Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam tới năm 2030 dự báo cần khoảng 15.000 kỹ sư thiết kế vi mạch. Hiện nước ta chỉ có khoảng 5.000 kỹ sư ở tất cả các khâu trong mảng thiết kế chip. Việt Nam có một khoảng trống lớn về nguồn nhân lực thiết kế chip cần được bổ sung, lấp đầy trong 5 năm tới. 

Chia sẻ tại tọa đàm thiết kế chip bán dẫn do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC, Bộ KH&ĐT) phối hợp với FPT Jetking tổ chức, ông Nguyễn Thanh Yên - Tổng giám đốc CoAsia SEMI Việt Nam cho hay, mức lương trung bình hằng năm của kỹ sư thiết kế chip tại Mỹ khoảng 100.000 đến 300.000 USD. 

Tại Việt Nam, thu nhập của người làm thiết kế chip dao động trong khoảng 10.000 đến 100.000 USD mỗi năm. Trong đó, lương kỹ sư 1-3 năm kinh nghiệm từ 10.000 - 15.000 USD/năm. Nếu có 4-6 năm kinh nghiệm, người trong ngành này có thể thu nhập 16.000 - 25.000 USD/năm. Mức thu nhập có thể tăng lên 46.000 - 80.000 USD, thậm chí cao hơn, với những người có trên 11 năm kinh nghiệm. 

chip ban dan nguyen thanh yen.jpg
Chuyên gia bán dẫn Nguyễn Thanh Yên. Ảnh: Thế Đại

Ông Lê Thành Nam – Giám đốc Cty VIETA Solutions Việt Nam (thuộc ETA Semiconductor) cho hay, tại doanh nghiệp này, lương của kỹ sư thiết kế chip có 1 năm kinh nghiệm khoảng 1.000 USD/tháng. Việc có ngày càng nhiều cơ sở giáo dục đào tạo về ngành bán dẫn cũng đã mở ra cơ hội bổ sung thêm nguồn lực lao động cho các công ty thiết kế chip Việt Nam. 

Chia sẻ về cách trở thành một kỹ sư thiết kế chip, theo ông Hoàng Nam Tiến - Phó Chủ tịch hội đồng trường ĐH FPT, bên cạnh các khóa học dài hạn ở các trường đại học, những người quan tâm tới cơ hội việc làm ngành bán dẫn có thể tiếp cận các khóa dạy nghề. Các khóa học thiết kế chip của FPT Jetking đang cung cấp cơ hội tham gia vào ngành bán dẫn theo hướng đó.

Đánh giá về mức thu nhập người làm thiết kế chip, các chuyên gia đều cho rằng, vẫn còn khoảng cách khá xa giữa Việt Nam và Mỹ. Tuy vậy, thiết kế chip đang là ngành có thu nhập cao tại Việt Nam nếu so với mặt bằng chung. 

W-chip-ban-dan-le-xuan-hoai-1.jpg
Ông Võ Xuân Hoài – Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia. Ảnh: Trọng Đạt

Theo ông Võ Xuân Hoài – Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, việc mức lương người làm chip ở Việt Nam thấp hơn tại Mỹ có thể xem là một cơ hội để các doanh nghiệp công nghệ, tập đoàn bán dẫn nước ngoài đến Việt Nam thuê nhân công, đặt văn phòng đại diện, nhà máy. 

Việt Nam có mối quan hệ tốt với những nhà sản xuất chip hàng đầu hiện nay như Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Trong đó, Đài Loan đang có nhu cầu chuyển dịch, đa dạng hóa chuỗi cung ứng bán dẫn. Vị trí địa lý cùng tiềm năng về nguồn lực trí tuệ của người Việt cũng mang đến những cơ hội cho Việt Nam.

Trên thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp bán dẫn thông qua Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia để tìm kiếm cơ hội đầu tư”, ông Võ Xuân Hoài cho hay. 

W-chip-ban-dan-3-1.jpg
Các bạn trẻ tìm hiểu cơ hội nghề nghiệp ngành bán dẫn. Ảnh: Trọng Đạt

Chia sẻ tại tọa đàm thiết kế chip, ông Lê Hải Anh – Giám đốc Dolphin Technology Vietnam Center cho biết, các doanh nghiệp bán dẫn nước ngoài sẽ nhìn vào chi phí và cơ hội khi quyết định có đầu tư vào Việt Nam hay không. 

Bên cạnh những cơ hội đầu tư hấp dẫn, một lợi thế của Việt Nam là có lượng lớn kỹ sư người Việt đang làm trong mảng thiết kế chip tại Mỹ, Hàn Quốc, Singapore. Chính họ sẽ góp phần giúp các tập đoàn bán dẫn toàn cầu nhìn thấy chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam, qua đó gián tiếp tác động đến nhu cầu mở văn phòng, doanh nghiệp”, ông Lê Hải Anh chia sẻ. 

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Võ Hoài Xuân, ngành bán dẫn nếu muốn phát triển cần số tiền đầu tư khổng lồ. Điều này đòi hỏi sự đầu tư lớn từ Nhà nước, đây là một thách thức với Việt Nam.

Ngành công nghiệp bán dẫn cũng cần tới những chính sách chưa từng có tiền lệ. Đây là giai đoạn quan trọng để hoàn thiện thể chế nhằm phát triển ngành bán dẫn. Song song đó, Việt Nam cần chuẩn bị cả về hạ tầng lẫn nguồn lực con người để sẵn sàng tham gia vào ngành công nghiệp này.