn ngày càng có vai trò quan trọng, với quy mô thị trường toàn cầu đạt trên 520 tỷ USD năm 2023. Trong hơn 30 năm qua, chuỗi giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn đã được định hình. Do có rào cản gia nhập cao, không dễ để các quốc gia đang phát triển có thể tham gia vào lĩnh vực bán dẫn. 

Trong bối cảnh cạnh tranh công nghệ giữa các nền kinh tế lớn, Việt Nam có nhiều cơ hội trở thành “người chơi” mới trong chuỗi giá trị này. Tuy vậy, sự thiếu hụt về nguồn nhân lực đang trở thành rào cản. 

Chia sẻ tại hội thảo về phát triển nguồn nhân lực bán dẫn sáng 17/4, PGS.TS Trương Việt Anh, Trưởng ban KH&CN, Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, Việt Nam hiện có khoảng 5.000 kỹ sư bán dẫn, chủ yếu là kỹ sư thiết kế, kiểm thử. Với nhu cầu mỗi năm tăng khoảng 10-15%, Việt Nam cần sở hữu 50.000 kỹ sư bán dẫn vào năm 2030. 

chip ban dan 2.jpg
Khung cảnh bên trong một nhà máy sản xuất bán dẫn. Ảnh: TSMC

Hiệp hội công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ ước tính nước Mỹ cần 42.000 nhân lực bán dẫn mới từ nay đến năm 2027. Nhật Bản đang cần thêm 35.000 kỹ sư bán dẫn, Hàn Quốc cũng cần thêm 30.000 người trong 10 năm tới”, PGS.TS Trương Việt Anh chia sẻ thêm về nhu cầu nhân lực bán dẫn toàn cầu. 

PGS.TS Trương Việt Anh cho biết, để vận hành một nhà máy bán dẫn có quy mô như của TSMC, cần tới 60.000 nhân lực. Với nhu cầu hiện nay, mỗi năm ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam sẽ cần thêm khoảng 10.000 kỹ sư bán dẫn.

Theo ông Nguyễn Cương Hoàng, Trưởng ban Công nghệ bán dẫn Tập đoàn Viettel, để có chỗ đứng trên bản đồ bán dẫn thế giới, Việt Nam cần gấp 10 lần số kỹ sư bán dẫn như hiện nay. Đây là một thách thức bởi các trường đại học cần phải tăng gấp nhiều lần quy mô nhân sự so với toàn bộ thành quả gần 20 năm qua mới đáp ứng đủ nhu cầu. 

Tính riêng lĩnh vực thiết kế chip, Viettel có nhu cầu nhân lực đến năm 2030 là hơn 500 kỹ sư và năm 2035 là hơn 1.000 kỹ sư. Trong đó, hơn 20% nhân sự phải có trình độ từ thạc sĩ trở lên. 

Về cơ cấu chuyên môn, khoảng 10% kỹ sư tham gia thiết kế kiến trúc hệ thống chip, 30% kỹ sư tham gia vào công đoạn thiết kế nguyên lý (front-end design), 30% kỹ sư tham gia vào công đoạn kiểm định thiết kế (verification) và 30% kỹ sư tham gia vào công đoạn thiết kế vật lý (back-end design)”, ông Nguyễn Cương Hoàng chia sẻ về nhu cầu tuyển dụng.

W-chip-ban-dan-2-1.jpg
Mô hình một vài con chip được thiết kế bởi các kỹ sư Việt Nam. Ảnh: Trọng Đạt

Trong bối cảnh thiếu hụt kỹ sư bán dẫn, dù sở hữu các trường đại học có khả năng đào tạo nhiều khâu như thiết kế, sản xuất và phát triển ứng dụng, Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. 

Các chuyên gia cho rằng, rào cản của quá trình này là kinh phí đào tạo kỹ sư phần cứng cao, trong khi nhu cầu thị trường thay đổi theo chu kỳ ngắn và nhanh. Đào tạo nhân lực ngành bán dẫn yêu cầu cao về cơ sở vật chất (phần mềm, máy móc đắt tiền), thế nhưng, việc đầu tư cho đào tạo và khoa học của các trường đại học lại nhỏ lẻ, ngắn hạn. 

Một thách thức khác là sinh viên kỹ thuật thường thiếu hụt khả năng về ngoại ngữ. Thiết kế chip là ngành có thu nhập cao tại Việt Nam nếu so với mặt bằng chung. Mặc dù vậy, ngành bán dẫn đòi hỏi kiến thức tổng quan cả về phần mềm lẫn phần cứng, nhiều công đoạn phải làm việc ca kíp, thâu đêm. Do đó, sinh viên kỹ thuật có xu hướng theo đuổi các ngành phần mềm, thay vì chọn trở thành kỹ sư phần cứng. 

Để giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân lực bán dẫn, Việt Nam cần cơ chế, chính sách đột phá trong việc hợp tác giữa doanh nghiệp, nhà trường trong hoạt động đào tạo. Ví dụ như chính sách cho phép doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào quá trình đào tạo, tạo nguồn, công nhận các chứng chỉ nghề do doanh nghiệp cung cấp, học kỳ trong doanh nghiệp.

Việt Nam cũng cần có chính sách ưu đãi về thuế, các cơ chế hỗ trợ học phí, ưu đãi về đất đai để xây dựng các cơ sở nghiên cứu, sản xuất và đào tạo. Đặc biệt, chính sách ưu đãi thuế thu nhập cá nhân sẽ đóng vai trò quan trọng trong thu hút nhân tài và các chuyên gia nước ngoài về làm việc trong nước.